Cách giúp bạn thoát cơn 'hành hạ' của táo bón
Thời tiết hanh khô của mùa thu cộng với việc hạn chế đi lại để phòng chống dịch bệnh COVID-19... khiến cho không ít người bị chứng táo bón hành hạ. Có nhiều phương pháp xử trí khi bị táo bón, trong đó bạn có thể tham khảo các phương pháp chữa của đông y.
Theo ThS.BS Nguyễn Quang Dương, phụ trách Khoa Ung bướu, Bệnh viện Tuệ Tĩnh, bình thường mỗi người đi ngoài ngày một lần, phân khuôn, không tóa, không nát, trọng lượng khối phân tầm 250 đến 400g. Táo bón là khi đi đại tiện phân khô cứng, có thể lổn nhổn như phân dê, khó đại tiện.
Táo bón có rất nhiều nguyên nhân, thường gặp nhất là do:
- Chế độ ăn chưa khoa học (ăn quá nhiều đạm, mỡ, thiếu hụt chất xơ, tinh bột, uống ít nước…),
- Ít vận động, ngồi lâu,
- Uống thuốc tây y, do mắc bệnh lý…
Khi bị táo bón nếu để kéo dài sẽ dẫn đến trĩ, đau đầu, mất ngủ, nổi mụn, thậm chí tắc ruột, bệnh megagolog…
Vì vậy khi bị táo bón cần được chữa trị kịp thời để tránh các biến cố do táo bón gây ra.
Vị thuốc đại hoàng.
Theo Đông y táo bón là do khí hư, huyết hư, nhiệt tà tích tụ ở đại trường; do âm hư sinh nội nhiệt; hoặc do ăn uống không hợp lý gây nên.
Các thể táo bón thường gặp và bài thuốc trị
1. Táo tón do khí trệ
ThS.BS Nguyễn Quang Dương cho biết, ở thể này người bệnh đại tiện táo kết, bụng đầy bí, ậm ạch, dễ cáu gắt, người mệt mỏi, toát mồ hôi, lưỡi đỏ, mắt đỏ...
Nguyên tắc chữa trị: Hành khí, nhuận trường.
Sa sâm.
Dùng một trong các bài:
Bài 1: Chỉ xác 12g, đại hoàng 5g, sinh địa 12g, trần bì 12g, kim ngân hoa 14g, sa sâm 16g, rau má 16g, hoàng kỳ 10g, bạch linh 10g, bạch thược 12g, cam thảo 12g, cỏ mực 20g, phòng sâm 16g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 2: Trần bì 12g, chỉ xác 12g, hồng hoa 6g, sâm hành 16g, thăng ma 10g, mộc thông 16g, sinh địa 16g, sa sâm 16g, cam thảo 10g, mơ muối 10g. Sắc uống ngày 1 thang.
2. Táo bón do huyết hư
Ở thể này, người bệnh phân khô rắn, bụng đầy bí, da xanh, người gầy, niêm mạc nhợt nhạt, hay bị hoa mắt, chóng mặt...
Phép trị: Bổ huyết sinh tân dịch.
Dùng một trong các bài:
Bài 1: Đương quy bổ huyết thang: Đương quy 16g, hoàng kỳ 30 g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 2: Đương quy 20g, ngưu tất 16g, đại táo 10g, hồng hoa 5g, ngân hoa 12g, chỉ xác 10g, trạch tả 10g, sa sâm 16g, sinh địa 12g, nhục thung dung 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 3: Kỷ tử 100g, tang thầm 100g, long nhãn 100g, bá tử nhân 100g, vừng đen 200g, mật ong vừa đủ. Tán bột làm viên, mỗi ngày uống 10 - 20g. Hoặc có thể dùng thuốc sắc liều thích hợp.
Bài 4: Tứ vật thang gia giảm: Thục địa 12g, xuyên khung 8g, bá tử nhân 8g, bạch thược 12g, đương quy 8g, vừng đen 8g, đại táo 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
Cỏ mực.
3. Táo bón do âm hư, huyết nhiệt
ThS.BS Nguyễn Quang Dương cho biết, triệu chứng chung thường gặp ở thể này là táo bón lâu ngày, đầu bãi táo, cuối bãi nát. Thường xuyên họng khô, miệng khô, lưỡi đỏ ít rêu, người háo khát nước, tiểu vàng sẻn, mạch vi tế.
Phương pháp trị: Dưỡng âm, thanh nhiệt, nhuận táo.
Bài 1: Lục vị tri bá gia giảm: Thục địa 16g, hoài sơn 12g, sơn thù du 6g, đan bì 6g, trạch tả 3g, bạch linh 6g, tri mẫu 8g, hoàng bá 4g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 2: Sinh địa 16g, huyền sâm 16g, mạch môn 16g, sa sâm 16g, thạch hộc 12g, vừng đen 20g, mật ong vừa đủ. Làm thành viên, mỗi ngày uống 10 - 20g. Có thể dùng thuốc sắc liều thích hợp.
Bài 3: Bá tử nhân hoàn: Bá tử nhân 100g, hạnh nhân 50g, hậu phác 40g, chỉ thực 40g, bạch thược 50g, đại hoàng 40g, tán bột. Ngày uống 10 - 20g.
Bài 4: Ngũ nhân hoàn gồm đào nhân 100g, tùng tử nhân 100g, hạnh nhân 50g, úc lý nhân 100g, bá tử nhân 100g. Tán nhỏ thành bột làm viên, mỗi ngày uống 10g.
