Những đứa trẻ sống mòn nhờ chạy thận ăn Tết trong viện
Hơn 40 đứa trẻ bị suy thận mạn kéo dài sự sống nhờ chạy thận nhân tạo phải đón Tết trong bệnh viện. Có những bệnh nhi đón 13 cái Tết liền trong viện.
Đơn vị thận nhân tạo được thành lập gần 20 năm. Hiện đơn vị đảm bảo điều trị, chạy thận nhân tạo cho bệnh nhi cả khu vực phía Nam. Nên những em bé không may suy thận mạn phải sống cảnh xa nhà, ăn Tết trong viện.
Bác sĩ, bệnh nhi ăn tết ăn trong viện
Đơn vị thận nhân tạo thuộc Khoa thận -Tiết niệu, BV Nhi đồng 1 TP.HCM những ngày giáp Tết tất bật khi phải xếp lịch chạy thận cho hơn 40 bệnh nhi đang điều trị “nội trú” tại đây.
Bác sĩ Hoàng Ngọc Quý, Phó trưởng khoa cho biết, đơn vị chạy thận cho đến 30 Tết, chỉ có nghỉ đúng ngày mùng 1 Tết. “Thực ra để nghỉ ngày mùng 1, đơn vị phải tính toán chạy bù trước đó 1 ngày chủ nhật để bệnh nhi đón một cái tết không phải nằm trên giường bệnh, nhân viên được nghỉ ngơi.
Bác sĩ Quý đang chăm hỏi thăm tình hình sức khỏe bệnh nhi và động viên tuân thủ điều trị trong dịp Tết. Ảnh: Phan Nhơn
Một ngày chạy 2 ca sáng chiều, mỗi một ca có 10 bệnh nhi, thường bệnh nhi chạy 3 lần/ tuần còn bé nào kèm theo suy tim thì có thể chạy 4-5 lần 1 tuần. Riêng đơn vị vẫn phải túc trực vì sẵn sàng những tình huống cấp cứu bất ngờ”, bác sĩ Quý tâm sự.
Anh Nguyễn Đình Vũ (53 tuổi) là điều dưỡng kì cựu nhất đơn vị từ những ngày đầu thành lập. “Chỉ thiếu vài ngày nữa thôi là tôi đón cái Tết thứ 20 cùng các bệnh nhi suy thận mạn tại bệnh viện”, anh Vũ hồ hởi.
Điều dưỡng Vũ vẫn làm công việc thường ngày, kể cả Tết sắp đến, anh đã đón gần 20 cái Tết cùng các bệnh nhi chạy thận. Ảnh: Phan Nhơn
Điều dưỡng Vũ dường như đã quen hầu hết mặt bệnh nhi, hiểu từng hoàn cảnh gia đình các bé. Chốc chốc thấy các bé đang chạy thận đau đớn anh lại ca một vài câu vọng cổ, hát một vài câu hát trữ tình an ủi xoa dịu cái không khí bệnh tật trong căn phòng chừng 30m2.
“Đa số nhà nào có đứa con suy thận là cầm chắc cái mã số hộ nghèo, nhiều bé từ miền Trung vào chữa bệnh, đường xá xa xôi nên đa số Tết phải thuê trọ gần bệnh viện để tiện chạy thận, có khi chả kiêng cữ mùng 1 Tết, chúng tôi còn chạy cả cấp cứu”, điều dưỡng Vũ chia sẻ.
Chú ơi, Tết này bà cháu tui ăn Tết ở viện
Bác sĩ Quý cho hay, hầu hết các bệnh nhi chạy thận đều là bệnh nhân ngoại trú, song đến Tết đều thành bệnh nhân “nội trú”. Biết hoàn cảnh khó khăn, bệnh viện thường vận động các mạnh thường quân đến chúc tết tặng quà, an ủi để gia đình bệnh nhi được an tâm chữa bệnh.
Bà Nguyễn Thị Mười đang chăm sóc cháu ngoại bên giường chạy thận. Năm nay là năm thứ 7 bà và cháu sẽ đón tết ở viện. Ảnh: Phan Nhơn
Gần 14 giờ chiều một ngày cuối năm hành lang Phòng chạy thận nhân tạo, khoa Thận – Nội tiết, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM đông đúc bởi nhiều bệnh nhi và người nhà chờ đến lượt chạy thận.
