Những điều cần biết về nhiễm nấm men "vùng kín"
Nhiều loại vi khuẩn sống trong cơ thể chịu trách nhiệm về sức khỏe đường ruột của chúng ta. Thậm chí nấm men cũng đóng vai trò chính trong hệ tiêu hóa và số lượng nấm men thích hợp trong cơ thể giúp thúc đẩy hoạt động của hệ miễn dịch. Nhưng khi nấm men phát triển vượt ngoài tầm kiểm soát, bạn sẽ bị nhiễm trùng nấm men. Nhiễm nấm men âm đạo là một trong những tình trạng này.
Nhiễm nấm men âm đạo là gì?
Nhiễm nấm men xuất hiện do sự phát triển quá mức của nấm Candida. Loại nấm này sống trên da và trong cơ thể như miệng, họng, dạ dày và âm đạo và thường không ảnh hưởng tới sức khỏe. Nhưng khi chúng phát triển ngoài tầm kiểm soát, chúng sẽ gây nhiễm trùng.
Có tới hơn 150 loài Candia, trong số đó chỉ có 15 loài gây nhiễm trùng, bao gồm Candida albicans, C. glabrata, C. parapsilosis, C. tropicalis và C. krusei vv…
Nguyên nhân gây nhiễm nấm men âm đạo?
Khi sự cân bằng của các vi sinh vật bị rối loạn do stress, thiếu ngủ, dùng thuốc, HIV, tiểu đường và béo phì, tình trạng nhiễm nấm men xuất hiện. Một số thói quen sống có thể cũng làm tăng tình trạng mất cân bằng vi sinh vật bao gồm ăn chế độ ăn nhiều đường, sử dụng xà phòng không mùi, tắm bồn, giữ vệ sinh âm đạo kém, mặc quần lót chất liệu tổng hợp và sử dụng một số thuốc tránh thai.
Các triệu chứng của nhiễm nấm men âm đạo?
Ngứa ở khu vực âm đạo và xung quanh âm hộ
Sưng âm hộ
Nóng rát khu vực âm đạo
Âm đạo tiết dịch trắng hoặc xám
Ban âm hộ
Đau khi giao hợp
Nóng rát khi tiểu tiện
Chẩn đoán nhiễm nấm men âm đạo
Trước tiên, bác sĩ sẽ hỏi các triệu chứng và tiền sử bệnh của bạn bao gồm những lần nhiễm trùng âm đạo và các bệnh lây truyền qua đường tình dục mà bạn mắc trước đây. Sau đó họ sẽ khám để kiểm tra tình trạng đỏ, tiết dịch, mùi hôi và sưng, các dấu hiệu bên ngoài của nhiễm trùng.
Nhiễm nấm men được chẩn đoán bằng xét nghiệm soi tươi âm đạo. Xét nghiệm soi tươi âm đạo được thực hiện bằng cách lấy mẫu dịch âm đạo trộn với dung dịch muối. Mẫu được quan sát dưới kính hiển vi. Dịch tiết gợn trắng là dấu hiệu nhiễm nấm men âm đạo. Ngoài ra xét nghiệm tiêu bản KOH được thực hiện trên dịch tiết âm đạo bằng cách sử dụng dung dịch kali hydroxid tiêu diệt vi khuẩn và tế bào âm đạo, chỉ để lại tế bào nấm (nếu có).
Từ đó phát hiện loại nấm gây nhiễm trùng và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.
Điều trị nhiễm nấm men âm đạo
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây nhiễm trùng, bác sĩ có thể kê thuốc chống nấm, thuốc kháng sinh và thuốc đặt âm đạo hoặc kem bôi âm đạo. Các loại thuốc đặt và kem bôi như miconazole, tioconazole, butoconazole, và clotrimazole được sử dụng để điều trị nhiễm nấm men. Nếu bạn đang mang thai, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào.
Nếu nhiễm trùng âm đạo nặng, có thể phải dùng tới các thuốc kháng nấm như fluconazole và itraconazole. Tỷ lệ chữa khỏi bệnh bằng thuốc là hơn 80%. Tuy nhiên, uống nhiều những thuốc này có thể gây rối loạn gan. Nếu nhiễm trùng âm đạo không nặng, có thể sử dụng các thuốc như nystatin, miconazole, clotrimazole.
Biến chứng của nhiễm nấm men âm đạo
Phụ nữ mang thai bị nhiễm nấm men âm đạo dễ có nguy cơ sinh non, vỡ ối sớm hoặc các vấn đề khác. Một số loại nấm Candida có thể dẫn tới những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nếu không được điều trị. Một trong số chúng là nhiễm candida âm đạo có thể dẫn tới nhiễm trùng toàn thân đe dọa tính mạng. Ngoài ra, nấm men xâm nhập vào máu di chuyển tới các bộ phận khác của cơ thể như phổi, van tim, gan gây nhiễm nấm candida xâm lấn. Tình trạng này có thể gây nhiễm trùng ở các bộ phận khác nhau của cơ thể như viêm màng não, viêm thực quản và viêm nội nhãn. Trong các trường hợp khác, nhiễm nấm men Candida có thể gây nhiễm trùng candida máu.
Phòng ngừa nhiễm nấm men
Mặc quần lót cotton và tránh mặc quần lót chật.
Tránh xa bồn tắm nóng
Tránh dùng quá nhiều các loại kháng sinh vì chúng có thể làm mất cân bằng vi khuẩn khỏe mạnh trong âm đạo.
Tránh thụt rửa âm đạo hoặc vệ sinh âm đạo bằng các biện pháp như dùng baking soda hoặc đám. Điều này có thể ảnh hưởng tới độ pH âm đạo.
Hà Ngân (Theo Boldsky)
Tin nổi bật
- Câu hỏi thường gặp liên quan đến chốc mép
26/03/2024 - 17:22:15
- Mẩn đỏ, mụn li ti hay gặp ở trẻ sơ sinh chữa thế nào?
23/02/2024 - 10:45:18
- Nổi mề đay do lạnh cần làm gì?
29/01/2024 - 11:26:54
- Porphyrin - bệnh da do ánh sáng
26/01/2024 - 10:09:38
- 6 bước sơ cứu cho trẻ khi bị bỏng mọi người cần biết
19/01/2024 - 15:16:10
- Bé gái vừa sinh đã mắc bệnh ly thượng bì bọng nước hiếm gặp: Ai không nên sinh con?
05/01/2024 - 10:27:21