Vi khuẩn hóa 'xác sống' để ẩn nấp trong cơ thể người
Trong điều kiện không thuận lợi, vi khuẩn có thể đi vào trạng thái "xác sống" để khi nguy hiểm đi qua lại trỗi dậy.
Vi khuẩn là những kẻ địch rất khó nhằn. Đối mặt với tình trạng thiếu thức ăn, gặp thuốc kháng sinh, tia UV cường độ mạnh hoặc bất kỳ điều kiện nguy hiểm nào khác, chúng vẫn có thể sống sót bằng cách tiến vào một trạng thái giống như ngủ đông, tắt tất cả các chức năng chính cho đến khi nguy hiểm qua đi.
Theo IFL, khoa học biết đến trạng thái trên từ lâu song gần đây đã phát hiện phương pháp sinh tồn mới của vi khuẩn, trong đó chúng trở thành các "xác sống".
Trên tạp chí Nature Communications, các nhà khoa học từ Đại học Amsterdam (Hà Lan) cho biết đã nghiên cứu cách tế bào Bacillus subtilis, một loại vi khuẩn không gây bệnh có thể tìm thấy trong đất ở tình trạng đói. B. subtilis được chọn không thể sản xuất nội bào tử - lớp bảo vệ mà vi khuẩn dùng để tự bảo vệ khỏi các điều kiện sống không thuận lợi.
"Thông thường, Bacillus có hình que nhưng vi khuẩn bị bỏ đói này đã co lại cho đến khi chúng gần như thành hình cầu. Tất cả các quá trình hoạt động thông thường của vi khuẩn cũng đã bị thay đổi", Giáo sư Leendert Hamoen, trưởng dự án ghi nhận.
"Tuy nhiên, vi khuẩn không dừng lại hoàn toàn như khi rút về trạng thái không hoạt động. Các vi khuẩn vẫn tiếp tục phân chia nhưng không phải bốn mươi phút một lần mà cứ bốn ngày một lần, chậm hơn hàng trăm lần so với bình thường. "
Vi khuẩn Bacillus trong trạng thái "xác sống". Ảnh: IFL.
Các nhà khoa học gọi hiện tượng này là trạng thái tăng trưởng oligotrophic, có nghĩa là tăng trưởng nghèo dinh dưỡng. Khi tiếp tục phân chia và duy trì hoạt động trao đổi chất với tốc độ chậm, vi khuẩn như trở thành những "xác sống", vừa đi vừa vấp ngã lung tung với vẻ hờ hững.
Khi môi trường được cải thiện, vi khuẩn sẽ sống dậy và phát triển mạnh mẽ. Điều này có nghĩa trạng thái "xác sống" là phương pháp hiệu quả, giúp vi khuẩn sống sót qua các điều kiện không thuận lợi như thuốc kháng sinh.
"Câu hỏi lớn bây giờ là các vi khuẩn khác ngoài Bacillus có biết thủ thuật này không?", giáo sư Hamoen lưu ý. "Nếu có, cách nhìn của chúng ta về vi khuẩn sẽ bị thay đổi".
Nguyễn Nam
Tin nổi bật
- Lai Châu: Kỷ luật cảnh cáo Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền
04/07/2019 - 12:27:13
- [Infographics] Cách nhận biết sản phẩm thịt lợn an toàn
14/03/2019 - 15:54:48
- Sản phụ bị biến chứng nguy hiểm vượt cạn thành công
13/03/2019 - 09:21:50
- 20 năm chịu đựng khản tiếng kéo dài, cụ ông không ngờ mình có thể cải thiện nhờ cách này
11/03/2019 - 14:18:16
- Đừng tẩy chay thịt lợn
11/03/2019 - 09:00:16
- Khuyến nông tích cực tham gia chống dịch
11/03/2019 - 08:50:46