Sức khỏe tâm thần của người Việt
Tại những nước phát triển như Mỹ và các nước Châu Âu… Bác sĩ tâm thần là một trong những công việc có mức lương cao nhất, với thu nhập hàng trăm ngàn USD/năm. Cùng với đó là sự quan tâm, chăm sóc và giáo dục về sức khỏe tâm thần của người dân và chính phủ của các nước kể trên. Đơn cử như việc mùa thu năm nay, tất cả các trường học ở New York (Mỹ) sẽ dạy sức khỏe tâm thần cho học sinh từ tiểu học đến trung học phổ thông một cách bắt buộc trong các giờ học về sức khỏe.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, người dân gần như thờ ơ tới sức khỏe tâm thần của chính bản thân mình và những người xung quanh. Liệu thần kinh của người Việt Nam có thật sự “cứng” hơn so với người nước ngoài?
Những con số đáng báo động
Theo thống kê của Bộ Y tế vào năm 2017, tại Việt Nam, có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần phổ biến liên quan tới stress, 3 triệu người bị rối loạn tâm thần nặng. Còn thông báo tại Viện Sức khỏe Tâm thần cho thấy có 30% dân số Việt Nam mắc các bệnh rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%. Tuy nhiên, theo GS TS Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần và Tâm lý y học, Học viện Quân y, khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103, đây là con số thống kê chưa đầy đủ. Bởi trên thực tế, số người bệnh được chữa trị còn rất thấp, chỉ có 20% số người mắc bệnh đi khám. Còn TS-BS chuyên khoa II Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Bệnh viện tâm thần trung ương 2 cho biết, Theo thống kê của ngành tâm thần Việt Nam, 10 năm trước tỷ lệ bị sang chấn tâm lý trong quần thể dân cư là 17%, còn tỷ lệ bị rối loạn tâm thần là 6%. Hiện nay, tỷ lệ này lần lượt là 24% và 13%, nhưng chỉ có 0,2% người rối loạn tâm thần được điều trị đến nơi đến chốn.
Có nhiều nguyên nhân khiến gia tăng tỷ lệ 2 loại bệnh trên, nhưng có 3 nguyên nhân chính. Đó là gia tăng số người bị tác động bởi những mâu thuẫn tình cảm trong đời sống, gia đình ly tán, con cái hư hỏng, mất mát người thân; bị thất bại trong học hành, tranh chấp, thua lỗ, mất mát trong làm ăn; chán nản, mệt mỏi do bị bệnh tật nan y. Thứ hai, xã hội phát triển hơn, thông tin đa chiều hơn, người dân bị tác động nhiều hơn bởi những vấn đề tiêu cực của xã hội. Thứ ba, tỷ lệ người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thần và game tăng cao. Năm 1975, chỉ có 12 ngàn người nghiện ma túy/49 triệu dân, hiện nay có tới 234 ngàn người nghiện các loại ma túy/ 90 triệu dân (tăng 20 lần trong khi dân số chỉ tăng gần gấp đôi) nhưng đó mới chỉ là phần nổi. Có những đêm bệnh viện tiếp nhận 10 bệnh nhân có biểu hiện rối loạn tâm thần thì có đến 9 bệnh nhân sử dụng ma túy.
Một điều đáng lo ngại là việc người mắc rối loạn tâm thần tại Việt Nam đang có nguy cơ trẻ hóa. Trong số các bệnh nhân có dấu hiệu tâm thần phải vào viện khám và điều trị, có 47% dưới 30 tuổi. Đặc biệt, tỉ lệ người mắc các bệnh liên quan tới games tăng mạnh. 50-70% người chơi games có các dấu hiệu về sức khỏe tâm thần, với biểu hiện trầm cảm, lo âu, hung hăng...
