Dịch bệnh nhiều nguy cơ: Bộ Y tế tổ chức trực chống dịch 24/24h
Dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, nhiều bệnh nguy hiểm mới nổi và tái nổi gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân cũng như an ninh y tế toàn cầu như cúm A(H7N9), MERS-CoV, Ebola đang rình rập. Đây là những nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam và bùng phát, nhất là khi thời tiết ở Việt Nam hiện thuận lợi cho nhiều loại virus và vi khuẩn phát triển, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán sắp tới cũng là lúc lượng tiêu thụ gia súc, gia cầm, thực phẩm tăng cao. Điều này được ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) xác nhận trong những ngày cả nước chuẩn bị đón Tết nguyên đán.
Ông Phạm Hùng-Trưởng phòng kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Cục Y tế dự phòng) cũng cho biết: Trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội tới đây, khí hậu đông - xuân, nhiệt độ môi trường liên tục thay đổi, đặc biệt sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, dễ làm sức đề kháng của mỗi người giảm. Vì thế, những người sức khỏe yếu, trẻ em, người già, hoặc người không thích nghi kịp dễ bị nhiễm bệnh.
Mặt khác, điều kiện môi trường mùa này cũng thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển, lây lan, làm tăng nguy cơ mắc bệnh của con người, nhất là các bệnh cúm, bệnh đường hô hấp, sởi, rubella, liên cầu lợn, tiêu chảy…
Với những người mắc các bệnh mãn tính thì đây cũng là thời gian để bệnh dễ tiến triển thành các đợt cấp, nặng hơn nhất là người già và trẻ em. Việc sử dụng thực phẩm và giao lưu đi lại của người dân tăng cao trong dịp Tết và mùa lễ hội làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp và đường tiêu hóa.
Trước diễn biến của nhiều loại dịch bệnh, Bộ Y tế cho biết đã triển khai nhiều biện pháp để phòng chống.
Số người mắc sởi nhập viện đang tăng
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng yêu cầu các Sở Y tế tăng cường giám sát tại cộng đồng và cửa khẩu, để phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch, không để xâm nhập, lây lan ra diện rộng, mở rộng giám sát trọng điểm, giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm xác định trường hợp mắc bệnh, xử lý triệt để các ổ dịch, triển khai các hoạt động phòng dịch chủ động tại những nơi có nguy cơ cao; Tăng cường phối hợp liên ngành, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên gia cầm có nguy cơ lây nhiễm sang người; ngăn chặn vận chuyển, kinh doanh gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép, thực hiện tốt các hoạt động bắt giữ, tiêu hủy gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, thực phẩm không đảm bảo an toàn.
Hiện Bộ Y tế đã xây dựng phương án ứng phó với các tình huống về dịch bệnh và các nguy cơ về y tế công cộng; duy trì hoạt động đáp ứng khẩn cấp tại các tuyến, tổ chức đánh giá nguy cơ, giám sát dịch bệnh và thông báo cho các đơn vị liên quan. Tổ chức trực chống dịch 24/24 giờ và chuẩn bị sẵn sàng thuốc, vật tư, hoá chất, sẵn sàng hỗ trợ kịp thời, xử lý triệt để ổ dịch khi xảy ra dịch
Bộ Y tế cho biết đặc biệt coi trọng hoạt động truyền thông trong phòng, chống dịch bệnh nên đẩy mạnh hoạt động này ở các cấp với phương châm truyền thông đi trước một bước, lấy phòng bệnh là chính, đồng thời, tuyên truyền rộng rãi các biện pháp phòng chống bệnh mùa đông – xuân và lợi ích của việc tiêm vaccine phòng bệnh. Bộ Y tế đảm bảo cung cấp đủ vaccine sởi - rubella cho 63 tỉnh, thành phố triển khai tiêm định kỳ hàng tháng, cũng như chiến dịch tiêm cho trẻ 1-4 tuổi tại các tỉnh, thành phố có nguy cơ cao.
Cùng với công tác dự phòng, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường công tác điều trị bệnh tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết và sẵn sàng cung ứng thuốc phòng, chống bệnh sốt xuất huyết và bệnh sởi. Việc phân luồng khám bệnh, phân tuyến điều trị bệnh nhân, thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu các bệnh lây truyền được đặc biệt quan tâm để có thể khống chế được dịch sớm nhất.
Đề phòng dịch bệnh trong thời gian tới, nhất là trong dịp Tết nguyên đán và mùa lễ hội, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động phòng chống dịch bệnh bằng việc tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch với các bệnh có vaccine phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà… Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. Tránh tiếp xúc với những người có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm và hạn chế đến những chỗ đông người. Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh.
Bên cạnh đó, người dân cần chú ý vệ sinh cá nhân, nhà cửa, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày. Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm cần thông báo ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám và xử trí kịp thời.
Tin nổi bật
- Nhiều người đi khám sức khỏe mới phát hiện bị bệnh tâm thần
05/07/2024 - 10:54:06
- Thanh niên suýt mất mạng vì ngộ độc thuốc diệt chuột
04/07/2024 - 10:12:39
- Đau bụng đi khám bác sĩ, bàng hoàng phát hiện sán não ký sinh khắp cơ thể
04/07/2024 - 10:00:07
- Bộ Y tế và UNCEF trao đổi thúc đẩy tiếp tục hợp tác về chăm sóc sức khoẻ nhân dân
04/07/2024 - 09:56:36
- Trích rạch vết thương do vỡ hạt tophi sau biến chứng của bệnh gout, cụ ông bị nhiễm trùng nặng
04/07/2024 - 09:52:37
- Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm ông Nguyễn Toàn Thắng giữ chức Phó Chánh Văn phòng Bộ
04/07/2024 - 09:50:03