Vụ ngộ độc patê Minh Chay: Vì sao điều trị khó khăn?
Thông tin từ Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, những ngày gần đây bệnh viện vẫn tiếp nhận thêm bệnh nhân có dấu hiệu yếu cơ, thở khó, nói khó… sau khi ăn patê Minh Chay đến khám.
Số người đến khám tăng, bệnh nhân đến từ nhiều tỉnh thành khu vực phía Bắc, riêng ở Hà Nội có 24 người. Các bệnh nhân có triệu chứng ngộ độc gồm 7 người đã đến bệnh viện khám, 17 người được hướng dẫn đến cơ sở y tế.
Phải thở máy lâu ngày
Hai vợ chồng bệnh nhân nặng nhất điều trị nội trú tại Bệnh viện Bạch Mai thì người vợ (68 tuổi) đã có chuyển biến khá hơn, nhưng người chồng (70 tuổi) vẫn đang ở tình trạng nặng: thở máy, liệt...
Thời gian thở máy với những trường hợp như thế này, theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - giám đốc Trung tâm chống độc, có thể lên tới 2 tháng, thời gian hồi phục cũng kéo dài nhiều tháng nữa. Cho đến nay, bệnh nhân này đã thở máy trên 1 tháng.
Tình trạng bệnh nhân như thế này cho thấy đây là loại ngộ độc không dễ điều trị. Hiện loại thuốc duy nhất sử dụng giải độc cho bệnh nhân ngộ độc độc tố botulinum là antitoxin botulinum, giá rất đắt đỏ, loại mua từ Thái Lan tới 8.000 USD/lọ.
Đây là giá chính thức tại bệnh viện công của Chính phủ Thái Lan, Việt Nam đã mua 2 lọ thuốc điều trị cho 2 bệnh nhân nặng nhất tại Bệnh viện Bạch Mai bằng nguồn tiền tài trợ của Tổ chức Y tế thế giới, giá thị trường có thể còn cao hơn.
Bên cạnh đó, thuốc chỉ có hiệu quả tốt trong vòng 7 ngày kể từ khi có biểu hiện ngộ độc, trong khi những bệnh nhân bị ngộ độc sau ăn patê Minh Chay ở Việt Nam thì đều đã ở giai đoạn muộn. Người sớm nhất cũng đã ăn patê cách đây 2 tuần, còn lại đều ăn trên 1 tháng, thậm chí ăn từ tháng 7 - đã quá xa so với thời gian thuốc có hiệu quả tốt nhất.
Do đó, điều trị cho bệnh nhân ngộ độc botulinum hiện nay chủ yếu là bổ trợ. Những bệnh nhân nhẹ thì bổ trợ có hiệu quả; bệnh nhân nặng đòi hỏi thời gian thải độc, phục hồi lâu hơn, vì vậy các ca bệnh nặng không tiến triển được nhiều.
Điều trị gặp khó
Theo BS Đặng Hà Hữu Phước - phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, ngộ độc botulinum ở Việt Nam gần như rất hiếm gặp, lâu rồi các bệnh viện không gặp lại trường hợp ngộ độc botulinum, do đó quá trình chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân gặp nhiều khó khăn.
Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 6-18 tiếng, tùy theo lượng độc tố bệnh nhân ăn vào; thời gian ủ bệnh sẽ thay đổi, thông thường bệnh nhân tới bệnh viện trễ khiến việc chẩn đoán khó khăn.
Mặt khác, liên quan đến độc lực của vi khuẩn trong thức ăn nên việc khai thác triệu chứng bệnh gặp khó. Trong khi đó, người bệnh thường không nhớ trước đó ăn gì, cũng ít nghĩ tới việc ngộ độc. Đây cũng là lý do khiến việc chẩn đoán ban đầu cho bệnh nhân phức tạp hơn.