Những hệ lụy đáng buồn
Triệu chứng bệnh tâm thần rất đa dạng, mức độ nhẹ nhất giống như suy nhược thần kinh cho đến các triệu chứng loạn thần. Giai đoạn đầu thường biểu hiện các biểu hiện như: nhức đầu, rối loạn giấc ngủ, thay đổi tính nết, dễ phản ứng, khó tập trung trong học tập và công tác. Có người buồn chán thiếu quan tâm đến xung quanh, xa lánh mọi người. Khi bệnh nặng hơn còn xuất hiện ảo thanh (nghe thấy tiếng nói mà xung quanh không có ai); ảo giác (bệnh nhân nhìn thấy nhiều người đuổi theo hoặc một sự vật và hiện tượng không có trong thực tế khách quan). TS-BS chuyên khoa II Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Bệnh viện tâm thần trung ương 2 cho rằng, trong cuộc sống, hầu như ai cũng từng gặp phải những sang chấn tâm lý, nếu không biết cách đối diện và giải quyết sẽ rất dễ dẫn đến rối loạn tâm lý. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân như: chán sống, dễ hủy hoại bản thân; không thể tiếp tục làm việc dẫn đến ảnh hưởng kinh tế gia đình; không thể xây dựng và tổ chức được gia đình; mất thời gian, chi phí điều trị bệnh… Những người “ốm yếu” về tâm thần cũng khó sinh được những đứa con có trí tuệ khỏe mạnh, điều đó ảnh hưởng đến giống nòi.
Đặc biệt, GS.TS Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần và Tâm lý y học, Học viện Quân y cho biết, căng thẳng thần kinh (stress) đang ngày trở thành một vấn nạn không loại trừ một ai trong cuộc sống hiện đại. GS Cao Tiến Đức cho hay, các yếu tố gây stress, nếu kéo dài, sẽ gây đến tình trạng trầm cảm, chiếm đến 35% trong các trường hợp bị rối loạn tâm thần. Các vấn đề trầm cảm rõ nhất là người bệnh mất hết hứng thú, không có khả năng tập trung, ảnh hưởng rõ ràng nhất đến công việc. Ngoài ra, người bệnh cũng có những biểu hiện suy yếu về mặt sức khỏe, cơ thể, ví dụ như rối loạn về giấc ngủ, rối loạn về ăn uống, thậm chí có những vấn đề về sinh hoạt vợ chồng, bạn bè, gần như ảnh hưởng tới mọi mặt của cuộc sống. Stress còn được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” khi gây hàng loạt tác động xấu lên cơ thể như huyết áp cao, bệnh tim mạch, tiểu đường và thậm chí là ung thư.
Vụ việc thương tâm mới đây tại Thanh Oai, Hà Nội lại một lần nữa kéo vang hồi chuông cảnh báo về bệnh trầm cảm sau sinh. Bảo vệ của khu đô thị Thanh Hà đã phát hiện một người phụ nữ có những dấu hiệu bất thường, trong miệng luôn lẩm bẩm “Tôi giết con tôi rồi”. Nghi ngờ, lực lượng bảo vệ của tòa nhà đã chạy đến căn hộ của người phụ nữ trên kiểm tra, phát hiện thi thể hai cháu bé. Lực lượng bảo vệ đã ngay lập tức báo cơ quan công an. Không chỉ có vụ việc ở khu đô thị Thanh Hà, mà đã có rất nhiều trường hợp trẻ bị mẹ đẻ sát hại, xuất phát từ chứng trầm cảm sau sinh. Và trên thực tế cũng đã cho thấy, chứng bệnh trầm cảm sau sinh đang khá phổ biến trong xã hội hiện nay và cướp đi sinh mạng của rất nhiều trẻ nhỏ.
