Hà Nội: Người đàn ông 20 năm nghiện rượu nhập viện do bị chảy máu não
Một người đàn ông ở Hà Nội nghiện rượu 20 năm đã được chuyển vào viện cấp cứu với biểu hiện như giãn đồng tử và bị chảy máu não.
Thông tin từ Trung tâm Đột quỵ não – Bệnh viện Trung ương quân đội 108 vừa tiếp nhận 2 bệnh nhân bị đột quỵ xuất huyết não do nghiện rượu.
Trường hợp đầu tiên là nam bệnh nhân 40 tuổi ở Hà Nội, có tiền sử uống rượu hơn 20 năm. Người bệnh được đưa vào viện ngay trong giờ thứ 2 nhưng tình trạng đã rất nặng, hôn mê sâu, giãn đồng tử, da niêm mạc vàng sạm, bụng cổ trướng.
Hình ảnh nam bệnh nhân đột quỵ đang được điều trị tại Bệnh viện 108. Ảnh: vietnamnet.vn
Các y bác sĩ cũng phát hiện có dịch trong ổ bụng, rối loạn chức năng đông máu, CT sọ não xuất huyết não lan toả 2 bán cầu. Bệnh nhân hiện đang được điều trị tích cực.
Và trường hợp thứ hai là nam bệnh nhân 54 tuổi, đến từ Nam Định có tiền sử uống rượu trên 20 năm, mỗi ngày trên 200 ml rượu. Bệnh nhân từng điều trị xơ do gan rượu nhiều năm nay.
Trước khi vào viện 1 ngày, nam bệnh nhân đột ngột hôn mê, liệt nửa người trái được cấp cứu tại bệnh viện tuyến dưới, sau đó chuyển lên Bệnh viện 108 khi vẫn hôn mê, xuất huyết não lớn bán cầu não phải.
Thông tin từ bác sĩ Thao cho biết, đây chỉ là 2 trong số nhiều trường hợp bị xuất huyết não do nghiện rượu nhiều năm được chuyển đến viện cấp cứu. Đây là tình trạng đáng báo động bởi người bệnh có thể bị tàn phế, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Nguyên nhân gây viêm gan do rượu là quá trình phân hủy rượu tạo ra các hóa chất độc gây viêm, phá hủy tế bào gan. Theo thời gian sẽ dẫn đến suy chức năng gan do rượu. Gan là nơi tổng hợp các yếu tố đông máu, bệnh gan nặng có thể làm giảm số lượng và chất lượng tiểu cầu.
Chính vì vậy, khi suy giảm các chất đông máu và tiểu cầu do xơ gan sẽ dẫn tới xuất huyết nhiều nơi trong đó có xuất huyết não. Khi đó các động mạch, tĩnh mạch não bị vỡ, máu chảy vào mô não tạo thành ổ máu tụ; có thể vào khoang dưới nhện, não thất. Xuất huyết não chiếm 15-20% trong số người bệnh đột quỵ.
Những trường hợp này thường rất nặng do chảy máu lớn, không có chất đông máu để tự cầm nên tỷ lệ tử vong và tàn phế rất cao.
Link nguồn:
Theo congluan.vn
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Nguy cơ cao bùng phát bệnh sởi, ho gà ở các tỉnh phía Nam
12/06/2024 - 10:20:41
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
10/05/2024 - 11:17:42