Liên tiếp các ca đứt dây chằng gối do đá bóng
TS.BS Đào Xuân Thành, Phó Trưởng khoa Chấn thương - Chỉnh hình và cột sống (BV Bạch Mai) cho biết, thời gian qua, khoa tiếp nhận liên tiếp các trường hợp chấn thương đứt dây chằng trước gối do đá bóng. Các bệnh nhân được ứng dụng kỹ thuật mới giúp hồi phục nhanh sau phẫu thuật.
Bệnh nhân nam 29 tuổi (Hà Nội) đến BV khám do cảm thấy đau, sưng nề khớp gối sau một trận bóng đá. Bệnh nhân được chẩn đoán chấn thương đứt dây chằng trước khớp gối do đá bóng.
Rất may mắn, bệnh nhân đến khám sớm, chấn thương ở giai đoạn sớm và được các bác sĩ Khoa Chấn thương- Chỉnh hình và cột sống (BV Bạch Mai) tiến hành phẫu thuật bằng kỹ thuật mới- kỹ thuật InternalBrace.
Các chuyên gia tiến hành phẫu thuật nội soi cho nam bệnh nhân bị đứt dây chằng chéo trước do chấn thương thể thao bằng kỹ thuật cố định InternalBrace dây chằng bên.
Ngoài ra, hai nam bệnh nhân khác bị đứt dây chằng trước khớp gối và đứt dây chằng bên trong gối do đá bóng cũng đã được các bác sĩ Khoa Chấn thương- Chỉnh hình và cột sống tiến hành phẫu thuật bằng kỹ thuật này.
TS.BS Đào Xuân Thành cho biết, đứt dây chằng chéo trước do chấn thương khi chơi thể thao rất phổ biến. Những người chơi các môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, tennis... đều có thể gặp tai nạn này. Đứt dây chằng chéo trước gối cũng có thể gặp do ngã cầu thang, tai nạn giao thông...Tình trạng đứt dây chằng chéo trước gối thường xảy ra sau cú trẹo gối vì vận động, cử động nhanh.
Khi bị đứt dây chằng chéo trước gối, bệnh nhân có thể nghe hoặc cảm nhận thấy tiếng “rắc” ở gối ngay sau chấn thương, sau đó xuất hiện tình trạng đau và sưng nề khớp gối.
Trên thực tế, nhiều bệnh nhân bị hiện tượng này nhưng thường cố gắng ở nhà để xoa dầu, đắp lá vì chỉ nghĩ đến chấn thương phần mềm. Quả nhiên, sau một thời gian tình trạng đau và sưng có thể hết, người bệnh có thể đi lại được nhưng luôn cảm thấy chân yếu hoặc không thật chân khi đi lại; Không thể đi bộ nhanh được, nhất là trên mặt đường không bằng phẳng, thỉnh thoảng đang đi bị trẹo gối; Đi lên đi xuống cầu thang khó khăn, cảm giác rất sợ khi phải đặt chân bị chấn thương xuống trước..
Với chấn thương đứt dây chằng trước gối do thể thao, kỹ thuật tái tạo dây chằng chéo trước lần đầu tiên được triển khai tại BV Bạch Mai cho phép sử dụng phần dây chằng chéo trước bị đứt của bệnh nhân, khâu lại bằng chỉ siêu bền và neo cố định với cường độ cố định vượt trội hơn nhiều. Đây là lần đầu tiên kỹ thuật này được tiến hành tại BV Bạch Mai, thực hiện thành công.
“Kỹ thuật cho phép dây chằng đủ khỏe để thực hiện các vận động sớm sau mổ, quá trình phục hồi nhanh chóng hơn. Sau khoảng 3 ngày, bệnh nhân có thể tập đi được ngay, sau một tuần có thể vận động và có những bệnh nhân sau 3 tháng có thể quay trở lại luyện tập thể thao với cường độ cao. Tỷ lệ phẫu thuật thành công cao hơn trên các bệnh nhân tiến hành phẫu thuật trong thời gian 3 tuần sau chấn thương”, TS Đào Xuân Thành nói.
Tuy nhiên, TS Thành cũng lưu ý, phương pháp này thường áp dụng cho chấn thương mới, còn với các chấn thương cũ vẫn phải sử dụng theo phương pháp truyền thống. Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo khi có những dấu hiệu chấn thương sau chơi thể thao, người bệnh nên đến bệnh viện khám để được tư vấn điều trị sớm.
Được biết, kỹ thuật gia tăng lực cố định InternalBrace dây chằng bên, trong vòng 10 năm qua đã thực hiện khoảng 800.000 ca khâu gân hoặc khâu dây chằng, sử dụng chỉ khâu và chỉ neo với kỹ thuật không rút nhằm gia tăng lực bảo vệ cho đường khâu dây chằng bên nguyên phát, tăng cường thế mạnh của dây chằng tự nhiên sau phẫu thuật...
Hồng Hải
Tin nổi bật
- Gan nhiễm mỡ không do rượu là gì, ai dễ mắc?
19/02/2024 - 10:12:51
- Kỹ thuật stent mới giúp thông đường mật người phụ nữ
17/11/2022 - 11:33:33
- 4 lưu ý về viêm gan A
01/11/2022 - 09:39:52
- Cần phẫu thuật ruột thừa ngay khi bị viêm, ai cũng biết nhưng lại không hiểu
05/10/2022 - 10:36:25
- Phẫu thuật cho bé gái 1 ngày tuổi nghi có thai trong thai hiếm gặp
24/02/2021 - 09:46:46
- Nội soi lấy đoạn dị vật kim loại hình chữ V trong họng bé gái
29/12/2020 - 09:30:58