Ghép thận tự thân - cơ hội đặc biệt cho người bệnh thận
Lần đầu tiên Bệnh viện Trung ương Huế đã phẫu thuật thành công một ca ghép thận tự thân, mở ra nhiều cơ hội điều trị cho các bệnh nhân bị tổn thương thận thay vì phải ghép cắt bỏ hoặc ghép thận ở khu vực miền Trung.
Ghép thận tự thân là phương pháp lấy một bộ phận trong cơ thể bệnh nhân để tạo hình những bộ phận bị tổn thương và ghép vào thận. Phương pháp này giúp bệnh nhân giảm rất nhiều chi phí điều trị.
Lần đầu tiên ghép thận tự thân ở miền Trung
Cuối tháng 6, bà Phan Thị Minh P. (50 tuổi, trú TP Tam Kỳ, Quảng Nam) nhập viện Bệnh viện Trung ương Huế với chẩn đoán của bệnh viện tuyến dưới là teo hẹp hoàn toàn niệu quản bên phải thận. Trước khi vào viện, bệnh nhân đã được phẫu thuật đặt ống dẫn lưu để đưa nước tiểu ra ngoài ở phía thận phải.
Trước đó vào tháng 7-2019, bệnh nhân P. được phẫu thuật nội soi tán sỏi thận tại một bệnh viện tuyến dưới. Tuy nhiên ca phẫu thuật bị biến chứng, các bác sĩ đã phải phẫu thuật nhiều lần để đặt ống dẫn lưu nước tiểu. Mỗi tháng, bệnh nhân phải đến bệnh viện để làm phẫu thuật thay ống dẫn lưu này.
Phải "sống chung" với một bịch nước tiểu và đường ống nhựa cắm thẳng vào da thịt hằng ngày khiến bà P. cảm thấy vô cùng bất tiện.
Sau khi nhập viện Bệnh viện Trung ương Huế, bà P. mới tá hỏa khi được các bác sĩ cho biết bà bị mất hoàn toàn niệu quản ở thận, phần ống dẫn nước tiểu bị nhiễm trùng và có nguy cơ gây nguy hiểm đến tính mạng.
TS Phạm Ngọc Hùng, trưởng khoa ngoại thận tiết niệu Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết sau khi tiến hành các xét nghiệm, chụp cắt lớp, các bác sĩ đã hội chẩn và nhận định đây là trường hợp đặc biệt, bị mất hoàn toàn niệu quản sau nhiều lần phẫu thuật ở thận phải.
Tuy mất đi niệu quản nhưng chức năng quả thận này còn khá tốt, khoảng 80% nên các bác sĩ chọn phương án phẫu thuật ghép thận tự thân.
“Đây là một ca bệnh khó, đặc biệt và bệnh viện đã thực hiện thành công. Điều này mở ra một hướng điều trị hiệu quả cho các bệnh nhân gặp những biến chứng, tổn thương vùng thận ở khu vực miền Trung nói riêng và cả nước nói chung.
Ông Phạm Như Hiệp (giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế)
Dùng một phần bàng quang để tạo niệu quản
BS Phạm Ngọc Hùng cho biết đây là lần đầu tiên ở Bệnh viện Trung ương Huế cũng như bệnh viện các tỉnh miền Trung thực hiện phương pháp ghép thận tự thân nên cũng cảm thấy hơi lo lắng. Tuy nhiên với kinh nghiệm thực hiện hơn 1.000 ca ghép thận cùng với sự ủng hộ của lãnh đạo bệnh viện và của chính bệnh nhân, các bác sĩ đã thực hiện thành công ca phẫu thuật này.
Ca phẫu thuật kéo dài 6 tiếng đồng hồ. Ba kíp mổ được huy động gồm: kíp mổ lấy thận, kíp rửa thận và kíp ghép thận. Sau khi mổ đưa quả thận ra ngoài, các bác sĩ rửa thận và hạ nhiệt độ quả thận xuống mức rất thấp để bảo toàn chức năng, tránh gây thêm tổn thương.
