Bệnh viêm phổi do nhiễm vi khuẩn Legionella
Bệnh viêm phổi do nhiều nguyên nhân khác nhau. Người bệnh có thể bị nhiễm trùng phổi từ các vi sinh vật như vi khuẩn, vi rút, nấm... xâm nhập vào phổi để gây bệnh. Trong các trường hợp viêm phổi, bệnh viêm phổi do nhiễm vi khuẩn legionella nặng được gọi là bệnh legionnaires cần được lưu ý vì chúng khó phân biệt với các bệnh viêm phổi khác, nếu chỉ dựa vào triệu chứng lâm sàng.
Đặc điểm bệnh Legionnaires
Bệnh viêm phổi do bị nhiễm loại vi khuẩn legionella thể nặng được gọi là bệnh legionnaires. Bệnh xảy ra khi hít phải mầm bệnh vi khuẩn trong hơi nước và bụi trong môi trường bị ô nhiễm. Khi bị mắc bệnh, người bệnh thường có các triệu chứng như sốt, ớn lạnh, ho và thở hụt hơi hay khó thở. Một số trường hợp có thể bị đau nhức bắp thịt, nhức đầu, mệt mỏi, ăn không ngon và đi tiêu chảy. Tuy vậy bệnh có thể diễn biến nặng do viêm phổi, phần lớn được hồi phục sau điều trị, nhưng có khi dẫn đến tử vong. Trên thực tế mặc dù có nhiều loại vi khuẩn legionelle khác nhau, nhưng hai loại thường hay gây bệnh được ghi nhận ở tiểu bang New South Wales tại Úc là legionella pneumophila và legionella longbeachae. Vi khuẩn legionella pneumophila xâm nhập vào tháp làm lạnh của hệ thống điều hòa không khí, hồ nước hay bồn nước phun sục luồng nước, vòi tắm hoa sen và những vùng ao hồ, sông suối khác. Vi khuẩn Legionella longbeachae xâm nhập vào đất hoặc đất trộn với phân bón để trồng cây trong chậu.
Con người thường có thể tiếp xúc với khi khuẩn này ở nhà, tại nơi làm việc hoặc ngay cả ở chỗ công cộng; chúng có thể xâm nhập vào cơ thể để gây bệnh. Đặc điểm của bệnh legionnaires là không có khả năng lây lan từ người này sang người khác. Thời gian từ lúc tiếp xúc với mầm bệnh vi khuẩn cho đến lúc khởi phát bệnh với các triệu chứng lâm sàng đã nêu ở trên trong khoảng từ 2 đến 10 ngày.
Bệnh xảy ra khắp nơi trên thế giới với các trường hợp đơn lẻ, tỷ lệ mắc bệnh chưa được biết rõ do thiếu hụt sự giám sát và báo cáo ở các quốc gia. Tuy nhiên, một số đợt bùng phát bệnh cũng đã từng được ghi nhận như dịch viêm phổi tại Trung tâm Hội nghị ở Mỹ năm 1976 do vi khuẩn legionnaire pneumophila gây ra. Nam giới trên 50 tuổi là nhóm đối tượng dễ bị mắc bệnh với tỷ lệ cao.
Những người dễ bị mắc bệnh legionnaires
Ngoài nồng độ và độc lực gây bệnh của vi khuẩn, khả năng mắc bệnh legionnaires còn phụ thuộc vào đối tượng nguy cơ dễ bị mắc bệnh. Thực tế, bệnh thường gặp ở những người lớn nam giới, tuổi trung niên và trên 50 tuổi. Đặc biệt là ở những người hút thuốc lá và thuốc lào, uống nhiều rượu hoặc bị mắc bệnh phổi mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Ngoài ra cũng thường gặp ở những bệnh nhân được đặt nội khí quản, suy thận mạn tính, tiểu đường, mắc bệnh lý ác tính, sử dụng corticoid kéo dài. Bên cạnh đó, người có hệ miễn dịch suy yếu do bị ức chế bởi các loại thuốc sử dụng hay bị mắc các bệnh ung thư, nhiễm HIV/AIDS, ghép tạng... cũng dễ bị nhiễm bệnh này.