Hồng hoa.
4. Táo bón do khí huyết hư
Triệu chứng thường gặp: Cơ nhão, táo bón, hay đầy bụng, chậm tiêu, ăn kém, ợ hơi. Thở gấp, đoản hơi nói hay bị hụt hơi. Chân tay mỏi, mạch vô lực.
Phương pháp chữa: Bổ ích khí huyết, nhuận táo.
Bài thuốc: Tứ quân tử thang gia giảm: Bạch truật 12g, đảng sâm 16g, bạch linh 12g, hoài sơn 12g, cam thảo 8g, kỷ tử 12g, vừng đen 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
5. Táo bón do nhiệt tà tích tụ ở đại trường
Người bệnh đi ngoài phân táo, bụng đầy bí, chất lưỡi đỏ, miệng khô họng ráo, bụng nổi cục.
Phép trị: Thanh nhiệt, thông nhuận. Dùng một trong các bài:
Bài 1: Đại thừa khí thang: Đại hoàng 8g, mang tiêu 12g, ô dược 12g, hậu phác 12g, chỉ xác 8g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần, uống sáng, chiều.
Bài 2: Sinh địa 16g, chỉ xác 12g, đào nhân 12g, mạch môn 12g, hồng hoa 10g, tri mẫu 10g, bạch thược 12g, hoàng bá 10g, thiên môn 12g, trần bì 12g, cát căn 16g, liên kiều 12g, đại táo 10g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 3: Trần bì 12g, chỉ xác 12g, đương quy 16g, mạch môn 16g, phòng sâm 16g, đào nhân 10g, hồng hoa 10g, thiên môn 16g, rau má 20g, cỏ mực 20g, cát căn 16g, đại táo 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Dược thiện hỗ trợ điều trị táo bón
Ngoài việc dùng các bài thuốc trên tùy theo thể bệnh, người bệnh có thể tham khảo một số loại dược thiện có tác dụng hỗ trợ táo bón.
1. Cháo hoa đào: Cánh hoa đào tươi 4g (khô 2g), gạo lức 100g. Gạo đãi sạch cho vào nồi, đổ nước nấu cháo loãng, cháo chín cho cánh hoa đào vào đun qua là được. Ngày ăn 2 lần. Trị tràng vị nhiệt, táo bón.
2. Cháo khoai lang: Khoai lang 250g, gạo lức 200g. Khoai rửa sạch, cắt miếng cho cùng gạo đãi sạch vào nồi. Đổ nước vừa đủ, đun to lửa cho sôi. Sau nhỏ lửa nấu thành cháo loãng. Ngày ăn 2 lần. Trị tỳ vị hư nhược, táo bón, đại tiện ra máu.
3. Canh hải sâm nấu mộc nhĩ: Hải sâm 50g, ruột già lợn 200g, mộc nhĩ đen 20g, rượu trắng, hành, gừng, muối vừa đủ. Hải sâm ngâm nở, rửa sạch. Lòng lợn làm sạch, cắt từng đoạn. Mộc nhĩ ngâm nở, rửa sạch, nước vừa đủ. Tất cả cho vào nồi, đun to lửa cho sôi rồi đun nhỏ lửa tới chín nhừ. Trị táo bón do âm hư, vị tràng táo kết.
4. Mật ong pha dầu vừng: Mật ong 50g, dầu vừng 25g. Cho mật ong vào bát lấy đũa đánh cho bọt kín đặc thì cho dầu vừng vào khuấy đều, cho khoảng 100ml nước sôi khuấy đều. Uống nóng. Trị táo bón do tràng vị táo kết.
Nhân hạnh đào 100g, vừng đen 100g rang chín, giã nhỏ, cho vào lọ. Mỗi ngày ăn 1 lần 10 - 15g.
Hạt củ cải to 10 - 30g sao vàng, nghiền thành bột pha với đường uống trong ngày. Dùng chữa táo bón nặng.
Rau chân vịt 30g rửa sạch, cắt từng đoạn, nhúng nước sôi, vớt ra trộn với dầu vừng, ăn. Trị táo bón, tăng huyết áp, đau đầu.
Ngoài ra, những người mắc chứng táo bón, cần chú ý ăn các thực phẩm giúp nhuận tràng như khoai lang, mùng tơi, rau đay, rau ngót, đậu đen, vừng đen, sữa chua…. Đồng thời cần tránh các thực phẩm dễ gây táo bón như các thực phẩm chứa nhiều chất béo, thực phẩm chiên, rán nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm nhiều gia vị cay nóng như ớt, tỏi, hạt tiêu, đồ uống chứa cồn …
Tin nổi bật
- Bài tập tốt cho người bạch tạng
01/07/2024 - 09:57:44
- Biện pháp khắc phục chứng buồn ngủ ban ngày
28/06/2024 - 10:03:55
- Đi bộ có thể giúp giảm đau lưng?
27/06/2024 - 09:42:43
- 5 bài tập giúp tăng sức mạnh trí não
26/06/2024 - 14:51:43
- Quất hồng bì vào mùa, cách sử dụng đúng có lợi cho sức khỏe
24/06/2024 - 10:51:23
- Bài tập giảm triệu chứng cho người bệnh áp xe hậu môn
20/06/2024 - 10:16:19