Bệnh viện Việt Đức xác lập kỷ lục, ca ghép thận thành công thứ 1000
Đây là ca ghép thận thành công thứ 1000 được thực hiện tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức kể từ ca ghép đầu tiên năm 2002.
Nam bệnh nhân tên Đ.X.T., 49 tuổi, ở Hà Nội, có tiền sử suy thận mạn giai đoạn cuối độ II từ năm 2017, điều trị bảo tồn (dùng thuốc, lọc máu, chưa cần thay thế thận).
Đến tháng 1/2020, bệnh nhân chuyển sang bệnh thận mạn giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo chu kỳ 3 lần/tuần tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Nếu không được thay thận, bệnh nhân phải lọc máu, chạy thận nhân tạo suốt đời, nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng tim, nhiễm trùng, suy tim, bệnh lý cơ xương khớp... Ngoài ra, việc chạy thận nhân tạo lâu ngày cũng ảnh hưởng đến kinh tế cho người bệnh.
Ngày 28/9, bệnh nhân Đ.X.T. được ghép thận từ người cho sống. Ca ghép thận thành công sau 3 giờ đồng hồ. Sau phẫu thuật, người bệnh được theo dõi, điều trị hồi sức tích cực. Hiện tại, sau 10 ngày ghép thận, anh T. đã hoàn toàn ổn định, tỉnh táo, ăn uống bình thường và có thể xuất viện, sớm trở lại cuộc sống thường ngày.
|
Ca phẫu thuật ghép thận thứ 1000 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức |
Bệnh nhân T. đang tiếp tục được chăm sóc tại bệnh viện sau ghép thận |
Trường hợp anh Đ.X.T. là ca ghép thận thứ 1000 được thực hiện tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Từ năm 2002 khi đơn vị này thực hiện ca ghép thận đầu tiên tới nay, có 122 ca từ người cho chết não (12%), còn lại từ người cho sống.
TS.BS Ninh Việt Khải – Phó Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, kỹ thuật ghép thận từ người cho chết não có nhiều ưu điểm hơn từ người cho sống. Lấy tạng từ người cho chết não sẽ lấy được những mạch máu dài hơn so với lấy từ người hiến sống, tạo thuận lợi cho cuộc ghép.
Trong khi đó, phẫu thuật lấy tạng trên thể trạng bệnh nhân khỏe mạnh, bác sĩ phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người hiến, mọi thao tác lấy tạng đều phải chính xác, tránh tai biến.
Bên cạnh đó, đối với người hiến sống, bác sĩ chỉ lấy được các mạch máu ngắn hơn so với người hiến chết não. Do vậy, để cuộc ghép thuận lợi, phẫu thuật viên phải đưa ra nhiều phương án giải quyết như: chuyển các mạch máu khác để ghép thận, tạo hình làm dài các mạch thận bằng các tĩnh mạch sinh dục hoặc đoạn mạch được bảo quản từ ngân hàng mô.
Trên thực tế, do chi phí cao, biện pháp điều trị thay thế thận tại các nước đang phát triển như Việt Nam hiện chỉ chiếm tỷ lệ 10-20% trên tổng số bệnh nhân. Rất nhiều người bệnh không được ghép thận sẽ tử vong với các biến chứng của suy thận giai đoạn cuối.
Nguyễn Liên
Link nguồn:
Theo vietnamnet.vn
Tin nổi bật
- Gan nhiễm mỡ không do rượu là gì, ai dễ mắc?
19/02/2024 - 10:12:51
- Kỹ thuật stent mới giúp thông đường mật người phụ nữ
17/11/2022 - 11:33:33
- 4 lưu ý về viêm gan A
01/11/2022 - 09:39:52
- Cần phẫu thuật ruột thừa ngay khi bị viêm, ai cũng biết nhưng lại không hiểu
05/10/2022 - 10:36:25
- Phẫu thuật cho bé gái 1 ngày tuổi nghi có thai trong thai hiếm gặp
24/02/2021 - 09:46:46
- Nội soi lấy đoạn dị vật kim loại hình chữ V trong họng bé gái
29/12/2020 - 09:30:58