4 liệu pháp đông y giảm triệu chứng Covid
Xoa bóp, bấm huyệt, luyện thở và các bài thuốc từ xuyên tâm liên, chanh, sả, gừng, mật ong hỗ trợ giảm triệu chứng Covid-19, mau lành bệnh.
Ngày 26/4, bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, khoa Y học Cổ truyền, Đại học Y Dược TP HCM, cho biết người mắc Covid có thể dùng các bài thuốc đông y tùy theo thể trạng để giảm đau đầu, ho, sốt, đau mỏi xương khớp, khó thở.
Bác sĩ Vũ giới thiệu một số bài thuốc hỗ trợ điều trị triệu chứng Covid-19, như sau:
Xuyên tâm liên
Xuyên tâm liên (còn gọi androgaphis paniculata) là cây nhỏ, cao 0,4-1 m, thân vuông, mọc thẳng đứng, lá mọc đối, cuống ngắn. Cây này có vị rất đắng, tính hàn, chứa hai nhóm hoạt chất chính là diterpen lacton và flavonoid.
Trên thực nghiệm và lâm sàng, xuyên tâm liên có tác dụng chống viêm, hạ sốt, giảm đau, viêm họng, viêm amidan, cảm lạnh, giảm huyết áp, thích hợp sử dụng cho bệnh nhân Covid-19. Bên cạnh đó, cây có tác dụng giảm xơ mỡ động mạch, bảo vệ gan, chống tiêu chảy, loét dạ dày, lợi tiểu, diệt giun đũa, chống nọc rắn, sốt rét.
Ngày dùng 10-15 g lá dưới dạng thuốc sắc uống, hoặc tán bột, mỗi lần uống 2-4 g, ngày 2-3 lần, chữa viêm miệng, họng. Người bệnh cần có ý kiến của bác sĩ trước khi dùng, bởi xuyên tâm liên là vị thuốc lạnh, sử dụng dài ngày có thể gây buồn nôn, tiêu chảy, người tỳ vị hư hàn không nên dùng.
Chanh, sả, gừng, mật ong
Chanh, sả, gừng, mật ong là những thứ dễ tìm, được ghi nhận có nhiều tác dụng trị bệnh như sốt, nhức đầu, ho, ngạt mũi, chảy nước mũi, đau nhức xương khớp. Những bài thuốc từ các gia vị này có thể dùng để cải thiện sức khỏe, tăng đề kháng, hỗ trợ điều trị Covid, song không nên lạm dụng và coi đó như bài thuốc chính để trị bệnh.
Chanh vị chua ngọt, tính bình, lá có vị đắng the, mùi thơm, quả vị chua, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, khỏi nôn, hỗ trợ chữa khỏi ho, long đờm.
Chanh, sả, gừng, mật ong là những thực phẩm hỗ trợ điều trị triệu chứng Covid-19. Ảnh: Freepik
Sả có mùi thơm, được trồng rộng rãi ở vườn gia đình để lấy thân rễ làm gia vị. Sả vị cay, tính ấm, tác dụng làm ra mồ hôi, ấm bụng, giúp tiêu hóa, thông khí, sát trùng, khử uế, tiêu đờm. Thành phần chính trong tinh dầu sả là citral, hỗ trợ trị một số triệu chứng Covid như đau đầu, đau bụng, tiêu chảy.
Sả nấu với hương nhu, húng chanh, bưởi để xông giải cảm, sốt. 40 g sả, 40 g gừng tươi, rửa sạch, giã nát, nấu với 650 ml nước, sôi khoảng 10 phút, bỏ bã, thêm đường nấu cô lại thành cao, ngậm nuốt dần trong ngày, trị ho do cảm lạnh, cúm.
Lá sả, chanh, bưởi, hương nhu, húng chanh, bạc hà, ngải cứu, kinh giới, một lần dùng 4-6 g mỗi loại, nấu nước xông cho ra mồ hôi, trị cảm sốt do phong hàn, nhức đầu. Kinh giới, tía tô, trắc bách diệp, bạc hà, chanh, ngải cứu, lá tre, lá ổi (mỗi nồi dùng 5 loại lá) đun sôi, dùng để xông giải cảm.