Đang chờ đến lượt bác sỹ gọi tên con của mình, chị Nguyễn Phùng Nguyệt Tuyết (36 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) cho hay, vì chạy thận ca 13 giờ nên từ 8 giờ sáng hai mẹ con chị phải bắt xe đò từ nhà ở Nhơn Trạch lên Bệnh viện mới kịp giờ. Ngồi bên cạnh mẹ, em Phan Nguyễn Minh Đăng (13 tuổi) gầy gò, ốm yếu so với độ tuổi các bạn cùng trang lứa.
Ngồi cạnh giường kế bên, bà Nguyễn Thị Mười đang vỗ về cháu ngoại đang lim dim với mớ dây chằn chịt đang chảy những dòng máu vào người. Đứa bé gầy nhom, da dẻ đen đuốc mệt nhoài cứ thế lịm đi trong vòng tay vỗ về của bà.
Có 40 đứa trẻ cùng chung số phận đang điều trị suy thận mạn bằng phương pháp chạy thận đang sẽ đón tết trong viện. Ảnh: Phan Nhơn
Khi chúng tôi hỏi thế tết này bà có về quê ăn tết không? Bà Mười đáp: “ Từ năm 2011 đến giờ bà cháu tui ăn trọn 6 cái tết ở viện, năm nay nữa là năm thứ 7 chú ơi”.
Bà Mười tâm sự, từ ngày cháu bệnh bà trường kì cùng cháu chạy thận ở Nhi đồng 2, thuê trọ ở gần bệnh viện, sống bằng cơm từ thiện, lâu lâu được mạnh thường quân vào cho ít đồng mua thêm cái bánh cái kẹo ngon cho cháu.
“Lúc thằng Hải nó bệnh, biết đây là nan y mà cha mẹ nó cũng bỏ nhau nên tôi bảo thôi nó đi lấy chồng khác, để thằng bé cho tôi nuôi. Tết này ăn tết trong viện rồi chú ơi!”, bà Mười nghẹn ngào.
Cùng chung cảnh ngộ trên là hàng chục đứa trẻ đang “lay lắt” tại khoa Thận– Nội tiết, tất cả họ dường như đã quen với cảnh đón Tết trong bệnh viện.
Nỗi âu lo của gia đình bệnh nhi khi tết sắp đến, đa số gia đình có con cháu bệnh thận đang chạy thận đều nghèo. Tết với họ bao giờ cũng thật xa vời. Ảnh: Phan Nhơn
Bác sĩ Hoàng Ngọc Quý, Trưởng đơn vị Thận nhân tạo, Khoa Thận – Nội tiết cho biết, hiện tại đơn vị đang thực hiện chạy thận nhân tạo cho 40 bệnh nhi suy thận mạn giai đoạn cuối. Có một số trẻ đã phải chạy thận 6-7 năm nay, có trẻ thì mới chỉ vài tháng.
Suy thận mạn là bệnh mạn tính, quá trình điều trị chạy thận phải thực hiện lâu dài và liên tục. Cũng như người lớn, các bệnh nhi được lọc máu thường xuyên mỗi tuần 3 lần, mỗi lần 4 kéo dài 4 giờ đồng hồ, bên cạnh đó là chế độ thuốc và dinh dưỡng hợp lý. Vì vậy, việc điều trị không thể gián đoạn nếu chỉ vì nghỉ Tết kéo dài, nên bác sĩ bệnh nhi đón tết trong bệnh viện là cùng bệnh nhân suốt 20 năm kể từ khi Đơn vị Thận nhân tạo thành lập.
Phan Nhơn
Tin nổi bật
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Thường xuyên ợ nóng là biểu hiệu của bệnh gì?
22/01/2024 - 11:05:39
- Cách giảm đầy hơi, chướng bụng
05/07/2023 - 16:13:34
- 6 thói quen tốt buổi sáng giúp cải thiện đường ruột
01/04/2023 - 10:23:02
- Phòng ngừa hội chứng ruột kích thích
15/02/2023 - 10:35:50