Bệnh legionnaires không lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người khỏe mạnh khi tiếp xúc với nhau. Đường lây truyền chính của bệnh được ghi nhận từ các ổ chứa vi khuẩn ngoại cảnh. Người bệnh thường hít phải vi khuẩn trong các hạt nước li ti ngoài không khí từ các bình xịt bị ô nhiễm, hệ thống điều hòa không khí làm mát, các máy làm ẩm hay từ hệ thống ống nước của các tòa nhà cao tầng.
Cách phòng ngừa nhiễm bệnh
Legionella pneumophophila thường sinh sôi nẩy nở trong nước ấm, nước tù đọng. Trong các vụ dịch bùng phát, đôi khi ghi nhận nguyên nhân gây nên có nguồn gốc từ những tháp làm lạnh, đây là một phần của hệ thống điều hòa không khí tại tòa nhà lớn bị nhiễm vi khuẩn. Vì vậy, việc thường xuyên kiểm tra, khử trùng và bảo trì tháp làm lạnh và hệ thống ống dẫn sẽ hạn chế vi khuẩn sinh sôi nảy nở để gây bệnh.
Legionella longbeachae thường gặp ở trong đất và đất trộn phân bón để trồng cây trong các chậu. Vì vậy cần giảm thiểu việc tiếp xúc với bụi đất từ đất trộn để trồng cây. Nghiêm túc thực hiện theo lời cảnh báo và hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trong nhãn của bao đựng đất trộn, kể cả việc làm ẩm đất trộn để giảm bớt bụi. Mang bao găng tay và khẩu trang phù hợp khi sử dụng đất trộn để trồng cây, rửa tay sạch sau khi tiếp xúc với đất trộn để trồng cây trong chậu hoặc đất ở bên ngoài.
Bệnh legionnaires do nhiễm vi khuẩn legionnella nặng. Thể bệnh nhẹ là sốt pontiac, không gây viêm phổi, mà có triệu chứng lâm sàng giống cảm cúm thông thường, bệnh có giới hạn và tự khỏi. Trái lại, thể bệnh nặng gây nên bệnh lý viêm phổi gọi là bệnh legionnaires.
Khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh do tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ, cần đến cơ sở y tế để khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết; giúp chẩn đoán, xác định bệnh nhằm điều trị kịp thời, phù hợp. Mọi sự chậm trễ có thể dẫn đến tử vong do viêm phổi nặng, gây suy hô hấp cấp tính.
Triệu chứng và chẩn đoán xác định bệnh
Triệu chứng lâm sàng do nhiễm vi khuẩn legionella thay đổi tùy thuộc vào từng thể bệnh.
Sốt pontiac là thể nhẹ của bệnh không kèm theo viêm phổi. Biểu hiện lâm sàng dễ nhầm lẫn cảm cúm cấp tính với sốt cao, ớn lạnh, mệt mỏi, đau cơ toàn thân, nhức đầu... Bệnh thường tự giới hạn và khỏi trong khoảng vài ngày và không ghi nhận được trường hợp nào bị tử vong nào khi mắc phải sốt pontiac.
Trái lại, bệnh legionnaires là một thể bệnh nặng với biểu hiện viêm phổi khá phổ biến. Thời gian ủ bệnh thay đổi, có những trường hợp kéo dài trên 10 ngày. Các triệu chứng trong giai đoạn sớm thường bao gồm sốt, mệt mỏi, nhức đầu, chán ăn, rối loạn tiêu hóa... Ở giai đoạn sau, bệnh nhân thường ho, hơn 50% trường hợp ho có đờm, có khi ho ra máu, kèm theo đau ngực, hụt hơi, thậm chí ghi nhận cả các thay đổi về tâm thần.
Khi bị bệnh legionnaires cần nhanh chóng nhập viện để điều trị, nếu không, có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm cả di chứng về não. Bệnh diễn biến rất nhanh, người bệnh thường tử vong trong tình trạng suy hô hấp cấp tính do viêm phổi tiến triển, có thể kèm theo sốc và suy đa cơ quan.
Thực tế, việc chẩn đoán xác định bệnh chỉ căn cứ theo các triệu chứng lâm sàng đơn thuần thì rất khó phân biệt giữa bệnh legionnaires với những bệnh viêm phổi khác. Nếu chụp phim X quang phổi sẽ giúp cho việc chẩn đoán bệnh viêm phổi. Nhưng muốn chẩn đoán xác định bệnh legionnaires cần phải làm các xét nghiệm đặc biệt bằng bệnh phẩm được lấy từ mẫu máu (cách nhau từ 3 đến 6 tuần), mẫu đờm và nước tiểu giúp cho việc chẩn đoán được rõ ràng hơn.
