Những hiệp sĩ 'code grey' bảo vệ an ninh bệnh viện ở Sài Gòn
Thân nhân say rượu gây rối tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, nhân viên trực tổng đài nhận cuộc gọi liền lập tức khởi động "code grey".
Sau nút kích hoạt "code grey", điện thoại ông Nguyễn Anh Tú, Đội trưởng Đội bảo vệ Bệnh viện Nhân dân Gia Định reo liên hồi cùng thông tin "có báo an ninh tại Khoa Cấp cứu". Ông Tú khẩn cấp liên hệ bằng bộ đàm, yêu cầu toàn đội trực bảo vệ nhanh chóng đến hiện trường.
Bệnh nhân vừa được đưa vào khoa cấp cứu do đâm chém sau chầu nhậu. Nhiều thanh niên xăm trổ, hơi men nồng nặc, lớn tiếng gây gổ, cản trở không cho bác sĩ cấp cứu nạn nhân.
Lực lượng bảo vệ vừa ổn định hiện trường vừa gọi điện đến công an khu vực nhờ hỗ trợ trong đêm để các y bác sĩ yên tâm cấp cứu bệnh nhân. Mỗi kíp trực bảo vệ ban ngày thường 14-15 người, ban đêm 7-8 người.
Bảo vệ Nguyễn Anh Tú liên hệ bằng bộ đàm đến toàn đội trực sau lệnh báo động "code grey". Ảnh: Lê Phương.
Bác sĩ Nguyễn Ánh Tuyết, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết hệ thống "code grey" được triển khai gần đây với hình thức gọi tự động "auto call", nhằm tập trung lực lượng bảo vệ nhanh nhất khi có tình huống mất an ninh, trật tự.
"Lúc trước khi có cháy nổ sẽ báo động bằng cách đánh kẻng, các báo động khẩn cấp có tổng đài phát loa. Đôi khi người được phân công nhiệm vụ không thể nghe được cũng như gây ảnh hưởng bệnh nhân nhiều khoa phòng", bác sĩ Tuyết cho biết.
Lãnh đạo bệnh viện giao phòng công nghệ thông tin tìm cách triển khai chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Với hình thức gọi tự động, danh sách số điện thoại của các nhân viên liên quan được nhập vào phần mềm, khi nhấn nút báo động hệ thống sẽ tự động gọi trực tiếp.
Các bảo vệ nhanh chóng có mặt về nơi xảy ra sự cố khi có báo động. Ảnh: Lê Phương.
Từ khi ứng dụng quy trình mới, khi có tình huống khẩn cấp xảy ra, những người được phân công nhiệm vụ có mặt trong 1-3 phút để giải quyết, dập tắt kịp thời, không để xảy ra sự cố lớn. Điều này giúp các y bác sĩ có thể yên tâm làm nhiệm vụ, không gián đoạn việc cấp cứu bệnh nhân cũng như ảnh hưởng đến thân nhân tại bệnh viện.
Bệnh viện Nhân Dân Gia Định hiện triển khai 4 code hỗ trợ khẩn cấp, bao gồm code blue (hỗ trợ khẩn cấp khi có tình huống bệnh nhân đột ngột ngưng tim, ngưng thở tại các khoa), code red (hỗ trợ khẩn cấp khi có tình huống báo cháy), code grey (hỗ trợ khẩn cấp khi có tình huống mất an ninh, trật tự) và báo động đỏ quy tụ bác sĩ nhiều chuyên khoa cứu sống các bệnh nhân nguy kịch.
Lê Phương
Tin nổi bật
- Lai Châu: Kỷ luật cảnh cáo Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền
04/07/2019 - 12:27:13
- [Infographics] Cách nhận biết sản phẩm thịt lợn an toàn
14/03/2019 - 15:54:48
- Sản phụ bị biến chứng nguy hiểm vượt cạn thành công
13/03/2019 - 09:21:50
- 20 năm chịu đựng khản tiếng kéo dài, cụ ông không ngờ mình có thể cải thiện nhờ cách này
11/03/2019 - 14:18:16
- Đừng tẩy chay thịt lợn
11/03/2019 - 09:00:16
- Khuyến nông tích cực tham gia chống dịch
11/03/2019 - 08:50:46