Người dân vẫn chưa quan tâm tới sức khỏe tâm thần
TS-BS chuyên khoa II Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Bệnh viện tâm thần trung ương 2 chia sẻ, công tác truyền thông về sức khỏe tâm thần hiện còn rất hạn chế nên người dân chưa biết cách nhận diện bệnh. Mặt khác, còn có một bộ phận người dân thiếu hiểu biết, nặng về mê tín, thường đưa người bệnh đi thầy bà, cúng bái để chữa bệnh. Nhiều người dân còn đánh đồng người bệnh tâm thần là… người điên, dẫn đến kỳ thị, làm cho người bệnh cũng như người nhà giấu bệnh hoặc không được điều trị đúng phương pháp. Có trường hợp bệnh nhân đã được chữa khỏi, nhưng do kỳ thị làm hạn chế việc tái hòa nhập cộng đồng, dẫn đến người bệnh bị tách rời, xa lánh khiến họ dễ rơi vào trầm cảm và tái phát bệnh. Nhiều người còn lo ngại nếu mình bị bệnh sẽ ảnh hưởng tới các mối quan hệ xã hội xung quanh, vì vậy, nhiều người chọn cách giấu bệnh, không đi khám chữa..., dẫn tới tỷ lệ đi khám các bệnh tâm thần rất thấp. Ngoài ra, số người ít đi khám đúng chuyên khoa tâm thần, tâm lý nhưng nhiều người lại đi khám các chuyên khoa khác. Và như vậy, số ít bệnh nhân được khám đúng chuyên khoa tâm thầm tâm lý rất ít. Đồng thời, nhiều người cho rằng mình chỉ bị mỏi mệt cơ thể, chứ không phải mắc bệnh liên quan tới tâm thần, hoặc là mắc bệnh liên quan tới tâm thần song không quá quan trọng, không đáng quan tâm.
GS TS Cao Tiến Đức đưa ra lời khuyên để phòng ngừa stress là mỗi người phải học cách phân bổ thời gian hợp lý cho mối quan hệ gia đình, bạn bè, công việc và những điều khác. Dành thời gian để có hoạt động thư giãn, không phải giải trí. Có thêm hiểu biết về thông tin bệnh, để biết khi nào mình có vấn đề để cần trợ giúp bên ngoài... Lý tưởng nhất là chúng ta biết cách sắp xếp hợp lý, có một cuộc sống thật khoa học, quan tâm để ý tới sức khỏe của mình. Những biểu hiện trên cơ thể, chúng cảnh báo cho chúng ta biết chúng ta cần phải bỏ chút thời gian là quan tâm tới cơ thể nhiều hơn, sức khỏe và tâm trí của mình nhiều hơn. Nếu không đỡ thì cần đến bệnh viện có chuyên khoa để được giải quyết.
TS-BS chuyên khoa II Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Bệnh viện tâm thần trung ương 2 khuyến cáo người dân cần tự trang bị kiến thức về sức khỏe tâm thần để biết cách đối phó và giải quyết khi gặp các sang chấn tâm lý. Khi bị bệnh phải đến các bệnh viện chuyên khoa để được điều trị. Xa hơn là phòng ngừa từ trong bào thai, nghĩa là người mẹ trong quá trình mang thai không nên có những căng thẳng, lo âu hay những cú sốc tinh thần dẫn đến những sang chấn; tự nâng cao “sức đề kháng” tâm thần bằng việc kết hợp chế độ làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Nếu gặp phải những sang chấn tâm lý nên tự mình giải quyết, không nên kéo dài tình trạng mâu thuẫn, bị ám ảnh, ức chế lâu ngày sẽ dẫn đến rối loạn tâm thần.
Đức Trân
https://baomoi.com/suc-khoe-tam-than-cua-nguoi-viet/c/28430916.epi?fbclid=IwAR1Fb3hs99ot7i4FCHMc5daVYLE7phVIwXhlX8mn2JSmVg4rpCdr9rd116I
Tin nổi bật
- 7 loại thực phẩm giúp bạn trẻ trung, ngăn ngừa lão hoá
04/07/2024 - 10:04:04
- 5 lợi ích tuyệt vời khi đắp mặt nạ vào mùa hè
02/07/2024 - 10:31:00
- 5 công thức tắm trắng da đơn giản tại nhà
02/07/2024 - 10:16:25
- Cắt giảm tinh bột để giảm cân sao cho đúng?
01/07/2024 - 10:02:46
- Sai lầm cần tránh khi tập Squat giúp vòng 3 săn chắc
26/06/2024 - 14:48:50
- Những vùng da dễ xuất hiện nếp nhăn và cách chăm sóc phù hợp
20/06/2024 - 10:32:37