Cách giảm khó tiêu sau ăn không dùng thuốc
Chườm ấm vùng bụng, tắm nước ấm, uống nhiều nước, vận động nhẹ nhàng… giúp giảm các triệu chứng khó tiêu tại nhà mà không cần dùng thuốc.
Bạn có thể gặp khó tiêu trong vài phút đến vài giờ sau khi ăn. Bình thường sau 2 giờ, 80% thức ăn đã được chuyển từ dạ dày xuống ruột. Đây là vùng bụng phía trên, nơi xảy ra các triệu chứng khó tiêu.
Bác sĩ, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh (Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) cho biết chứng khó tiêu có thể do chế độ ăn uống sinh hoạt không khoa học, các vấn đề tiêu hóa tiềm ẩn như khó tiêu chức năng, loét dạ dày tá tràng, viêm cấp tính dạ dày, bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), bệnh lý đường tụy hoặc đường mật... Người bệnh có thể giảm nhanh chứng khó tiêu ngay tại nhà bằng các cách đơn giản dưới đây.
Chườm ấm vùng bụng hoặc tắm nước ấm
Khi khó tiêu, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng phổ biến như đầy hơi, buồn nôn và nôn, đầy bụng khó chịu sau khi ăn, đau hoặc cảm giác nóng rát ở vùng bụng trên. Bạn có thể sử dụng khăn ấm chườm nhẹ nhàng lên vùng bụng trên rốn. Nhiệt giúp dịu chứng khó tiêu bằng cách thư giãn, giảm căng thẳng, co thắt và đầy hơi. Cách làm này còn cải thiện táo bón, đau bụng do khó tiêu gây ra.
Khi bạn chuẩn bị đi ngủ và vẫn thấy khó chịu thì tắm nước ấm giúp thư giãn, đi vào giấc ngủ ngon và sâu hơn. Nếu đã khuya, bạn thử chườm ấm hoặc đặt miếng đệm sưởi ấm lên vùng bụng để làm dịu cơn co thắt.
Uống nhiều nước có thể làm giảm triệu chứng khó tiêu. Ảnh: Freepik
Uống nhiều nước
Cơ thể cần nước để tiêu hóa thức ăn đúng cách. Uống nhiều nước, nhất là nước ấm là cách khắc phục các triệu chứng khó chịu ở đường tiêu hóa, trong đó có khó tiêu. Tùy vào thể trạng và cân nặng để bạn uống lượng nước phù hợp. Trung bình một người trưởng thành nên uống khoảng 6-8 ly chất lỏng mỗi ngày bao gồm nước, sữa ít béo, đồ uống không đường...
Vận động nhẹ nhàng
Vận động nhẹ nhàng sau khi ăn giúp tăng cường co bóp nhu động ruột. Khí trong dạ dày nhờ vận động có thể thoát ra ngoài, đẩy nhanh tốc độ tiêu hóa các thực phẩm trong ruột. Đi bộ, tập vài động tác yoga hoặc các bài tập thể dục nhẹ nhàng, tránh vận động mạnh gây ảnh hưởng đến đường ruột, tăng triệu chứng khó tiêu.
Tránh lạm dụng thuốc
Theo Tiến sĩ Khanh, một số loại thuốc có tác dụng phụ gây đầy hơi, khó tiêu, kích ứng niêm mạc dạ dày, nhất là các loại thuốc giảm đau. Một số loại thuốc này như aspirin, ibuprofen (Advil, Motrin, IB...) và naproxen natri (Aleve). Nếu người bệnh thường xuyên bị khó tiêu khi uống bất kỳ loại thuốc nào cần thăm khám và hỏi ý kiến bác sĩ để dùng thuốc phù hợp với tình trạng sức khỏe.
Kê cao gối
Nếu bạn ăn tối quá nhanh hoặc thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo, nhiều gia vị có thể gây đầy hơi vào buổi tối. Uống nhiều rượu vào ban đêm cũng có thể kích ứng dạ dày, dẫn đến triệu chứng khó tiêu như ợ chua, đau bụng hoặc buồn nôn. Khi bạn nằm xuống, axit trong dạ dày di chuyển ngược lại cổ họng, gây chứng ợ nóng. Bạn nên kê cao gối khi nằm hoặc dùng vài chiếc gối để nâng đỡ phần trên ngực, cổ và đầu; tránh ăn khuya hoặc ăn trong vòng 2 giờ, tránh uống thêm rượu bia hoặc hút thuốc trước khi đi ngủ.
Tiến sĩ Khanh chia sẻ thêm, có rất nhiều nguyên nhân gây khó tiêu. Một số biện pháp tự nhiên có thể giảm triệu chứng khó tiêu ngay tại nhà. Tuy nhiên, nếu khó tiêu không cải thiện kèm theo các triệu chứng khác như thói quen đại tiện thay đổi, đại tiện ra máu, chán ăn, sụt cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi, suy nhược..., người bệnh nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa Tiêu hóa để được thăm khám và điều trị.
Tin nổi bật
- Bài tập tốt cho người bạch tạng
01/07/2024 - 09:57:44
- Biện pháp khắc phục chứng buồn ngủ ban ngày
28/06/2024 - 10:03:55
- Đi bộ có thể giúp giảm đau lưng?
27/06/2024 - 09:42:43
- 5 bài tập giúp tăng sức mạnh trí não
26/06/2024 - 14:51:43
- Quất hồng bì vào mùa, cách sử dụng đúng có lợi cho sức khỏe
24/06/2024 - 10:51:23
- Bài tập giảm triệu chứng cho người bệnh áp xe hậu môn
20/06/2024 - 10:16:19