Bánh kẹo trẻ em nhập ngoại: Thận trọng với bánh kẹo ‘hồn Trương Ba da hàng thịt’
Cơ quan quản lý thị trường vừa thu giữ, xử lý hơn 1 tấn bánh kẹo với vỏ bao bì nhãn mác Thái Lan, Hàn Quốc nhưng thực chất ruột lại là hàng không rõ nguồn gốc.
Bánh kẹo trẻ em trôi nổi đội lốt hàng Thái Lan, Hàn Quốc
Chiều ngày 10/1/2019 vừa qua, Đội 6 - Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an TP.Hà Nội) phối hợp với Đội quản lý thị trường số 5 (Cục Quản lý thị trường TP.Hà Nội) bắt giữ một vụ buôn lậu hàng tấn bánh kẹo dành cho trẻ em giả nhãn mác Thái Lan, Hàn Quốc.
Trong số bánh kẹo bị thu giữ, có nhiều loại dành cho trẻ em, dưới dạng kẹo cao su với bao bì bắt mắt. Tuy nhiên, khi mở ra lại có mùi hắc xộc lên rất mạnh. Chủ một quầy hàng bán bánh kẹo trên phố Mạc Thị Bưởi, quận Hoàn Kiếm thừa nhận là chủ của lô hàng.
Một loại kẹo được ghi trên nhãn "made in Manila Philipines" được bán tại cổng trường học tại Hà Nội. Ảnh Uyên Chi
Mặc dù trên nhãn mác lô hàng bánh kẹo ghi xuất xứ Thái Lan, Hàn Quốc, nhưng theo khai nhân của người vận chuyển, toàn bộ lô hàng lại có xuất xứ từ Trung Quốc... Ước tính trọng lượng lô hàng hơn 1 tấn. Số bánh kẹo dành cho trẻ em như trong lô hàng này, lâu nay vẫn được tiêu thụ trên thị trường. Do vậy, nhiều người lo ngại rằng bao lâu nay con em mình ăn phải các loại bánh kẹo vô cùng độc hại mà không hề hay biết.
Tại các cửa hàng tạp hóa, nhất là những nơi gần trường tiểu học, trung học cơ sở, nhiều loại bánh kẹo bao bì có xuất xứ nước ngoài như kẹo cao su, kẹo mút phát sáng, kẹo xăm hình,… được bày bán tràn lan. Nhìn vào bao bì mẫu mã sản phẩm chủ yếu là chữ Thái Lan và Hàn Quốc cùng dòng chữ in nguồn gốc “made in Thailand”, “made in Korea”, tuy nhiên trên các bao bì không hề có thông tin nào ghi của nhà nhập khẩu, không nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định.
Nguy hại cho sức khỏe trẻ nhỏ
Theo chuyên gia về vệ sinh an toàn thực phẩm, việc sử dụng các mặt hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc rất nguy hại cho sức khỏe. Đặc biệt trong các loại kẹo dành cho trẻ em thường sử dụng nhiều phụ gia, màu thực phẩm để trở nên bắt mắt, thu hút sự chú ý của trẻ nhỏ. Dù vậy, những chất phụ gia, màu thực phẩm không rõ nguồn gốc, liều lượng có nguy cơ gây các bệnh về đường tiêu hóa, dị ứng.
Theo TS Nguyễn Thành Quân, Trưởng Khoa Kỹ thuật Hóa học, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, các loại bánh kẹo này rất độc hại. Một số loại dùng những loại thuốc nhuộm có màu sậm rất độc hại. Các loại bánh kẹo có màu sắc sặc sỡ cũng phải tránh xa do sử dụng các loại màu dùng trong công nghiệp có chứa kim loại nặng. Trong khi đó, Cục An toàn thực phẩm mới đây khuyến cáo, loại kẹo mút phát sáng dành cho trẻ em đã nằm trong danh sách các sản phẩm bị cấm lưu hành khi chứa chất cực độc poly aromatic hydrocacbon ở phần que.
Để đảm bảo an toàn, các bậc phụ huynh cần cảnh báo cho trẻ trong việc lựa chọn những sản phẩm rõ ràng nguồn gốc, không nên vì ham rẻ mà có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe.
Uyên Chi
Tin nổi bật
- 7 loại thực phẩm giúp bạn trẻ trung, ngăn ngừa lão hoá
04/07/2024 - 10:04:04
- 5 lợi ích tuyệt vời khi đắp mặt nạ vào mùa hè
02/07/2024 - 10:31:00
- 5 công thức tắm trắng da đơn giản tại nhà
02/07/2024 - 10:16:25
- Cắt giảm tinh bột để giảm cân sao cho đúng?
01/07/2024 - 10:02:46
- Sai lầm cần tránh khi tập Squat giúp vòng 3 săn chắc
26/06/2024 - 14:48:50
- Những vùng da dễ xuất hiện nếp nhăn và cách chăm sóc phù hợp
20/06/2024 - 10:32:37