Mật ong có thành phần hóa học gồm đường, các vitamin, acid hữu cơ, chất khoáng và nguyên tố vi lượng, công dụng trị ho mạn tính, ho ra máu, bồi bổ cơ thể, thích hợp hỗ trợ điều trị Covid-19. Thực phẩm này trộn với bột tam thất, ăn mỗi bữa một chén con, giúp hồi phục sinh lực sau ốm dậy.
Uống một cốc nước chanh nóng có pha thêm hai thìa mật ong trị cảm mạo. Hoặc một quả chanh tươi khía kiểu múi khế ở ở lớp vỏ ngoài, rưới một vài thìa cà phê mật ong cho ngấm, đặt trong chén, để khoảng 1-2 giờ, sau đó cắt ra ngậm.
Xoa bóp, bấm huyệt
Xoa bóp, bấm huyệt là biện pháp hiệu quả, cải thiện đau nhức cơ khớp khi nhiễm nCoV. Xoa bóp sẽ làm mềm, tăng độ đàn hồi của cơ thông qua việc tăng nhiệt độ các mô, khiến máu lưu thông tốt hơn, mô được thư giãn.
Trong quá trình thực hiện, cơ thể được kích thích, tạo ra hormone hạnh phúc là serotonin và dopamine, mang lại cảm giác bình tĩnh, viên mãn. Tuy nhiên, cách trị liệu này cần được thực hiện bởi nhân viên y tế, hoặc thầy thuốc hướng dẫn người bệnh tự thực hành tại nhà.
Luyện tâm và luyện thể
Luyện tâm là luyện tâm trí thư giãn, theo ba bước như sau:
Bước một: Ức chế ngũ quan (cách chọn nơi yên tĩnh, nằm che mắt).
Bước hai: Tự nhủ cho từng nhóm cơ mềm, giãn ra, từ trên mặt xuống dần đến ngón chân, một cách từ từ chắc chắn. Người bệnh có thể tự nhủ, lặp lại suy nghĩ "tay chân tôi nặng và ấm, toàn thân nặng và ấm" để giúp cơ thể thư giãn.
Bước ba: Tập trung theo dõi hơi thở ra - vào qua mũi 10 lần. Hơi thở cần thật êm, nhẹ, đều, hoặc tập trung vào đếm số.
Hoạt động thể chất thường xuyên giúp cơ thể tăng sức đề kháng chống lại bệnh tật. Ảnh: Freepik
Luyện thể khá đa dạng, gồm ăn uống, tập thể dục, tập thở, xoa bóp bấm huyệt, xông hơi. Theo đó, các món ăn phải đảm bảo đủ dinh dưỡng, sạch, dễ tiêu hóa, giàu vitamin và khoáng chất.
Người bệnh nên ăn đa dạng, đủ 4 nhóm thực phẩm (bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất). Uống 2-3 lít nước lọc hoặc nước trái cây, nước canh, sữa tươi mỗi ngày, tùy theo cân nặng, chia làm nhiều lần. Ăn uống phù hợp không những cải thiện sức khỏe mà còn khiến tâm trạng vui vẻ hơn.
Ngoài ra, mọi người nên ngủ đủ giấc, trước 23h là tốt nhất, không nên thức khuya chơi game, đọc báo.
Tin nổi bật
- Bài tập tốt cho người bạch tạng
01/07/2024 - 09:57:44
- Biện pháp khắc phục chứng buồn ngủ ban ngày
28/06/2024 - 10:03:55
- Đi bộ có thể giúp giảm đau lưng?
27/06/2024 - 09:42:43
- 5 bài tập giúp tăng sức mạnh trí não
26/06/2024 - 14:51:43
- Quất hồng bì vào mùa, cách sử dụng đúng có lợi cho sức khỏe
24/06/2024 - 10:51:23
- Bài tập giảm triệu chứng cho người bệnh áp xe hậu môn
20/06/2024 - 10:16:19