Theo BS Phước, bản thân căn bệnh này tương đối hiếm gặp, còn thuốc giải đặc hiệu không có sẵn mà phải nhập từ nước ngoài, từ đó việc điều trị cũng khá nan giải. Đặc biệt, độc tố này phá hủy dẫn truyền thần kinh, gây ảnh hưởng đến tận cùng đầu thần kinh. Do đó, để phục hồi phải chờ sự đổi mới lại tế bào thần kinh, tức chờ đợi tế bào thần kinh sản sinh trở lại, thay mới.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân còn gặp một số vấn đề phát sinh khác như liệt hô hấp, buộc phải thở máy kéo dài, gây ra viêm phổi. Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị suy dinh dưỡng, teo cơ do lâu ngày không vận động, loét tì đè...
Phương pháp điều trị các trường hợp ngộ độc do botulinum đang được áp dụng hiện nay là hỗ trợ bệnh nhân vượt qua giai đoạn liệt hô hấp bằng máy thở, liệu pháp nâng đỡ dinh dưỡng, bài tập vật lý trị liệu... để điều trị cứng khớp có thể xảy ra. Đối với các trường hợp liệt quá nặng hoặc độc lực quá nhiều thì sẽ có những điều trị khác như lọc máu. Song phương pháp này tồn tại 2 rào cản lớn.
"Một là gần như chỉ các bệnh viện tuyến trung ương mới thực hiện phương pháp này, hai là chi phí điều trị kỹ thuật này tương đối cao" - BS Phước nói.
Tổn thương làm mất đi sự "chỉ huy" của các dây thần kinh
Bệnh nhân nam, 54 tuổi, là bệnh nhân thứ 6 đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau nhiều ngày điều trị, bệnh nhân chưa có gì tiến triển khi còn phải thở máy, liệt cơ và suy hô hấp - Ảnh: BVCR
Theo BS Lê Quốc Hùng - trưởng khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - độc tố này gây tổn thương làm mất đi sự "chỉ huy" của các dây thần kinh (đặc biệt thần kinh vận động) đến các cơ và bị liệt. Do đó, điều quan trọng là bệnh nhân cần được chẩn đoán đúng, sớm và sử dụng thuốc kháng độc tố càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên, hiệu quả của các loại thuốc kháng độc tố (nếu có) cũng chỉ có tác dụng rút ngắn thời gian bị liệt, tránh việc phải thở máy kéo dài gây ra các biến chứng viêm phổi.
Ông Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết hiện chỉ có thuốc antitoxin mới có thể hóa giải độc tố nhưng trong nước không có bán. Đặc biệt, thuốc này chỉ có tác dụng với bệnh nhân ngộ độc botulinum trong vòng một tuần, nên việc nhập thuốc dự phòng trong điều trị cho các ca bệnh tiếp theo rất bức thiết. Trong văn bản gửi Bộ Y tế mới đây, Bệnh viện Chợ Rẫy đã đề nghị cho nhập thuốc antitoxin botulinum để dự phòng.
"Phần lớn sức cơ của bệnh nhân bị ngộ độc botulinum cần thời gian phục hồi rất lâu. Trong khoảng thời gian chờ phục hồi sức cơ, bệnh nhân còn đối diện với các nguy cơ viêm phổi do thở máy lâu ngày, các biến chứng nhiễm trùng đường hô hấp. Trong khi thuốc kháng độc chưa có, phương pháp điều trị hỗ trợ như thay huyết tương, thở máy, truyền dịch... đang là giải pháp tối ưu được thực hiện để điều trị cho bệnh nhân.
Bác sĩ Phạm Công Doanh (khoa hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhân dân 115)
Cấp phép nhập thêm 10 lọ thuốc giải độc
Hiện có 10 bệnh nhân ngộ độc botulinum nặng sau ăn patê Minh Chay nhưng chưa được điều trị bằng thuốc giải độc, Bộ Y tế đang làm thủ tục để nhập thêm 10 lọ thuốc giải độc cho các bệnh nhân này. 2 lọ thuốc nhập về ngày 29-8 từ Thái Lan, nhưng lần này thuốc sẽ nhập từ châu Âu.
Thuốc này cần bảo quản đặc biệt trên đường vận chuyển tương tự như vận chuyển vắcxin, trong thùng chứa thuốc còn có cả thiết bị chỉ thị nhiệt độ. Giá một lọ thuốc này vẫn là 8.000 USD và vẫn do Tổ chức Y tế thế giới tài trợ.
