Chủ động phòng chống dịch bệnh
Hiện nay, thời tiết đang có những thay đổi thất thường khi nhiệt độ giảm sâu, kèm theo đó là mưa rét, độ ẩm cao tạo điều kiện cho một số loại vi khuẩn sinh sôi, phát triển. Cùng với đó là sự gia tăng giao lưu đi lại, buôn bán dịp giáp Tết Nguyên đán sẽ là nguy cơ để bệnh truyền nhiễm lây lan.
Tiêm vắc xin cho trẻ là cách tốt nhất phòng chống bệnh tật. (Nguồn: Chương trình tiêm chủng mở rộng).
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu- Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế): Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã có những minh chứng khoa học cho thấy khoảng 70% số ca bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi ở người có nguồn gốc từ động vật. Ðáng lo ngại, hiện Việt Nam được xác định là một trong những “điểm nóng” có nguy cơ rất cao xuất hiện các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm gồm các bệnh lây truyền từ vật nuôi, động vật hoang dã, hoặc hệ sinh thái. Các bệnh truyền nhiễm mới nổi đã ghi nhận ở Việt Nam như: Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), cúm gia cầm A(H5N1), cúm A(H1N1)... Ngoài ra, bệnh dại hiện có số ca gây tử vong đứng hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm.
Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân dẫn đến một số dịch, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có chiều hướng gia tăng thời gian gần đây là do tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão. Bên cạnh đó, ý thức của người dân chưa cao, còn chủ quan, lơ là và xem thường dịch bệnh. Mạng lưới y tế tại một số địa phương còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng nguồn nhân lực, cơ cấu chưa hợp lý. Kinh phí cho công tác phòng, chống dịch chưa được đầu tư đúng mức, khi xảy ra dịch bệnh mới được cấp kinh phí, hoặc cấp muộn dẫn đến tình trạng thụ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh,…
Một trong những biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm hiệu quả là tiêm vắc xin. Thời gian qua, TP Hà Nội đã triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho hơn 622.000 trẻ từ 1 đến 5 tuổi. Hà Nội phấn đấu có hơn 95% số trẻ trên địa bàn được tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh. Tuy nhiên, theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh- Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 5/1, kết quả tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella mới đạt 91,72%. Một số quận có kết quả tiêm thấp như: Quận Hoàng Mai chỉ đạt 47,5%, Đống Đa 55%, Ba Đình 77%, Hoàn Kiếm 82,8%, Hai Bà Trưng 88,9%.
Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo: Các bậc phụ huynh hãy đưa con đi tiêm vắc xin bổ sung. Việc tiêm vắc xin không chỉ phòng bệnh cho chính bản thân mỗi người, mà còn tạo miễn dịch phòng bệnh cho cả cộng đồng.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe người dân trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2019, Cục Y tế dự phòng yêu cầu các đơn vị y tế dự phòng tăng cường hoạt động giám sát tại khu vực cửa khẩu và cộng đồng, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, trường hợp bệnh xâm nhập, nhất là các ổ dịch cũ. Các trường hợp người trở về từ vùng có dịch cần tổ chức cách ly, quản lý kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh.
Cục Y tế dự phòng cũng yêu cầu các địa phương tổ chức tốt công tác cấp cứu, phân tuyến điều trị bệnh nhân; đồng thời, thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, phòng, chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Đối với người dân, cần thực hiện tốt việc vệ sinh phòng bệnh trong chăn nuôi, buôn bán, giết mổ, chế biến gia cầm và các sản phẩm gia cầm. Khi tiếp xúc với gia cầm và các sản phẩm gia cầm cần sử dụng khẩu trang, găng tay. Người dân tuyệt đối không ăn tiết canh và sử dụng thịt, sản phẩm gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc.
Xuân Thủy
Tin nổi bật
- 7 loại thực phẩm giúp bạn trẻ trung, ngăn ngừa lão hoá
04/07/2024 - 10:04:04
- 5 lợi ích tuyệt vời khi đắp mặt nạ vào mùa hè
02/07/2024 - 10:31:00
- 5 công thức tắm trắng da đơn giản tại nhà
02/07/2024 - 10:16:25
- Cắt giảm tinh bột để giảm cân sao cho đúng?
01/07/2024 - 10:02:46
- Sai lầm cần tránh khi tập Squat giúp vòng 3 săn chắc
26/06/2024 - 14:48:50
- Những vùng da dễ xuất hiện nếp nhăn và cách chăm sóc phù hợp
20/06/2024 - 10:32:37