Nuôi sống bé gái sinh non nhỏ như chuột con
Bé gái chào đời ở tuần thai 26, nặng 700 g, xuất viện khỏe mạnh sau hai tháng được chăm sóc đặc biệt.
Bác sĩ Lương Kim Chi, Trưởng khối Sơ sinh, Bệnh viện Sản Nhi TWG Long An, vẫn chưa hết hồi hộp khi nhắc lại hai tháng vừa qua nỗ lực nuôi sống bé. Ngày 31/8, bà bầu 19 tuổi thai 6,5 tháng được một bệnh viện huyện chuyển tới, dấu hiệu dọa sinh. Các bác sĩ xác định không thể giữ thai trong tử cung mẹ lâu hơn, vấn đề là làm thế nào đảm bảo khả năng sống của bé và phương án sinh.
"Bé nhỏ hay lớn gì cũng phải cứu sống", bác sĩ Chi kiên quyết.
Hai giờ sau khi mẹ nhập viện, bé gái sinh thường với cân nặng 700 g, chiều dài và chu vi vòng đầu là 33 cm và 24 cm. Lọt lòng, bé nguy kịch, không khóc, không thở, tím tái toàn thân. Ê kíp liên khoa Sanh và Khoa Sơ sinh ngay lập tức hồi sức cho bé, bóp bóng qua mặt nạ. Hai phút trôi qua, bé cất tiếng khóc đầu tiên, bắt đầu thở được, làn da hồng hào trở lại.
Bé bắt đầu tập bú mẹ ở tuần thứ hai sau sinh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Thể trạng bé quá yếu ớt, các bác sĩ quyết định áp dụng phương pháp da kề da (Kangaroo) với mẹ và gắn ống thở áp lực dương qua mũi, hỗ trợ phổi ngay tại phòng sinh. Đây là phương án điều trị ít xâm lấn, được xem là hiệu quả, an toàn nhất với trẻ.
Trong vòng 60 phút đầu tiên sau sinh, bé đã được ăn sữa non của mẹ. Khi mẹ và bé ổn định hơn, cả hai được đưa về khoa Sơ Sinh chăm sóc đặc biệt. Tại đây, liên tục 24/24 giờ trong vòng hai tháng, bé được ấp da kề da với mẹ hoặc người nhà, bú mẹ, nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch.
"Sức sống của bé cực kỳ mãnh liệt. Một tuần sau sinh, bé tự hít thở khí trời. Hai tuần tiếp, con không cần bất kỳ can thiệp y tế nào, ăn sữa mẹ hoàn toàn", bác sĩ Chi chia sẻ.
Hiện, Bắp (tên thân mật của bé) đã nặng hơn 1,5 kg, dài 42 cm, bú mẹ. Nếu tính theo tuổi thai, em đang ở tuần thứ 34, vẫn thiếu khoảng 4-6 tuần để có thể tính là thai trưởng thành. Mặc dù vậy, các bệnh lý, nguy cơ ở trẻ sinh non đều được kiểm soát tốt. Thị giác, trí não, thể chất trẻ phát triển bình thường, khỏe mạnh.
Ngày 29/10, Bắp được ra viện. Người mẹ trẻ rất hạnh phúc và tự tin chăm sóc tốt cho con. Mẹ tâm sự, lần đầu tiên gặp gỡ, Bắp nhỏ xíu như "chú chuột con, tay chân đỏ hỏn".
"Giờ Bắp đã lớn, biết khóc, biết bú ti, thích cười mỗi khi nghe giọng ba mẹ. Con khỏe mạnh là điều hạnh phúc nhất vợ chồng tôi mong cầu", chị nói.
Bắp cười trước khi đi ngủ và mỗi lúc nghe thấy giọng ba mẹ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Sức khỏe bé hiện ổn định, tuy nhiên quá trình chăm sóc ít nhất kéo dài đến khi Bắp 15,5 tháng tuổi. Bé sẽ được tái khám theo dõi thường xuyên theo lịch.
Theo bác sĩ Chi, nuôi sống được bé là thành công của bệnh viện, bởi thông thường bé sinh cực non tỷ lệ sống sót thấp và nguy cơ cao tàn tật. Phương pháp da kề da ngay sau sinh, được xem là cách hỗ trợ hiệu quả cho trẻ sơ sinh non tháng, nhất là trẻ sinh cực non.
Bác sĩ khuyến cáo các thai phụ nếu có nguy cơ dọa sinh non (tuổi thai 24 đến 34 tuần) nên khám và sinh tại các cơ sở y tế chuyên khoa nhi để chăm sóc tối ưu cho mẹ và nâng cao cơ hội sống cho bé. Bà mẹ nên cho con bú sữa non trong một giờ đầu giúp giảm tỷ lệ nhiễm trùng và tăng khả năng phát triển của bé sau này.
Ba mẹ bé thay nhau da kề da với con. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Thư Anh
Link nguồn:
https://vnexpress.net/nuoi-song-be-gai-sinh-non-nho-nhu-chuot-con-4183855.html
Theo vnexpress.net
Tin nổi bật
- Viêm mũi dị ứng mùa xuân
16/02/2024 - 09:54:59
- Viêm phổi ở trẻ có triệu chứng gì?
02/02/2024 - 15:16:09
- Các loại viêm xoang thường gặp và triệu chứng
15/01/2024 - 09:59:00
- Dấu hiệu nhận biết khi trẻ bị viêm tiểu phế quản
03/07/2023 - 11:50:42
- Biểu hiện bệnh suy hô hấp mạn tính
26/06/2023 - 11:59:13
- Ngạt mũi liên tục gây khó thở, khó ngủ: nguyên nhân và cách điều trị
18/04/2023 - 10:06:25