Suýt chết vì vỡ động mạch nhầm với đau bụng
Nghĩ rằng mình chỉ bị đau bụng, ông N.T.Đ. (60 tuổi, ngụ tại Bình Phước) gắng gượng để lo thủ tục cho lễ cưới của cháu. Chiếc xe đi đón dâu bất đắc dĩ trở thành xe cứu thương khi bệnh nhân đau đớn quằn quại.
Được biết, trước khi nhập viện cấp cứu, ông đang tham dự đám cưới của người cháu thì cơ thể bắt đầu có biểu hiện đau bụng. Những cơn đau từ âm ỉ tăng dần lên dữ dội nhưng ông nghĩ mình chỉ bị đau bụng nên gắng gượng để lo cho xong thủ tục trong lễ cưới của cháu.
Vị trí túi phình động mạch chủ bụng của bệnh nhân bị vỡ (điểm đánh dấu X)
Tuy nhiên, đau đớn vượt quá ngưỡng chịu đựng khiến ông quằn quại “cảm giác đau muốn gãy lưng”. Quan viên 2 họ tá hỏa vội đưa ông lên xe sử dụng để đón dâu chuyển thẳng đến bệnh viện cấp cứu. Tại bệnh viện địa phương, bác sĩ xác định bệnh nhân bị vỡ túi phình động mạch chủ bụng, nguy kịch tính mạng.
Sau khi thực hiện các can thiệp cấp cứu khẩn nguy, bệnh nhân tiếp tục phải chuyển lên Bệnh viện Bình Dân, TPHCM.
Tại khoa Phẫu thuật Tim - Mạch máu, người bệnh bị sốc mất máu, tụt huyết áp, tri giác lơ mơ, tiếp xúc chậm. Ê-kíp phẫu thuật khẩn trương can thiệp bộc lộ đoạn động mạch chủ bị vỡ. Vị trí túi phình vỡ có đường kính khoảng 71mm gây xuất huyết ào ạt.
Các bác sĩ nhanh chóng kẹp cầm máu, đặt thành công ống ghép mạch máu nhân tạo vào động mạch chủ bụng, thay thế cho đoạn động mạch phình bị vỡ. Người bệnh đã phải truyền 4 đơn vị máu trong suốt quá trình phẫu thuật để bù cho lượng máu mất, kiểm soát tình trạng rối loạn đông máu.
Sau hơn 3 tiếng khẩn trương trong phòng mổ, các bác sĩ đã giúp bệnh nhân qua nguy kịch. Ngày 19/2, sau một tuần hồi sức hậu phẫu, ông Đ. đã đi lại được, ăn uống tốt, các chỉ số xét nghiệm máu, sinh hóa ổn định.
Người bệnh đã may mắn qua nguy kịch sau khi mất máu cấp do túi phình vỡ
Từ trường hợp trên, bác sĩ Hồ Khánh Đức khuyến cáo, phình động mạch chủ bụng là tình trạng động mạch bị giãn ra to hơn bình thường, thành mạch dần yếu, mỏng, có nguy cơ vỡ đột ngột dưới áp lực bơm máu từ tim. Đây là động mạch lớn nhất trong cơ thể dẫn máu từ tim đến các cơ quan và các mô ở nửa dưới của cơ thể. Bệnh nhân vỡ túi phình sẽ gây mất máu cấp, nguy cơ tử vong rất cao.
Phần lớn các trường hợp phình động mạch chủ bụng không có biểu hiện về mặt lâm sàng. Việc chụp phim CT-scan mạch máu sẽ giúp bác sĩ phát hiện, đánh giá hình thái và kích thước túi phình từ đó có giải pháp theo dõi, phẫu thuật khi túi phình có kích thước lớn. Đối với các bệnh nhân phình động mạch chủ bụng, khi có các dấu hiệu như đau bụng, ngất, da niêm nhạt… là các biểu hiện của vỡ túi phình, cần đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Phình động mạch chủ thường bị bỏ qua hoặc vô tình phát hiện khi thăm khám các bệnh lý khác qua siêu âm bụng hoặc vô tình sờ thấy khối u trong bụng đập theo nhịp tim. Người dân (đặc biệt là người lớn tuổi) cần khám kiểm tra sức khỏe, siêu âm định kỳ để phát hiện và điều trị kịp thời túi phình động mạch bằng những giải pháp phẫu thuật loại bỏ túi phình hoặc đặt stent nội mạch, tránh nguy cơ bị vỡ, đe dọa tính mạng.
Vân Sơn
Tin nổi bật
- Lai Châu: Kỷ luật cảnh cáo Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền
04/07/2019 - 12:27:13
- [Infographics] Cách nhận biết sản phẩm thịt lợn an toàn
14/03/2019 - 15:54:48
- Sản phụ bị biến chứng nguy hiểm vượt cạn thành công
13/03/2019 - 09:21:50
- 20 năm chịu đựng khản tiếng kéo dài, cụ ông không ngờ mình có thể cải thiện nhờ cách này
11/03/2019 - 14:18:16
- Đừng tẩy chay thịt lợn
11/03/2019 - 09:00:16
- Khuyến nông tích cực tham gia chống dịch
11/03/2019 - 08:50:46