Vắc-xin đầu tiên trên thế giới được phát triển bằng công nghệ AI
Lần đầu tiên trên thế giới, một vắc-xin cúm hoàn toàn mới được tạo ra nhờ công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI) bởi các nhà khoa học Australia.
Theo đó, các nhà khoa học tại Đại học Flinder ở Australia đã nghiên cứu loại vắc-xin cúm mới với khả năng tăng cường miễn dịch cho con người bằng cách tạo ra nhiều kháng thể chống lại vi-rút cúm hơn so với vắc-xin thông thường. Nhờ vậy, vắc-xin này đem lại kết quả điều trị hữu hiệu hơn.
Giáo sư Nikolai Petrovsky, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết vắc-xin cúm đầu tiên được phát triển bằng công nghệ AI đã được tiến hành thử nghiệm trên cơ thể người. Nghiên cứu này được tài trợ bởi Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID).
Việc sử dụng công nghệ AI đã giúp đẩy nhanh quá trình phát triển vắc-xin, cắt giảm chi phí và thời gian nghiên cứu, đồng thời hỗ trợ các nhà khoa học một giải pháp toàn diện nhất để tạo ra loại vắc-xin mới hiệu quả cao hơn so với vắc-xin thông thường.
Thông thường, để phát triển một vắc-xin cúm, các công ty lớn sẽ phải trải qua quá trình sàng lọc hàng triệu hợp chất, với hàng nghìn người làm việc liên tục trong khoảng 5 năm. Với quá trình phức tạp và tốn kém như vậy, chi phí cho một sản phẩm có giá khoảng hàng trăm triệu USD, Giáo sư Petrovsky chia sẻ.
Ngược lại, với sự trợ giúp của công nghệ AI, nhóm nghiên cứu (quy mô nhỏ) của Giáo sư Petrovsky chỉ mất khoảng hai năm để nghiên cứu, phát triển loại vắc-xin này.
Giáo sư Petrovsky cho biết, đầu tiên, nhóm của ông đã tạo ra một chương trình máy tính có tên gọi là Sam và lập trình sẵn cho phần mềm này cách nhận biết vắc-xin có tác dụng chống lại bệnh cúm hay không. Sau đó, họ đã tạo ra một chương trình máy tính khác để tạo ra hàng nghìn tỷ hợp chất ảo.
Công nghệ AI sẽ sử dụng cả hai chương trình này để kết hợp, so sánh, phân tích và đưa ra một danh sách gồm 10 loại hợp chất khả dĩ nhất. Ưu điểm của công nghệ AI là không chỉ tăng tốc quá trình nghiên cứu mà còn tìm ra các hợp chất hiệu quả nhất.
Nhờ vậy, thay vì phải trực tiếp sàng lọc hàng triệu hợp chất, các nhà khoa học chỉ cần nghiên cứu một số nhỏ trong số đó. Chỉ mất vài tuần để tổng hợp chúng và tiến hành thử nghiệm trên máu người. Các hợp chất sau đó đã trải qua thử nghiệm trên động vật và hiện đang được tiến hành trên cơ thể người.
Nhóm nghiên cứu kỳ vọng vắc-xin mới này sẽ được thương mại hóa từ năm 2022, góp phần đẩy lùi căn bệnh cúm, nhất là cúm theo mùa, cho toàn nhân loại.
Theo Giáo sư Petrovsky, trong thời gian tới đây, công nghệ AI sẽ được sử dụng thường xuyên hơn trong quá trình nghiên cứu và phát triển thuốc, vắc-xin chữa bệnh. Thậm chí, nó còn có thể được ứng dụng trong quá trình bác sĩ kê thuốc cho bệnh nhân.
KHÁNH NGÂN (theo The Telegraph)
Tin nổi bật
- Các cách điều trị tăng sắc tố
02/07/2024 - 10:11:53
- 7 chất bổ sung nên tránh nếu bị huyết áp cao và tăng đường máu
01/07/2024 - 10:19:16
- Nguy cơ cắt cụt chân do không tuân thủ điều trị đái tháo đường
27/06/2024 - 09:51:57
- Một ngày, uống bao nhiêu vitamin E?
24/06/2024 - 10:54:09
- Các dạng đau nửa đầu và biện pháp điều trị
17/06/2024 - 10:39:17
- Suy dinh dưỡng dùng thuốc gì?
14/06/2024 - 09:56:02