Cách dùng mộc nhĩ đen phòng chống tăng huyết áp
Mộc nhĩ, một loại thực phẩm rất giàu chất dinh dưỡng. Ngoài ra mộc nhĩ đen còn có công dụng tăng cường sức khỏe, phòng chống bệnh tật...
1. Công dụng của mộc nhĩ đen
Mộc nhĩ đen còn gọi là vân nhĩ, thụ kê, nhĩ tử, mộc nga, mộc nhu, mộc ngài, mộc khuẩn...
Tên khoa học là Auricularia polytricha Sacc., thuộc họ Mộc nhĩ Auriculariaceae. Thực chất đây là một loại nấm mọc trên những cây, cành gỗ mục, có hình dạng trông giống như tai người, mặt ngoài màu nâu nhạt, có lông mịn, mặt trong nhẵn, màu nâu sẫm.
Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, mộc nhĩ đen có khả năng ức chế quá trình ngưng tập tiểu cầu, phòng chống tình trạng đông máu do nghẽn mạch, ngăn cản sự hình thành các mảng vữa xơ trong lòng huyết quản...
Vì thế, đối với những người bị bệnh tăng huyết áp, vữa xơ động mạch, thiểu năng tuần hoàn não, thiểu năng động mạch vành... mộc nhĩ là một trong những thực phẩm lý tưởng. Mặt khác, chất keo thực vật vốn có khá nhiều trong mộc nhĩ có tác dụng thu gom các bụi đất, tạp chất còn đọng lại trong đường tiêu hóa để cơ thể đào thải ra ngoài dễ dàng, góp phần làm sạch dạ dày và ruột.
Mặt khác, mộc nhĩ còn có tác dụng chống lão hóa, kháng khuẩn, chống phóng xạ và ức chế một số chủng tế bào ung thư. Bởi thế, nhiều chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, mộc nhĩ là một trong những thực phẩm có công năng trường thọ.
Theo y học cổ truyền, mộc nhĩ đen vị ngọt, tính bình, có công dụng lương huyết chỉ huyết (làm mát và cầm máu), ích khí dưỡng huyết, nhuận phế ích vị, nhuận táo lợi tràng; thường được dùng làm thức ăn và làm thuốc cho những người mắc các chứng bệnh như xuất huyết (đại tiện ra máu do trĩ, kiết lỵ, tiểu ra máu, xuất huyết đáy mắt, rong kinh, băng lậu, ho ra máu...), táo bón, viêm dạ dày mạn tính thể vị âm bất túc, họ do phế táo, thiếu máu...
2. Cách dùng mộc nhĩ đen phòng chống tăng huyết áp
2.1 Cháo mộc nhĩ
- Nguyên liệu: Mộc nhĩ 5g, đại táo 5 quả, gạo tẻ 100g, đường phèn vừa đủ.
- Cách làm: Mộc nhĩ ngâm nước ấm, rửa sạch, đại táo bỏ hạt. Hai thứ đem nấu với gạo thành cháo, chế thêm đường phèn, chia ăn vài lần trong ngày.
- Công dụng: Tư âm nhuận phế, kiện tỳ chỉ huyết, bổ não cường tim và kháng ung, dùng thích hợp cho những người bị ho lâu ngày cơ thể suy nhược, thổ huyết, kinh nguyệt không đều, cao huyết áp, bệnh mạch vành tim, vữa xơ động mạch, ung thư...
2.2 Canh mộc nhĩ
- Nguyên liệu: Mộc nhĩ 5g, đậu phụ 200g,
- Cách làm: Nấu thành canh ăn thường xuyên, hoặc mộc nhĩ 6g nấu với đường phèn lấy nước uống trước khi đi ngủ.
- Công dụng: Phòng chống cao huyết áp.
2.3 Mộc nhĩ sấy khô
- Nguyên liệu: Mộc nhĩ ngâm nước ấm, rửa sạch, sấy khô, nghiền thành bột. Đường đỏ (riêng) lượng thích hợp.
- Cách dùng: Ngày uống 2 lần, mỗi lần 5-10g với đường đỏ, hãm với nước sôi trong bình kín, uống thay trà.
- Công dụng: Lương huyết chỉ huyết, giáng áp dùng thích hợp cho những người bị xuất huyết tử cung cơ năng và cao huyết áp.
Ngoài ra, mỗi ngày ăn thường xuyên từ 10-20g mộc nhĩ đen có thể phòng chống hữu hiệu tình trạng táo bón. Điều cần chú ý là những người bị đi lỏng mạn tính do viêm đại tràng, hoặc viêm dạ dày mạn tính thì không nên ăn mộc nhĩ đen.
Tin nổi bật
- Bài tập tốt cho người bạch tạng
01/07/2024 - 09:57:44
- Biện pháp khắc phục chứng buồn ngủ ban ngày
28/06/2024 - 10:03:55
- Đi bộ có thể giúp giảm đau lưng?
27/06/2024 - 09:42:43
- 5 bài tập giúp tăng sức mạnh trí não
26/06/2024 - 14:51:43
- Quất hồng bì vào mùa, cách sử dụng đúng có lợi cho sức khỏe
24/06/2024 - 10:51:23
- Bài tập giảm triệu chứng cho người bệnh áp xe hậu môn
20/06/2024 - 10:16:19