7 sai lầm khi dùng kem chống nắng có thể gây tổn thương da
Ngay cả loại kem chống nắng tốt nhất, đắt tiền… cũng không thể bảo vệ da tốt, nếu không được dùng đúng cách.
Kem chống nắng là một trong những biện pháp tốt có thể sử dụng để bảo vệ làn da của mình khỏi ánh nắng mặt trời.
Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), một loại kem chống nắng tốt với các chất ngăn chặn tia UVA và UVB mạnh, có thể giúp bạn không bị bỏng nắng, giảm thiểu sự phát triển của nếp nhăn và các dấu hiệu lão hóa khác, đồng thời có thể giảm nguy cơ ung thư da.
Học viện Da liễu Hoa Kỳ (AAD) khuyên, nên dùng kem chống nắng có phổ rộng và chống thấm nước, với chỉ số SPF từ 30 trở lên.
Việc thoa kem chống nắng đúng cách sẽ không chỉ chống lại ung thư da mà còn giúp ngăn ngừa nếp nhăn.
Tuy nhiên, lựa chọn được loại kem chống nắng phù hợp, nhưng dùng không đúng cách như bôi quá ít, bỏ qua những điểm dễ bị tổn thương… cũng không mang lại hiệu quả, có thể gây tổn thương da.
Dưới đây là những ‘lỗi’ khi dùng kem chống nắng mà chúng ta thường mắc phải và cách để tránh:
1. Đợi đến khi đi biển mới bôi kem chống nắng
Điều này là hoàn toàn sai lầm. Hãy bôi kem chống nắng ít nhất 20 phút trước khi bước ra ngoài, bởi vì da của bạn cần thời gian đó để hấp thụ các thành phần bảo vệ. Thoa càng đều càng tốt trước khi mặc quần áo để tránh bỏ sót các điểm.
2. Bôi quá ít kem chống nắng
Để có được SPF như thông tin trên nhãn, một chút thoa nhẹ sẽ không hiệu quả. Hầu hết mọi người thoa quá ít. Theo AAD, vào những ngày đi biển, hãy phủ lên cơ thể bạn ít nhất 28 gam (một ly đầy) kem chống nắng.
3. Bỏ lỡ những khu vực quan trọng
Bạn phải thoa kem chống nắng cho tất cả các khu vực sẽ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và có một số điểm mà mọi người thường bỏ qua như mí mắt, tai, môi…
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí PloS one cho thấy, gần 20% người tham gia không thoa kem chống nắng lên mí mắt và những người tham gia nghiên cứu không biết rằng họ đã bỏ sót điểm này. Điều đó thật đáng lo ngại, bởi vì vùng da trên mí mắt có tỷ lệ mắc ung thư da cao nhất trên một đơn vị diện tích.
Cần bôi kem chống nắng lên tất cả những vùng cơ thể tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Môi cũng là một khu vực thường bị bỏ qua và chúng dễ bị tổn thương. Tổ chức Ung thư da khuyên bạn nên thoa son dưỡng môi hoặc son môi có SPF 15 trở lên và đặc biệt chú ý đến môi dưới.
4. Không bôi lại kem chống nắng
Một cuộc khảo sát của AAD công bố vào tháng 5/2021 cho thấy, chỉ có khoảng 33% người Mỹ bôi lại kem chống nắng thường xuyên như khuyến nghị.
Thoa kem chống nắng một lần không có nghĩa là giúp bảo vệ suốt thời gian trong ngày. Do đó, cần thoa lại kem chống nắng ít nhất hai giờ một lần, và thường xuyên hơn nếu bạn đổ mồ hôi nhiều hoặc đi bơi.
Theo hướng dẫn của FDA, ngay cả kem chống nắng có nhãn "chống nước" cũng chỉ duy trì SPF trong tối đa 80 phút (nhãn trên kem chống nắng chịu nước sẽ cho biết liệu nó có hiệu quả trong 40 phút hay 80 phút trong nước hay không).
Việc bôi lại cũng sẽ giúp bạn đạt được độ che phủ tổng thể đồng đều hơn.
5. Tán kem chống nắng không đủ mịn
Nếu bạn không thoa đều kem chống nắng, bạn sẽ không đạt được hiệu quả bảo vệ như khuyến cáo trên nhãn. Do đó, cần tán đều, kỹ và đủ mịn.
6. Bỏ qua kem chống nắng khi trời nhiều mây
Ngay cả khi không nhìn thấy mặt trời, 80% tia UV vẫn chiếu vào da bạn. Trời nhiều mây có thể chặn tia UVB, nhưng hầu hết đều cho tia UVA xuyên qua, vì vậy điều quan trọng là phải thoa kem chống nắng bất cứ khi nào bạn ra ngoài, bất kể có mây bao phủ.
7. Chú ý đến hạn dùng của kem chống nắng
Khi dùng kem chống nắng cần để ý đến hạn dùng của sản phẩm. Vì sau thời hạn này, kem chống nắng có thể không cung cấp mức độ bảo vệ đầy đủ được liệt kê trên nhãn.
Tin nổi bật
- 7 loại thực phẩm giúp bạn trẻ trung, ngăn ngừa lão hoá
04/07/2024 - 10:04:04
- 5 lợi ích tuyệt vời khi đắp mặt nạ vào mùa hè
02/07/2024 - 10:31:00
- 5 công thức tắm trắng da đơn giản tại nhà
02/07/2024 - 10:16:25
- Cắt giảm tinh bột để giảm cân sao cho đúng?
01/07/2024 - 10:02:46
- Sai lầm cần tránh khi tập Squat giúp vòng 3 săn chắc
26/06/2024 - 14:48:50
- Những vùng da dễ xuất hiện nếp nhăn và cách chăm sóc phù hợp
20/06/2024 - 10:32:37