Những bộ phận cần được giữ ấm để trẻ không bị cảm trong mùa lạnh
Thời tiết lạnh dễ khiến trẻ bị bệnh, nhất là cảm. Mẹ nên chú ý giữ ấm tốt cho những bộ phận này để đảm bảo sức khỏe cho trẻ trong dịp lễ tết.
Đầu và cổ
Không ít trường hợp, người lớn cho trẻ mặc áo quần rất kín kẽ, ấm áp nhưng lại quên đi phần đầu cổ của trẻ. Hai bộ phận này dễ tiếp xúc với không khí lạnh nhưng lại cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe của trẻ nhỏ.
Đầu là nơi tản nhiệt rất nhiều, nếu không được giữ ấm tốt sẽ khiến trẻ dễ bị cảm, lâu ngày còn dẫn đến các chứng đau đầu mãn tính và cũng dễ mắc nhiều bệnh khác.
Đầu và cổ thường "lộ thiên" nên càng phải chú ý giữ ấm cho trẻ - Ảnh minh họa: Internet
Để đảm bảo nhiệt độ cho đầu và cổ, bạn nên chú ý cho trẻ đội nón và choàng khăn khi ra ngoài. Mẹ có thể chọn một chiếc nón có độ rộng vừa với đầu của trẻ và làm bằng chất liệu có khả năng giữ ấm nhưng phải thấm hút tốt.
Chân
Chân là nơi dễ bị khí lạnh xâm nhập nhất - Ảnh minh họa: Internet
Theo Đông y, “khí lạnh đi vào từ chân” vì đây là nơi tập trung và liên kết các kinh mạch âm dương trong toàn cơ thể, nhiều huyệt vị trọng yếu nên là bộ phận dễ bị khí lạnh xâm nhập nhất. Còn theo y học hiện đại, do chân có nhiều mạch máu, lại nằm cách xa tim, lớp mỡ mỏng nên khả năng tự giữ ấm rất kém.
Để giữ ấm chân cho trẻ đúng cách, mẹ nên chọn loại vớ bằng bông đơn thuần và không cần quá dày, vừa tạo cảm giác thoải mái nhưng ấm áp, lại vừa thoáng khi nên không bị mồ hôi làm ẩm ướt. Ngoài ra, giày cho trẻ cũng nên có độ lớn vừa chân, có thể hơi rộng một chút để không làm đau chân của trẻ.
Bụng
Bụng cần giữ ấm đúng cách để bảo vệ sức khỏe các cơ quan bên trong cơ thể trẻ - Ảnh minh họa: Internet
Bụng là nơi “trú ngụ” của nhiều bộ phận quan trọng trong cơ thể trẻ, bao gồm dạ dày, đường ruột, gan, thận v.v… Để đảm bảo các cơ quan này hoạt động bình thường và khỏe mạnh thì việc duy trì nhiệt độ ấm ở bụng vô cùng cần thiết. Khi bụng bị lạnh, trẻ dễ bị cảm mạo, tiêu chảy, đau bụng và cả hệ tiêu hóa đều kém đi.
Mùa lạnh, mẹ nên mặc thêm yếm bên trong cho trẻ và có thể để suốt 24/24 để đảm bảo độ ấm cần thiết cho vùng bụng. Bên cạnh đó, quần áo cho trẻ nên chọn chất liệu bông mềm mại nhưng thấm hút mồ hôi tốt. Tuy nhiên, bạn chú ý không mặc quần áo quá dày và bó sát vì sẽ khiến trẻ khó chịu, bất tiện trong các cử động cơ thể.
Lưng
Lưng trẻ dễ đổ mồ hôi nên cần giữ khô thoáng để tăng cường độ ấm cho cơ thể - Ảnh minh họa: Internet
Công tác giữ ấm vừa phải cho lưng có thể giúp trẻ phòng ngừa được nhiều bệnh tật trong mùa lạnh, đặc biệt là chứng cảm mạo. Do lưng thường ra nhiều mồ hôi nên cần giữ ấm đúng cách, không để lưng quá “ngộp” vì sẽ tích tụ mồ hôi, ngược lại càng khiến trẻ dễ bị nhiễm hàn.
Bên cạnh chọn quần áo thích hợp thì khi trẻ nằm ngủ, mẹ cũng nên chú ý chất liệu chăn ga cho trẻ. Mặc dù phải đủ ấm nhưng đừng “lót ổ” quá dày khiến trẻ nằm lâu đổ nhiều mồ hôi, nếu mẹ không phát hiện và lau khô kịp thời thì hơi lạnh càng dễ xâm nhập vào cơ thể trẻ qua lưng.
Hoài Ngọc (Sohu)
Tin nổi bật
- 7 loại thực phẩm giúp bạn trẻ trung, ngăn ngừa lão hoá
04/07/2024 - 10:04:04
- 5 lợi ích tuyệt vời khi đắp mặt nạ vào mùa hè
02/07/2024 - 10:31:00
- 5 công thức tắm trắng da đơn giản tại nhà
02/07/2024 - 10:16:25
- Cắt giảm tinh bột để giảm cân sao cho đúng?
01/07/2024 - 10:02:46
- Sai lầm cần tránh khi tập Squat giúp vòng 3 săn chắc
26/06/2024 - 14:48:50
- Những vùng da dễ xuất hiện nếp nhăn và cách chăm sóc phù hợp
20/06/2024 - 10:32:37