Bộ Y tế và Bộ Công an ký kết phối hợp thắt chặt an ninh bệnh viện
Ngày 23-1, tại Hà Nội, Bộ Y tế và Bộ Công an đã ký kết Quy chế phối hợp trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Đây là hoạt động nhằm tiếp tục thực hiện Quy chế phối hợp số 03/QC-BCA-BYT ngày 26-9-2013 giữa Bộ Công an và Bộ Y tế về công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong lĩnh vực y tế.
Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, từ năm 2010 đến hết 2017, cả nước ghi nhận có ít nhất 22 vụ việc bác sĩ bị bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hành hung. Các vụ việc xảy ra chủ yếu ở bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 60%), tuyến Trung ương chiếm 20%. Phần lớn đối tượng bị tấn công là các bác sĩ (chiếm khoảng 70%) và điều dưỡng (khoảng 15%). Có tới 90% vụ bạo hành xảy ra khi bác sĩ đang cấp cứu, chăm sóc cho bệnh nhân và 60% xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho bệnh nhân, người nhà. Riêng năm 2018, đã xảy ra 3 sự việc nghiêm trọng bác sĩ bị người nhà bệnh nhân hành hung.
Trước thực trạng trên, để thắt chặt sự phối hợp giữa hai ngành y tế- công an trong đảm bảo an ninh trật tự bệnh viện, Cục Quản lý khám chữa bệnh và Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã thảo luận và ký kết quy chế phối hợp.
Theo đó, Cục Quản lý khám, chữa bệnh sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chủ động phối hợp với cơ quan Công an thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm; hướng dẫn cho toàn thể cán bộ, nhân viên y tế tham gia phòng ngừa, phát hiện tố giác tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật khác góp phần bảo đảm an ninh, trật tự tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Bản Quy chế phối hợp cũng nêu rõ: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm bảo vệ tài sản, tính mạng, sức khỏe và danh dự của nhân viên y tế; chủ động thông báo cho Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an cấp huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh), Công an cấp xã (xã, phường, thị trấn, đồn công an) và chính quyền địa phương tình hình an ninh, trật tự tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, xác định nguyên nhân phát sinh các loại tội phạm. Qua đó làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật đạt hiệu quả.
Khi xảy ra vụ việc có tính chất khẩn cấp, phức tạp về an ninh, trật tự tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ... đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, tài sản của nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh thì chủ động giải quyết ban đầu các vụ, việc liên quan đến an ninh, trật tự; đồng thời thông báo ngay cho lực lượng Cảnh sát phản ứng nhanh qua số điện thoại khẩn cấp 113 và số điện thoại đường dây nóng của Công an địa phương để được ngăn chặn, giải quyết kịp thời…
Về phía Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Quy chế phối hợp nêu rõ Cục có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn các lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thường trực 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý và giải quyết ban đầu các vụ, việc liên quan đến an ninh, trật tự báo đến số điện thoại khẩn cấp 113 và số điện thoại đường dây nóng của Công an địa phương; bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát thường xuyên bảo đảm an ninh, trật tự; tăng cường cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thuộc Trung ương, các tỉnh, thành phố và quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh…
Tuấn Dũng
Tin nổi bật
- Nhiều người đi khám sức khỏe mới phát hiện bị bệnh tâm thần
05/07/2024 - 10:54:06
- Thanh niên suýt mất mạng vì ngộ độc thuốc diệt chuột
04/07/2024 - 10:12:39
- Đau bụng đi khám bác sĩ, bàng hoàng phát hiện sán não ký sinh khắp cơ thể
04/07/2024 - 10:00:07
- Bộ Y tế và UNCEF trao đổi thúc đẩy tiếp tục hợp tác về chăm sóc sức khoẻ nhân dân
04/07/2024 - 09:56:36
- Trích rạch vết thương do vỡ hạt tophi sau biến chứng của bệnh gout, cụ ông bị nhiễm trùng nặng
04/07/2024 - 09:52:37
- Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm ông Nguyễn Toàn Thắng giữ chức Phó Chánh Văn phòng Bộ
04/07/2024 - 09:50:03