Sự chậm trễ trong chẩn đoán là yếu tố tiên lượng không tốt cho bệnh. Vì vậy, khi có các triệu chứng lâm sàng nghi ngờ, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán kịp thời và chính xác.
Phương pháp điều trị bệnh
Thông thường, bệnh legionnaires có thể điều trị hiệu quả bằng thuốc kháng sinh phù hợp. Tuy vậy, một số trường hợp bệnh nhân cần phải vào điều trị ở phòng chăm sóc đặc biệt, có thể được sử dụng máy hỗ trợ hô hấp khi cần thiết.
Đối với hệ thống y tế công cộng, các phòng thí nghiệm và bệnh viện cần kín đáo thông báo các trường hợp bệnh legionnaires với cơ quan chức năng như ở Úc là Ban Y tế công cộng của tiểu bang New South Wales nơi xảy ra các trường hợp mắc bệnh.
Theo đó, nhân viên của Ban Y tế công cộng sẽ phỏng vấn bệnh nhân hoặc người nhà trực tiếp chăm sóc về tình trạng bệnh lý và những trường hợp có tiếp xúc nghi ngờ để theo dõi. Trong trường hợp hai người bệnh có tình trạng bệnh liên quan với nhau và những nguồn gây bệnh có nhiều nghi ngờ, chẳng hạn như từ tháp làm lạnh của hệ thống điều hòa không khí của tòa nhà, thì phải được thẩm định; nếu cần phải làm vệ sinh hệ thống theo đúng quy định.
Phòng ngừa bệnh Legionnaires
Bệnh legionnaires có thể phòng ngừa chủ yếu bằng cách làm sạch toàn bộ hệ thống nước như hồ bơi, máy làm ẩm không khí hay các hệ thống điều hòa không khí và làm mát. Thường xuyên bảo trì, làm sạch, kết hợp khử trùng, sử dụng các chất diệt vi sinh vật trong các hệ thống làm mát. Giữ nước nóng từ 600C trở lên và nước lạnh thấp hơn 200C, có thể kết hợp thêm với các chất diệt khuẩn trong các hệ thống nước nóng và nước lạnh... Đây là biện pháp có hiệu quả cao, giải quyết được nguồn chứa vi khuẩn, tránh được sự lây lan bệnh cho nhiều người cùng một lúc. Bên cạnh đó cần tăng cường sức đề kháng của cơ thể, nâng cao tổng trạng cũng như bảo vệ phổi và đường hô hấp để góp phần làm giảm khả năng mắc bệnh. Cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, thực hiện lối sống lành mạnh, không hút thuốc lá và tránh hít phải khói thuốc lá một cách thụ động.
Phải tuân theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ khi không may mắc phải các bệnh lý nội khoa khác đi kèm. Khi có các triệu chứng bất thường, cần đến khám tại các cơ sở y tể để phát hiện bệnh sớm và có chỉ định điều trị phù hợp, tuyệt đối không được tự ý điều trị ở nhà.
BS. NGUYỄN VÕ HINH
Link nguồn:
https://suckhoedoisong.vn/benh-viem-phoi-do-nhiem-vi-khuan-legionella-n181823.html
Theo suckhoedoisong.vn
Tin nổi bật
- Gan nhiễm mỡ không do rượu là gì, ai dễ mắc?
19/02/2024 - 10:12:51
- Kỹ thuật stent mới giúp thông đường mật người phụ nữ
17/11/2022 - 11:33:33
- 4 lưu ý về viêm gan A
01/11/2022 - 09:39:52
- Cần phẫu thuật ruột thừa ngay khi bị viêm, ai cũng biết nhưng lại không hiểu
05/10/2022 - 10:36:25
- Phẫu thuật cho bé gái 1 ngày tuổi nghi có thai trong thai hiếm gặp
24/02/2021 - 09:46:46
- Nội soi lấy đoạn dị vật kim loại hình chữ V trong họng bé gái
29/12/2020 - 09:30:58