8 thực đơn chữa bệnh từ bạch quả
Bạch quả là vị thuốc ngoài tác dụng đối với trí não còn có các công dụng khác như ức chế nhiều loại trực khuẩn, làm giãn mạch, hạ huyết áp…
Công dụng chính của bạch quả
Bạch quả.
Bạch quả là hạt chín già của cây bạch quả (Ginkgo biloba L.), thuộc họ bạch quả (Ginkgoaceae).
Bạch quả còn có tên khác: Bạch quả nhân, ngân hạnh nhân.
Thành phần hóa học của bạch quả: Bạch quả có carbohydrate, lipid, protein, acid, ginkgenic, ginkgetin, ginnol... Lá cây bạch quả có flavonoid, tritecpenid ….
Các chất này dùng cho người biểu hiện rối loạn trí nhớ, làm tăng tuần hoàn não, tăng độ bền của động mạch, tĩnh mạch, mao mạch…
Ngoài ra, bạch quả còn có tác dụng ức chế nhiều loại trực khuẩn (trực khuẩn bạch hầu, trực khuẩn lỵ và thương hàn...), làm giãn mạch, hạ huyết áp.
Cây bạch quả.
Theo sách "Bản thảo cương mục": Ăn bạch quả chín có tác dụng "ôn phế ích khí, định khái suyễn, súc niệu, chỉ bạch trọc". Ăn sống có tác dụng "trừ đàm, tiêu độc, sát trùng"...
Đơn thuốc "Bạch quả định suyễn thang" là đơn kinh điển có tác dụng bổ phế bình suyễn, rất được ưa chuộng.
Chất chiết từ lá cây bạch quả được bào chế thành thuốc "bổ não" rất phổ biến trên thị trường hiện nay.
Một số thực đơn trị bệnh có bạch quả
1.Cháo bạch quả liên nhục: Dùng cho phụ nữ sa tử cung, khí hư bạch đới...
Bạch quả 6g, liên nhục 15g, gạo tẻ 50g, gà giò 1 con (làm sạch bỏ ruột).
Đem bạch quả, liên nhục tán bột cho trong bụng gà buộc khâu lại, đặt trong nồi. Cho gạo, thêm nước. Hầm nhỏ lửa cho chín nhừ, thêm mắm muối, gia vị vừa miệng. Chia ăn nhiều lần trong ngày, tuần 1 - 2 lần.
Ý dĩ.
2.Thịt lợn hầm bạch quả sa sâm: Dùng cho các bệnh về mũi họng: Viêm họng hạt, viêm mũi họng dị ứng, ung thư vùng mũi họng.
Bạch quả 15g, ngọc trúc 15g, mạch đông 9g, bắc sa sâm 15g, hạnh nhân 15g, thịt lợn nạc 60g, gia vị liều lượng thích hợp.
Đem ngọc trúc, mạch đông, bắc sa sâm nấu lấy nước. Cho vào nấu với hạnh nhân, bạch quả (đã lấy bỏ hạt mầm) và thịt lợn. 2 - 3 ngày ăn một lần.
3.Gà hầm bạch quả ý dĩ nhân: Dùng cho phụ nữ bị khí hư huyết trắng.
Gà sống giò 1 con (khoảng 500g - 1000g), bạch quả 12g, ý dĩ nhân 20g, bạch biển đậu 20g.
Gà làm sạch, các dược liệu cho trong bụng gà buộc lại, thêm bột tiêu gia vị và nước. Hầm nhỏ lửa cho chín nhừ. Ăn lúc đói trong ngày (chia 2 lần). Dùng liên tục 4 - 5 ngày.
Bạch biển đậu.
4.Siro bạch quả ý dĩ nhân: Dùng cho các trường hợp viêm đường tiết niệu cấp, sốt nóng, tiểu rắt, tiểu buốt, nước tiểu đục.
Bạch quả 6g, ý dĩ nhân 30g, đường phèn 15g. Đem bạch quả, ý dĩ nấu chín nhừ, cho đường phèn vào khuấy cho tan đều. Chia 2 lần ăn trong ngày.
5. Siro bạch quả mật ong: Dùng cho các bệnh nhân hen phế quản, lao phổi có ho suyễn.
Bạch quả 10 hạt, bóc bỏ vỏ cứng, thêm nước nấu chín, thêm mật ong khuấy đều. Cho ăn mỗi tối một lần,
6. Gà hầm hạt sen bạch quả: Dùng cho phụ nữ cơ thể suy nhược, khí hư bạch đới (huyết trắng).
Thịt gà 100g, rượu trắng 30ml, hạt sen (bỏ tâm) 10g, bạch quả nhân 10g, thêm nước, hầm nhỏ lửa, thêm gia vị mắm muối. Chia ăn 1 - 2 lần trong ngày.
7. Chữa bạch đới: Bạch quả 1 hạt đã nghiền vụn, lấy 1 quả trứng gà dùi một lỗ nhỏ, nhồi thuốc vào, đem hấp cơm cho chín rồi ăn.
8. Chữa mộng tinh: Bạch quả 3 hạt, đồ chín bằng hơi rượu rồi ăn. Ngày làm 1 lần, ăn liền 4 – 7 ngày.
Tin nổi bật
- Bài tập tốt cho người bạch tạng
01/07/2024 - 09:57:44
- Biện pháp khắc phục chứng buồn ngủ ban ngày
28/06/2024 - 10:03:55
- Đi bộ có thể giúp giảm đau lưng?
27/06/2024 - 09:42:43
- 5 bài tập giúp tăng sức mạnh trí não
26/06/2024 - 14:51:43
- Quất hồng bì vào mùa, cách sử dụng đúng có lợi cho sức khỏe
24/06/2024 - 10:51:23
- Bài tập giảm triệu chứng cho người bệnh áp xe hậu môn
20/06/2024 - 10:16:19