Dễ nhầm với bệnh nhược cơ
Tất cả 9 ca bệnh nhập viện điều trị sau khi ăn patê Minh Chay có chứa độc tố clostridium botulinum tại TP.HCM đều có điểm chung rất điển hình là khó thở, sụp mi, yếu tứ chi và đang phải nằm điều trị dài ngày.
BS Lê Quốc Hùng - trưởng khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - cho biết trong suốt 30 năm làm nghề ông chưa từng gặp một loạt chùm bệnh liên quan đến ngộ độc botulinum như thế này. Đây là lý do khiến chẩn đoán ban đầu của bác sĩ thường thiên về bệnh nhược cơ.
"Để nhận biết được ngộ độc botulinum không phải dễ dàng. Trong giai đoạn đầu, nó giống như bị rối loạn tiêu hóa, hoàn toàn không bị sốt, không bị rối loạn tri giác. Kế đến, các triệu chứng liệt xảy ra rầm rộ mà không một loại bệnh nào giống cả và chỉ sau vài ngày liệt tứ chi sau các triệu chứng khó nuốt, khó nói, khó thở, sụp mi mắt", BS Hùng nói.
Đã có ca ngộ độc botulinum đang điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115 có diễn biến khá phức tạp. Ban đầu khi chuyển vào một bệnh viện ở Q.Bình Thạnh, trải qua quá trình điều trị không thuyên giảm, bệnh nhân được chuyển qua Bệnh viện Nhân dân 115 với chẩn đoán là "nhược cơ".
Ngoài việc yếu tứ chi, bệnh nhân rơi vào tình trạng suy hô hấp, được bệnh viện đặt nội khí quản, thay huyết tương 5 lần, sử dụng dịch truyền, kháng sinh. Đến nay, sau gần 1 tháng nhập viện, tình trạng bệnh nhân chưa có tiến triển gì khả quan.
Vẫn còn bệnh nhân điều trị hơn một tháng tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), BS Đặng Hà Hữu Phước - phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai - cho hay cần thời gian điều trị tương đối dài để bệnh nhân bình phục.
Cụ thể, chị T.T.G. (26 tuổi, quê Thừa Thiên Huế, tạm trú tại huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) hiện đã tỉnh táo, tự thở được qua ống thở hỗ trợ, ngưng điều trị kháng sinh, sức cơ hồi phục 4/5. Các bác sĩ đang tiếp tục điều trị hỗ trợ hô hấp, dinh dưỡng, phòng ngừa thuyên tắc do huyết khối và điều trị vật lý trị liệu cho bệnh nhân.
Trường hợp chị N.T.T. (20 tuổi, ngụ huyện Nhơn Trạch) bị nặng hơn, hôn mê sâu, viêm phổi. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân này đã được mở khí quản, thở máy, thay huyết tương (lọc máu), điều trị kháng sinh. Sau khi tình trạng tạm ổn, sức cơ hồi phục 3/5, bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tiếp tục điều trị.
L.ANH - H.LỘC - A LỘC
Link nguồn:
https://tuoitre.vn/vu-ngo-doc-pate-minh-chay-vi-sao-dieu-tri-kho-khan-20200907205356942.htm
Theo tuoitre.vn
Tin nổi bật
- Gan nhiễm mỡ không do rượu là gì, ai dễ mắc?
19/02/2024 - 10:12:51
- Kỹ thuật stent mới giúp thông đường mật người phụ nữ
17/11/2022 - 11:33:33
- 4 lưu ý về viêm gan A
01/11/2022 - 09:39:52
- Cần phẫu thuật ruột thừa ngay khi bị viêm, ai cũng biết nhưng lại không hiểu
05/10/2022 - 10:36:25
- Phẫu thuật cho bé gái 1 ngày tuổi nghi có thai trong thai hiếm gặp
24/02/2021 - 09:46:46
- Nội soi lấy đoạn dị vật kim loại hình chữ V trong họng bé gái
29/12/2020 - 09:30:58