Độc tố botulinum trong pate Minh Chay có thể ủ bệnh từ vài giờ đến 2 tuần
Sau khi ăn thực phẩm chứa vi khuẩn khuẩn kỵ khí, bệnh nhân thường ngộ độc sau 1-1,5 ngày, tuy nhiên có thể có triệu chứng ngay sau vài giờ hoặc kéo dài đến 2 tuần.
1,3 nanogam/kg cân nặng đã tử vong
Liên quan đến vụ ngộ độc botulinum trong sản phẩm pate Minh Chay, đến nay đã có 20 người phải nhập viện tại các cơ sở y tế của Hà Nội và TP.HCM, một số ca nặng đang phải thở máy.
Vi khuẩn kỵ khí Clostridium botulinum tiết ra chất độc botulinum tồn tại trong đất, thực phẩm nên dễ nhiễm vào đồ ăn nếu không được nấu chín kĩ hoặc trong quá trình sơ chế, đóng gói không đảm bảo an toàn vệ sinh. Khi gặp điều kiện không có oxy sẽ sinh sôi và phát triển, sinh độc tố.
Các vụ ngộ độc botulinum rất hiếm gặp nhưng không phải mới, mỗi năm thế giới ghi nhận khoảng 1.000 ca.
Hình ảnh vi khuẩn kỵ khi sClostridium botulinum dưới kính hiển vi
Vụ ngộ độc botulinum đầu tiên được ghi nhận vào năm 1822. Cách đây khoảng 100 năm, cũng từng xảy ra vụ việc 23 người châu Âu bị ngộ độc botulinum sau khi ăn thịt nguội, trong đó có 3 người đã tử vong.
Vi khuẩn Clostridium botulinum có tới 8 type, trong đó mạnh nhất là type A, kế đó là B, C… Các trường hợp nhập viện tại Việt Nam hều hết đều nhiễm type B.
Gần đây một số nước cũng ghi nhận các ca ngộ độc vị khuẩn kỵ khí như ngộ độc măng ngâm tại Thái Lan, ngộ độc sản phẩm đậu tương lên men ở Trung Quốc, ngộ độc hải sản ở Nhật Bản…
Tại Việt Nam, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, trong hơn 20 năm làm nghề, anh và nhiều đồng nghiệp lần đầu gặp các ca bệnh ngộ độc botulinum.
Theo PGS Cường, botulinum được xem là một trong những loại độc mạnh nhất, chỉ cần hấp thu liều lượng 1,3-2,1 nanogam/kg thể trọng đã có thể gây chết người.
Dù vậy loại độc tố này không bền với nhiệt, bị bất hoạt ở nhiệt độ 80 độ C, phân huỷ ở nhiệt độ 100 độ C trong 15 phút.
Ủ bệnh sau 4 giờ đến 2 tuần
Khi vào đường tiêu hoá, độc tố botulinum không bị tác động bởi dịch vị và enzym tiêu hoá, sau đó xâm nhập vào máu, synape thần kinh cơ, ngăn cản dẫn truyền thần kinh, gây liệt cơ vân, cơ trơn, khô miệng, giảm tiết dịch ruột, dịch vị....
Do không làm thay đổi vị giác, khướu giác nên người tiêu dùng không thể nhận biết.
Bệnh nhân ngộ độ botulinum nặng đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Thành Dương
Trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân, TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết thêm, botulinum khi vào cơ thể gắn chặt vào các dây thần kinh gây liệt toàn bộ cơ, liệt kéo dài, đối xứng, lan từ trên xuống. Trong trường hợp liệt hô hấp, bệnh nhân có thể phải thở máy nhiều tháng.
Có khoảng 50% ca bệnh nhiễm độc botulinum phải đặt ống nội khí quản, thở máy do liệt cơ hô hấp. Khi liệt cơ hô hấp không cấp cứu kịp thời, bệnh nhân không thể thở và có thể tử vong sau vài phút. Tỉ lệ tử vong chung khi nhập viện từ 7-10%, đây là tỉ lệ khá cao.
Theo TS Nguyên, khi ăn phải sản phẩm chứa botulinum, thời gian ủ bệnh trung bình từ 12-36 tiếng sau khi ăn. Tuy nhiên có thể có triệu chứng bệnh ngay 4-6 giờ sau ăn hoặc ủ bệnh lâu từ 8-14 ngày.
Các triệu chứng của bệnh thường bắt đầu liệt từ trên vùng mặt, sau đó lan dần xuống các chi với đặc trung liệt mềm, đối xưng 2 bên. Ban đầu, bệnh nhân có biểu hiện liệt vùng mặt như sụp mi, cơ mặt nhão, đau họng, khó nuốt, khó nói hoặc nói ngọng, có hiện tượng nhìn mờ hoặc nhìn đôi.
Khi liệt lan đến các cơ hô hấp, bệnh nhân có thể thở khò khè, ứ đọng đờm dãi ở họng, khó thở. Liệt lan xuống chi sẽ gây yếu tay, chân.
Đáng lưu ý, khi bị nhiễm độc botulinum, bệnh nhân không sốt, hoàn toàn tỉnh táo do độc tốc không tác động lên não, không phát hiện tổn thương màng não, có thể nghe được các yêu cầu bình thường nhưng không thể thực hiện được.
Biểu hiện liệt vùng đầu mặt cổ trên bệnh nhân nhiễm độc botulinum
Liệt nặng có thể gây suy hô hấp là nguyên nhân tử vong. Trường hợp liệt hoàn toàn, nhiều bệnh nhân có giãn đồng tử, nên giống như hôn mê sâu, mất não mặc dù vẫn tỉnh và biết xung quanh.
Do là bệnh ít gặp nên đến nay việc chẩn đoán chưa có đặc hiệu, gặp nhiều khó khăn. Vừa qua, 2 trường hợp nặng nhập viện tại Bệnh viện Bạch Mai phải gửi mẫu đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để nuôi cấy trong môi trường kỵ khí. Các chẩn đoán ban đầu vẫn dựa vào yếu tố dịch tễ, biểu hiện lâm sàng.
Để điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc, phương pháp hiệu quả nhất là dùng thuốc giải độc botulinum sớm trong 48-96 giờ đầu.
Tuy nhiên thuốc này rất hiếm, chỉ có một số ít quốc gia có kho thuốc hiếm mới có loại thuốc này. Ngay tại Thái Lan, chỉ có chưa tới 10 lọ, vừa qua WHO đã cùng phối hợp, hỗ trợ giúp Việt Nam được 2 lọ. Hiện Bộ Y tế đang tiếp tục tìm nguồn cung ứng.
Do chưa có thuốc, nên hiện các cơ sở y tế đang tập trung cấp cứu tình trạng suy hô hấp do liệt cơ, thở máy và hồi sức, phòng chống các biến chứng.
Thúy Hạnh
Link nguồn:
Theo vietnamnet.vn
Tin nổi bật
- Gan nhiễm mỡ không do rượu là gì, ai dễ mắc?
19/02/2024 - 10:12:51
- Kỹ thuật stent mới giúp thông đường mật người phụ nữ
17/11/2022 - 11:33:33
- 4 lưu ý về viêm gan A
01/11/2022 - 09:39:52
- Cần phẫu thuật ruột thừa ngay khi bị viêm, ai cũng biết nhưng lại không hiểu
05/10/2022 - 10:36:25
- Phẫu thuật cho bé gái 1 ngày tuổi nghi có thai trong thai hiếm gặp
24/02/2021 - 09:46:46
- Nội soi lấy đoạn dị vật kim loại hình chữ V trong họng bé gái
29/12/2020 - 09:30:58