Sau đó, các bác sĩ nối 2 động mạch thận vào động mạch chậu ngoài, 2 tĩnh mạch thận vào tĩnh mạch chậu. Một phần bàng quang của bệnh nhân được các bác sĩ mổ ra dùng để tạo hình niệu quản gắn vào bể thận dẫn nước tiểu, đây được gọi là phương pháp Boari.
"Cái khó nhất ở cuộc phẫu thuật này là chúng tôi tìm không thấy ngay bể thận của bệnh nhân do tổn thương làm xơ dính hoàn toàn vào rốn thận. Có một số phẫu thuật viên lúc đó nản quá, cũng bàn lui là thôi không làm nữa nhưng cuối cùng anh em vẫn quyết tâm và sau một giờ đồng hồ thì tìm ra" - BS Hùng nói.
“Phương pháp ghép thận tự thân hiểu đơn giản đó là đưa quả thận bị hư của người bệnh ra ngoài để sửa chữa, sau đó lắp trở lại vào cơ thể người bệnh.
BS Phạm Ngọc Hùng
Quả thận sau khi được đưa trở lại vào cơ thể bệnh nhân được đặt ngay ở lỗ chậu trái, tức cùng chiều bên trái với quả thận còn lại. Sau mổ, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.
Hiện nay, các bác sĩ đã rút ống dẫn lưu nước tiểu cho bệnh nhân. Bệnh nhân đã đi vệ sinh lại bình thường và sẽ được xuất viện trong vài ngày tới. Chia sẻ với phóng viên, bà nói: "Tôi nghe bác sĩ nói là sẽ mổ lấy quả thận phải của tôi ra để sửa rồi lắp vô lại. Tưởng nói chơi ai dè là thật".
Giảm rất nhiều chi phí điều trị
BS Phạm Ngọc Hùng - người trực tiếp phẫu thuật ghép thận tự thân ở Bệnh viện Trung ương Huế - Ảnh: NHẬT LINH
BS Phạm Ngọc Hùng cho biết việc chẩn đoán sớm về các tổn thương ở thận vẫn là quan trọng nhất trước khi đưa ra chỉ định điều trị phẫu thuật ghép thận tự thân. Nếu đưa ra các chẩn đoán thiếu chính xác có thể gây tổn thương thêm hoặc không mang lại lợi ích tốt nhất cho bệnh nhân.
Theo BS Hùng, nếu các bác sĩ ở tuyến dưới gặp phải những trường hợp tai biến, biến chứng do phẫu thuật thận, tiết niệu thì có thể tiến hành hội chẩn online ngay trong phòng mổ bằng phương pháp video call hoặc gọi điện thoại. Các bác sĩ ở tuyến trên như ở Bệnh viện Trung ương Huế sẵn sàng giúp đỡ.
Theo BS Hùng, với phương pháp ghép thận tự thân, bệnh nhân sẽ giảm rất nhiều chi phí điều trị. Phần lớn chi phí ca phẫu thuật của bà P. được bảo hiểm xã hội chi trả như một ca phẫu thuật bình thường. Hơn nữa, phương pháp này giúp người bệnh bảo tồn được các chức năng thận còn lại, hạn chế những biến chứng do phẫu thuật của phương pháp lắp ống dẫn lưu nước tiểu, tăng thêm tuổi thọ cho bệnh nhân.
NHẬT LINH
Link nguồn:
https://tuoitre.vn/ghep-than-tu-than-co-hoi-dac-biet-cho-nguoi-benh-than-2020071308511565.htm
Theo tuoitre.vn
Tin nổi bật
- Gan nhiễm mỡ không do rượu là gì, ai dễ mắc?
19/02/2024 - 10:12:51
- Kỹ thuật stent mới giúp thông đường mật người phụ nữ
17/11/2022 - 11:33:33
- 4 lưu ý về viêm gan A
01/11/2022 - 09:39:52
- Cần phẫu thuật ruột thừa ngay khi bị viêm, ai cũng biết nhưng lại không hiểu
05/10/2022 - 10:36:25
- Phẫu thuật cho bé gái 1 ngày tuổi nghi có thai trong thai hiếm gặp
24/02/2021 - 09:46:46
- Nội soi lấy đoạn dị vật kim loại hình chữ V trong họng bé gái
29/12/2020 - 09:30:58