Nguyên nhân và cách phòng tránh đau đầu khi chạy bộ
Bổ sung đủ nước, chống nắng kỹ càng, chọn quãng đường vừa sức… là những lưu ý giúp phòng tránh đau đầu sau khi chạy.
Đau đầu là triệu chứng thường gặp khi chạy bộ, đặc biệt là dưới thời tiết nắng nóng. Runner gặp tình huống này cảm thấy cơn đau xuất hiện ở một bên hoặc cả hai bên đầu, kéo dài từ vài phút cho đến vài ngày sau đó. Theo các chuyên gia y tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người chạy cảm thấy đau đầu sau khi chạy, kèm theo đó là các cách khắc phục riêng.
Bù nước thường xuyên
Khi chạy, cơ thể đổ mồ hôi liên tục sẽ gây nên tình trạng mất nước, với các biểu hiện rõ rệt như: đau đầu, chóng mặt. Ngoài ra, người chạy còn cảm thấy mệt mỏi, khô da và miệng, giảm lượng nước tiểu, táo bón. Nếu để tình trạng mất nước kéo dài, dễ gây nên huyết áp thấp, nhịp tim nhanh, thở gấp, da nhăn nheo, mắt trũng sâu, sốt, thậm chí gây co giật và dẫn đến tử vong.
Một VĐV tham gia giải chạy VM Quy Nhơn được TNV giúp đỡ làm mát cơ thể. Ảnh: VM
Bù nước trong suốt quá trình từ trước, trong và sau khi chạy là việc rất quan trọng. Theo runner kinh nghiệm, mỗi người nên uống từ 1-3 cốc nước trong vòng hai giờ trước khi chạy. Trong quá trình chạy, nên mang theo nước và uống ngay khi thấy khát. Nếu thời gian chạy quá 90 phút, cần bổ sung xen kẽ nước và đồ uống bù điện giải cho cơ thể, đồng thời uống thêm khoảng 1-2 ly nước sau khi kết thúc quãng đường.
Đăng ký miễn phí giải chạy ảo V-Race để tập luyện và được hướng dẫn chạy bộ mỗi ngày.
Chống nắng
Đứng quá lâu dưới trời nắng là nguyên nhân gây nên chứng say nắng, đau đầu ở nhiều người, ngay cả khi không chạy bộ. Chuyên gia y tế khuyến cáo, để giúp ngăn ngừa đau đầu, đồng thời bảo vệ da và mắt, mọi người nên đội mũ có vành và đeo kính râm khi chạy vào ban ngày. Với những cung đường chạy dài, nên cố gắng chạy trong bóng râm bất cứ khi nào có thể. Một mẹo nhỏ khác cũng được nhiều người áp dụng, đó là đem theo một bình xịt nhỏ có chứa nước lạnh để hạ nhiệt cho da mặt kịp thời mỗi khi cảm thấy quá nóng hay khó thở.
Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ
Glucose được coi là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể. Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu không nạp đủ thức ăn, sẽ dẫn đến giảm nồng độ glucose trong máu, hay còn gọi là hạ đường huyết - nguyên nhân gây ra những cơn đau đầu sau khi chạy. Bên cạnh đó, lượng đường trong máu thấp còn gây ra cảm giác chóng mặt, choáng váng, đổ mồ hôi, mắt mờ khiến người chạy khó tập trung, mất phương hướng.
Người chạy cần đảm bảo đủ dinh dưỡng cần thiết trước khi bước vào đường đua. Trong vòng hai giờ sau khi kết thúc quãng đường chạy, cần dùng một bữa ăn nhẹ, ưu tiên thực phẩm giàu đạm, carbohydrate và chất xơ, hạn chế đường. Trong trường hợp thấy cơ thể đang có dấu hiệu hạ đường huyết, nên bổ sung ngay một ly nước ép hoặc một miếng trái cây nhỏ.
Chú ý cường độ chạy
Thuật ngữ "đau đầu do gắng sức" thường được dùng khi nói về những cơn đau xuất hiện sau khi chạy bộ hay tập thể dục. Chia sẻ trên Vogue, Tiến sĩ Vikrant Shah tại Bệnh viện Đa khoa Zen, Mumbai cho biết, nguyên nhân của tình trạng này là do sự giãn nở nhanh chóng bất thường của các động mạch cung cấp máu cho não, khiến đầu có cảm giác đau.
Một nghiên cứu thực hiện năm 2009 với sự tham gia của gần 2.000 người tại Đài Loan cho thấy, 30% người được hỏi cho biết từng trải qua những cơn đau đầu do gắng sức. Nhiều khảo sát cũng cho thấy, tình trạng đau đầu thường xuất hiện phổ biến khi chạy, nhất là dưới trời nắng nóng. Theo lý giải, cơ thể thường xuất hiện tình trạng lượng máu phân bổ không đều khi chạy bộ. Cụ thể, phần cơ đầu và cổ cần nhiều máu hơn để lưu thông, nhưng lượng máu lại tập trung chủ yếu vào cơ bắp, não và gây ra tình trạng đau đầu.
Để khắc phục tình trạng này, các chuyên gia đưa ra lời khuyên người chạy nên thực hiện từ từ các bài tập khởi động và chọn quãng đường vừa sức với mình. Althea Shah, một chuyên gia thể dục nói trên tạp chí Vogue rằng, khởi động trước khi chạy là rất quan trọng vì giúp mạch máu dễ giãn nở, thúc đầy lượng máu lưu thông và giảm nguy cơ đau đầu.
Người chạy nên khởi động trước khi bắt đầu. Ảnh: Freepik
Nếu cơn đau xuất hiện khi đang chạy, cần cân nhắc giảm thời lượng và tốc độ để đảm bảo không có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Nếu tình trạng đau đầu xảy đến thường xuyên hơn, kèm với nhiều dấu hiệu bất thường khác, cần đến gặp chuyên gia y tế để thăm khám để loại trừ những nguy cơ xấu có thể gặp phải.
Chuyên gia y tế khuyến cáo, những cơn đau nhức đầu sau khi chạy có thể khắc phục bằng thuốc giảm đau không kê đơn. Tuy nhiên, người chạy cần đến gặp bác sĩ và nhân viên y tế nếu sau khi sử dụng thuốc mà không thấy tiến triển, hoặc gặp một trong các vấn đề bất thường như: Nhức đầu kéo dài hơn một ngày, mất ý thức, cứng cổ, nôn mửa, chỉ đau một bên đầu...
Tiến sĩ Erin Manning, trợ lý bác sĩ thần kinh tại bệnh viện phẫu thuật đặc biệt ở New York (Mỹ), chia sẻ trên tạp chí Health rằng, về dài hạn để phòng tránh những cơn đau đầu sau khi chạy và tập thể dục, hãy cung cấp đủ nước, ăn uống khoa học, đều đặn và ngủ đủ giấc.
Tin nổi bật
- 7 loại thực phẩm giúp bạn trẻ trung, ngăn ngừa lão hoá
04/07/2024 - 10:04:04
- 5 lợi ích tuyệt vời khi đắp mặt nạ vào mùa hè
02/07/2024 - 10:31:00
- 5 công thức tắm trắng da đơn giản tại nhà
02/07/2024 - 10:16:25
- Cắt giảm tinh bột để giảm cân sao cho đúng?
01/07/2024 - 10:02:46
- Sai lầm cần tránh khi tập Squat giúp vòng 3 săn chắc
26/06/2024 - 14:48:50
- Những vùng da dễ xuất hiện nếp nhăn và cách chăm sóc phù hợp
20/06/2024 - 10:32:37