Viêm xoang do nấm và u nấm xoang có biểu hiện như thế nào?
Viêm xoang là bệnh lý thường gặp ở khoảng 15% dân số, trong những năm gần đây trên thế giới người ta ghi nhận tỷ lệ bệnh viêm xoang do nấm tăng lên.
Vậy viêm xoang do nấm là gì, cần phân biệt thế nào và u xoang nấm có đáng lo? Bài viết sau đây giúp độc giả hiểu hơn về vấn đề này.
1.Nguyên nhân viêm xoang do nấm
Viêm xoang có nhiều dạng trong đó bao gồm: viêm mũi xoang dị ứng, viêm xoang do răng, viêm xoang thông thường, viêm xoang do nấm và viêm xoang trẻ em.
Ở nước ta do đặc điểm khí hậu và các yếu tố môi trường nên những năm gần đây nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ viêm xoang do nấm gặp nhiều hơn ở người bệnh viêm xoang.
Theo ghi nhận, viêm xoang do nấm gặp nhiều ở người bị viêm mũi xoang dị ứng, suy giảm miễn dịch, hóa trị liệu và sử dụng Steroids dài ngày. Lý do viêm xoang do nấm là con người hít phải các bào tử nấm trong không khí, bụi đất. Các bào tử nấm sẽ bám vào vách mũi, niêm mạc trong xoang, khi gặp môi trường thuận lợi nấm phát triển gây ra bệnh viêm xoang do nấm.
Bên cạnh đó các yếu tố thuận lợi khác cũng làm gia mắc bệnh viêm xoang do nấm trong đó thường gặp là: Người bệnh tiểu đường, hóa trị liệu, bệnh gây giảm hệ thống miễn dịch, bệnh do việc sử dụng kháng sinh và steroids dài ngày… là yếu tố nguy cơ mắc nhiều hơn.
Vêm xoang do nấm gặp nhiều ở người bị viêm mũi xoang dị ứng, suy giảm miễn dịch, hóa trị liệu và sử dụng Steroids dài ngày.
2. Dấu hiệu nhận biết và các loại viêm xoang do nấm
Câu hỏi đặt ra với nhiều người bệnh khi được chẩn đoán là viêm xoang do nấm có nguy hiểm không, làm thế nào để nhận biết được căn bệnh này. Về cơ bản người ta chia viêm xoang do nấm làm 2 thể chính bao gồm: Viêm xoang do nấm không xâm lấn: (Viêm xoang dị ứng nấm và u nấm xoang) và viêm xoang do nấm xâm lấn: (Viêm xoang do nấm xâm lấn cấp tính, viêm xoang do nấm xâm lấn u hạt, viêm xoang do nấm xâm lấn mạn tính).
Trên thực tế, để nhận biết viêm xoang do nấm hay không cần dựa vào các biểu hiện của bệnh viêm xoang mạn tính. Người bệnh thường có các biểu hiện bao gồm: Người bệnh nghẹt mũi, chảy dịch, cảm giác vướng họng, đau rát họng, hay khạc, khịt mũi. Ngoài ra còn có các biểu hiện ho khan, đau đầu, phù mặt… Bên cạnh đó người bệnh còn cảm thấy mùi hôi từ mũi, giảm mùi.
Tuy nhiên ở mỗi thể bệnh thì người bệnh sẽ có các biểu hiện khác nhau và trên cơ địa bệnh nhân khác nhau.
- Nếu viêm xoang dị ứng do nấm: Ở dạng này người bệnh thường có dị ứng kèm viêm xoang mạn khó điều trị và polyp mũi. Những viêm xoang dị ứng do nấm này có nhiều xoang bị bệnh và đã phẫu thuật nhiều lần. Các chất màu nâu hay xanh đen giống như bơ đậu phộng được lấy ra từ xoang khi phẫu thuật. Nguyên nhân thường gặp nhất là do các nấm như: Bipolaris species, Curvularia lunata, and Aspergillus fumigatus gây ra. Các loại nấm này cũng gây viêm mũi dị ứng. Bệnh nhân bị viêm xoang dị ứng nấm thường kèm theo suyễn, viêm mũi dị ứng, chàm.
Điều lưu ý, viêm xoang dị ứng nấm thường tái phát sau khi điều trị bằng phẫu thuật. Do đó cần phải theo dõi thường xuyên.
- Nếu u nấm xoang: U nấm xoang chiếm ưu thế cao ở xoang hàm và polyp mũi và viêm xoang vi khuẩn có thể kết hợp với u nấm xoang. U nấm xoang có nguyên nhân hàng đầu gây u nấm xoang là A.fumigatus.
Ở thể này, người bệnh có u nấm xoang đa phần được điều trị nội khoa do tắc nghẽn mũi, viêm xoang mạn, đau mặt,...
Điều trị u xoang nấm thường được chỉ định phẫu thuật cộng với dẫn lưu các xoang bị ảnh hưởng mà không cần điều trị thêm kháng nấm và đa phần bệnh nhân có tiên lượng tốt.
