Phẫu thuật tạo hình thành công khúc niệu quản bị hẹp cho thiếu nữ 17 tuổi
Sáng 26-2, Khoa Tiết Niệu Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM thông tin, vừa phẫu thuật thành công một trường hợp khá phức tạp, do hậu quả của hai lần phẫu thuật trước đã để lại rất nhiều mô xơ dính, gây cản trở nghiêm trọng lưu thông nước tiểu từ thận xuống niệu quản.
TS BS. Nguyễn Hoàng Đức – Trưởng khoa Tiết niệu BV Đại học Y Dược đang thăm khám cho bệnh nhân
Bệnh nhân N.T.Y.P, 17 tuổi. Cách đây 2 năm, em P. bị đau tức vùng hông lưng trái, sau khi đi khám em P được chẩn đoán thận ứ nước nhiều do hẹp khúc nối BTNQ. Em đã được thực hiện phẫu thuật nội soi vùng hông lưng sửa chữa chỗ hẹp. Sau phẫu thuật, thận trái vẫn còn ứ nước đáng kể. Sau đó, em được phẫu thuật lần hai bằng cách dùng laser xẻ rộng chỗ hẹp và đặt ống nong trong lòng niệu quản kéo dài trên một năm.
Tuy nhiên, sau khi rút ống nong, thận trái của em P lại bị ứ nước. Tình trạng đau tức hông lưng trở lại, gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của em. Gia đình đã đưa em đến khám tại một số bệnh viện và được đề nghị cắt thận vì “chỗ hẹp không thể sửa được”.
Tại BV Đại học Y Dược, sau khi tiến hành sàng lọc tổng quát, thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, kết quả cho thấy tình trạng xơ hẹp nghiêm trọng tại chỗ nối BTNQ của em P đã gây cản trở lưu thông nước tiểu từ thận xuống niệu quản. Nhận thấy tình trạng của em P không thể kéo dài hơn được các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật tạo hình chỗ niệu quản bị hẹp để trả lại những chức năng sinh hoạt bình thường cho em P.
Theo TS BS. Nguyễn Hoàng Đức – Trưởng khoa Tiết niệu BV Đại học Y Dược – kíp trưởng của ca phẫu thuật cho biết, trường hợp của em P. là một trường hợp khá phức tạp, do hậu quả của hai lần phẫu thuật trước đã để lại rất nhiều mô xơ dính, gây cản trở nghiêm trọng lưu thông nước tiểu từ thận xuống niệu quản.
Ekip đã mạnh dạn phẫu thuật phục hồi tạo hình lại niệu quản. Sau ba tiếng đồng hồ kiên trì, ca phẫu thuật đã thành công tốt đẹp. Thời gian phục hồi sau mổ của người bệnh rất nhanh chóng. Người bệnh xuất viện sau 2 ngày và có thể trở lại sinh hoạt sau 7 ngày.
Khúc nối BTNQ là một vị trí đặc biệt của đường tiết niệu, nơi thận nối với ống niệu quản để dẫn nước tiểu xuống bàng quang. Khi khúc nối BTNQ bị hẹp, nước tiểu không thoát xuống niệu quản được dễ dàng. Áp lực nước tiểu bên trong thận tăng dần làm giãn thận, ứ nước tiểu trong thận. Hẹp khúc nối BTNQ không phổ biến ở người lớn. Nhưng ở trẻ em, hẹp khúc nối BTNQ là nguyên nhân của 80% các trường hợp thận ứ nước. Hẹp khúc nối BTNQ bẩm sinh ở trẻ em gặp ở bé trai nhiều gấp 3 lần bé gái.
Các chuyên gia khuyến cáo rằng, người dân nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bất thường của cơ thể. Ngay khi có những triệu chứng đau bất thường kéo dài hoặc lặp lại nhiều lần, người dân nên đến các cơ sở y tế uy tín thăm khám. Ngay khi phát hiện ra các bệnh lý về niệu thận nên điều trị càng sớm càng tốt, tránh để tình trạng bệnh diễn tiến nặng sẽ gây ra những ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và tốn kém nhiều chi phí.
Thành An
Tin nổi bật
- Bé trai 9 tuổi bị mất 4 ngón tay do nghịch pháo nổ
14/02/2021 - 21:35:12
- Cứu sống bé trai 2 tuổi ở Nghệ An bị chó nhà cắn rách mặt
22/12/2020 - 09:04:46
- Vá hàm ếch miễn phí cho 60 trẻ dị tật
15/12/2020 - 09:29:53
- 2 ê kíp cùng thực hiện kỹ thuật vi phẫu nối bàn tay và cổ chân đứt
10/12/2020 - 09:19:06
- Người đàn ông bị đứt lìa bàn chân khi cắt cỏ
05/12/2020 - 09:51:19
- TPHCM: Nối thành công cánh tay bị đứt lìa cho bệnh 8 tuổi
03/12/2020 - 08:47:50