Gia tăng trẻ mắc bệnh đường hô hấp
Đợt nghỉ lễ dài kèm rét đậm, số bệnh nhi mắc các bệnh về đường hô hấp tăng lên rõ rệt. Nhiều trường hợp do bố mẹ chủ quan, tự điều trị tại nhà không đúng cách dẫn đến trẻ bị viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa.
Lên kế hoạch cả gia đình đi du lịch miền Tây trong đợt nghỉ lễ Tết Dương lịch 2019 nhưng trước ngày đi, gia đình chị Tạ Minh Nguyên (quận Thanh Xuân, Hà Nội) phải tức tốc đi đưa con gái 2 tuổi đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi T.Ư. Chỉ sốt sau một đêm, bé Sữa con gái chị Nguyên đã có biểu hiện thở khò khè nặng, mũi chảy, đi khám được bác sĩ chẩn đoán viêm phổi nặng nên phải nằm viện theo dõi. Suốt 4 ngày nghỉ lễ, mẹ con chị ôm nhau trong viện không dám thò mặt ra khỏi hành lang vì gió rét. Phòng bé Sữa nằm có 8 giường thì cả 8 bé đều mắc viêm phế quản, viêm phổi, bé nhỏ nhất trong phòng mới tròn 2 tháng tuổi. Ngày được bác sĩ xem xét cho ra viện thì bé Sữa lại bị “dính” tiêu chảy cấp nên mẹ con chị Nguyên buộc phải ở lại viện theo dõi tiếp.
Tương tự, tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cũng luôn kín giường các bé nằm điều trị, phần lớn trong đó mắc các bệnh về đường hô hấp. Cho con đi ăn rong, dỗ từng thìa cháo ở hành lang phòng bệnh, chị Đỗ Minh Thùy (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) phờ phạc vì thức đêm liên tục trông con 5 ngày nay. “Tết nhất người ta về quê, du lịch, nhà mình thì “du lịch” trong bệnh viện” - chị Thùy than vãn. Trước cửa phòng khám Nhi, từ sau hôm nghỉ lễ cũng tấp nập phụ huynh ôm con đi khám, nhiều người ta thán, mấy ngày nghỉ trẻ con ở nhà lạnh quá, bố mẹ chỉ sểnh ra là con chạy ra ngoài chơi. “Trời thì lạnh buốt, bọn trẻ nô đùa ra mô hôi rồi lại cởi phanh áo ra, bố mẹ chỉ không để ý chút là con ốm ngay. Nhà tôi có 2 đứa sinh đôi mới gần một tuổi, cả 2 đều lăn ra ốm, ho khù khụ, viêm phổi, cả gia đình phải thay nhau chăm, vất vả lắm” - anh Thiết (quê Hà Nam) chia sẻ.
Đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ
Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư Trần Minh Điển cho biết, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận gần 2.000 trẻ tới khám, trong đó số bệnh nhân nhập viện về các bệnh đường hô hấp có xu hướng gia tăng trong những ngày gần đây. Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, Trưởng khoa Nhi Nguyễn Thành Nam cũng cho biết, 30 - 50% số trẻ đến khám trong những ngày này mắc các bệnh nhiểm khuẩn đường hô hấp như viêm họng, viêm xoang, viêm amidan, viêm phổi… Theo bác sĩ Nam, do trọng lượng cơ thể thấp, khả năng sinh nhiệt để duy trì nhiệt độ cơ thể hạn chế nên trẻ em dễ mắc bệnh khi thời tiết rét đậm, đặc biệt là dễ bị các biến chứng do nhiễm lạnh.
Trẻ em dưới 3 tuổi có thể bị viêm mũi họng 3 - 4 lần/năm, thường vào những lúc thời tiết thay đổi đột ngột. Triệu chứng ban đầu là trẻ thường bị ho, sốt, nghẹt mũi một hoặc hai bên, có thể có sốt cao (39 - 40 độ C), quấy khóc, bỏ ăn… Trẻ đã biết nói có thể sẽ kêu đau họng, nghẹt mũi, ù tai, đau tai, nhức đầu… Những ngày đầu mắc bệnh thường là do virus vì vậy không cần uống kháng sinh, chủ yếu vệ sinh mũi họng cho trẻ. Nếu trẻ sốt từ (38 - 38,5 độ C), cha mẹ cần lau cho con bằng nước ấm, uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả và cho uống hạ sốt (paracetamol). Nếu không bị bội nhiễm, bệnh sẽ tự khỏi trong vòng từ 5 - 10 ngày. Tuy nhiên nếu trẻ sốt cao 3 ngày liên tục, phải đưa ngay đến bệnh viện khám để loại trừ bệnh sốt xuất huyết, xác định chính xác trẻ bị nhiễm virus hay nhiễm trùng.
Bác sĩ Nam khuyến cáo, cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ, ăn uống đủ dinh dưỡng, tránh cho trẻ ra ngoài mà không đeo khẩu trang. Cha mẹ cần đặc biệt chú ý mặc ấm, nhưng không nên mặc cho trẻ quá nhiều áo, trẻ dễ bị toát mồ hôi, ngấm ngược vào cơ thể gây cảm lạnh.
Tin nổi bật
- Viêm mũi dị ứng mùa xuân
16/02/2024 - 09:54:59
- Viêm phổi ở trẻ có triệu chứng gì?
02/02/2024 - 15:16:09
- Các loại viêm xoang thường gặp và triệu chứng
15/01/2024 - 09:59:00
- Dấu hiệu nhận biết khi trẻ bị viêm tiểu phế quản
03/07/2023 - 11:50:42
- Biểu hiện bệnh suy hô hấp mạn tính
26/06/2023 - 11:59:13
- Ngạt mũi liên tục gây khó thở, khó ngủ: nguyên nhân và cách điều trị
18/04/2023 - 10:06:25