- Nếu viêm xoang do nấm xâm lấn cấp tính: Ở thể này người ta còn gọi là bệnh lý nấm mucor não mũi. Đây là hội chứng được đặc trưng bởi viêm xoang và những vết loét hay vẩy ở vách ngăn hay khẩu cái cứng bị hoại tử đen nhưng không đau. Nếu không điều trị sớm, nấm có thể lan truyền nhanh chóng bằng đường mạch máu gây tử vong trong vài ngày. Nguyên nhân thường gặp là do nấm Mucorales và A.fumigatus.
Người ta tìm thấy bệnh thường gặp ở những bệnh nhân tiểu đường, bệnh nhân được điều trị ức chế miễn dịch, đôi khi là người khỏe mạnh bình thường trước đó.
Bệnh cảnh lâm sàng thường gặp ở các người mắc AIDS, lupus ban đỏ hệ thống, bệnh nhân được điều trị ức chế miễn dịch (ung thư hay ghép tạng) kèm theo sốt, ho, vẩy mũi, chảy máu mũi.
Điều trị viêm xoang do nấm xâm lấn cấp tính là sự kết hợp chặt chẽ giữa nội khoa và phẫu thuật là cốt lõi của điều trị bệnh lý này.
- Đối với viêm xoang do nấm xâm lấn u hạt: Ở thể này là một hội chứng viêm xoang mạn khác lạ kèm với lồi mắt, thường lồi mắt một bên, còn được gọi là viêm xoang nấm yên lặng. Người bệnh nhân có vẻ có hệ thống miễn dịch bình thường và nguyên nhân là do nấm A.flavus. Nếu không phẫu thuật nấm có thể xâm lấn vào hốc mắt, màng cứng, não.
- Đối với viêm xoang do nấm xâm lấn mạn tính: Ở thể này là sự diễn biến mạn tính, sự tích tụ sợi tơ nấm như u nấm, kèm với hội chứng đỉnh hốc mắt. Hội chứng đỉnh hốc mắt gây giới hạn vận động nhãn cầu và giảm thị lực, có thể chẩn đoán lầm với hội chứng viêm giả u mà điều trị ban đầu là corticoides thay vì phẫu thuật thám sát đỉnh hốc mắt và sinh thiết.
Thể bệnh này có thể bắt đầu từ một u nấm và trở nên xâm lấn, có lẽ đây là hậu quả của việc ức chế miễn dịch kết hợp tiểu đường hay điều trị corticoides. Bệnh thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường, điều trị corticoides, tổn thương miễn dịch. Nguyên nhân gây bệnh là do nấm A.fumigatus và người bệnh thường tử vong khi nấm xâm lấn vào xoang hang.
Tóm lại. Viêm xoang do nấm là một dạng đặc biệt của bệnh viêm xoang mạn tính nên về phương pháp điều trị cũng tuân thủ nguyên tắc của điều trị bệnh viêm xoang. Tuy nhiên do nấm phát triển trong các xoang nên nguyên tắc điều trị viêm xoang do nấm cần làm triệt để hơn bao gồm: Phẫu thuật nội soi mũi xoang triệt căn, lấy càng sạch tổ chức nấm trong xoang, lấy sạch niêm mạc các xoang chứa nấm. Và người bệnh cần chăm sóc định kỳ mỗi hai tuần/lần, sau mổ 3 tháng.
Lời khuyên thầy thuốc
Nhiều người bệnh thường lo lắng liệu viêm xoang do nấm có khỏi không? Trên thưc tế bệnh khỏi hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó yếu tố khó khăn là nhiều xoang, hơn nữa các xoang hàm lại có các ngách trên ngoài, dưới ngoài hay dưới trong là những ngách nấm luồn sâu vào các rãnh rất khó lấy sạch. Với xoang bướm và xoang sàng sau lại ở kề bên động mạch cảnh, sàn sọ nên rất nguy hiểm khi cố gắng lấy tổ chức nấm ở vị trí này
Chính vì vậy, khi mắc người bệnh cần tới cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để được khám và điều trị. Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định thì người bệnh cần phải chăm sóc bằng cách rửa mũi bằng nước muối sinh lý mỗi hai tuần một lần dưới sự hướng dẫn của các nhân viên y tế.Tái khám định kỳ. Và nếu thực hiện đúng viêm xoang do nấm sẽ được chữa khỏi.
Tin nổi bật
- Viêm mũi dị ứng mùa xuân
16/02/2024 - 09:54:59
- Viêm phổi ở trẻ có triệu chứng gì?
02/02/2024 - 15:16:09
- Các loại viêm xoang thường gặp và triệu chứng
15/01/2024 - 09:59:00
- Dấu hiệu nhận biết khi trẻ bị viêm tiểu phế quản
03/07/2023 - 11:50:42
- Biểu hiện bệnh suy hô hấp mạn tính
26/06/2023 - 11:59:13
- Ngạt mũi liên tục gây khó thở, khó ngủ: nguyên nhân và cách điều trị
18/04/2023 - 10:06:25