Tưởng nước giải khát, bé trai uống nhầm chất hỗ trợ cai nghiện ma túy để trong tủ lạnh
Theo lời kể của người nhà, khoảng 12h trưa ngày 19/4, cháu H.Q.Đ (15 tuổi, Hà Nội) đi học về, mở tủ lạnh thấy chai nước dung dịch màu hồng liền lấy để uống giải khát. Sau vài tiếng, cháu xuất hiện tình trạng khó thở, buồn nôn, nổi mẩn ngứa toàn thân, phù nề mi mắt kèm theo các biểu hiện của ngộ độc.
Bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Chống độc trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, được đặt ống nội khí quản, hỗ trợ hô hấp. Sau một ngày điều trị tích cực, giải độc, tình trạng của cháu đã ổn định trở lại, qua giai đoạn nguy kịch, tuy nhiên cần tiếp tục được theo dõi chặt chẽ bởi các nhân viên y tế.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, đây không phải là trường hợp đầu tiên bị ngộ độc do uống nhầm methadone.
Trước đó, Trung tâm Chống độc cũng đã tiếp nhận và điều trị cho một số trường hợp khác cũng bị ngộ độc do uống nhầm methadone. Các cháu cũng uống nhầm dung dịch methadone tại gia đình do tưởng là nước dâu hay nước ngọt.
Dung dịch methadone có màu hồng khiến trẻ em (kể cả người lớn) rất dễ nhầm lẫn với nước dâu/nước ngọt.
Theo các bác sĩ, methadone là chất điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện và được quản lý rất chặt chẽ. Hiện nay người được điều trị bằng methadone phải đến cơ sở điều trị uống thuốc hàng ngày.
Ở nước ta, việc thí điểm cấp phát methadone nhiều ngày mới được thí điểm vào đầu tháng 4 tại ba tỉnh, thành phố: Lai Châu, Điện Biên và TP Hải Phòng. Số liều thuốc methadone được mang về phụ thuộc vào mức độ tuân thủ của từng người bệnh sau khi theo dõi và đánh giá hàng tháng và theo nguyên tắc tăng dần nếu người bệnh tuân thủ tốt và giảm dần hoặc chấm dứt cho người bệnh mang thuốc về nếu người bệnh không tuân thủ tốt.
Số liều tối đa cho người bệnh mang về mỗi lần trong giai đoạn thí điểm không quá 06 liều/lần mang về (không tính 01 liều uống tại cơ sở y tế khi đến lĩnh thuốc). Việc phòng ngừa trẻ em uống nhầm thuốc methadone cũng đã được tính đến.
Tuy nhiên, những rủi ro khi cấp phát thuốc methadone nhiều ngày như: Trẻ em hoặc những người khác dùng nhầm thuốc; mua, bán, trao đổi, đánh cắp methadone; tích trữ và cố tình dùng quá liều hoặc không đúng liều cho bản thân người bệnh… cũng đã được tính đến và có những giải pháp phòng ngừa.
Trường hợp bệnh nhân có biểu hiện chậm chạp, thở khò khè, cần tiến hành hô hấp nhân tạo tại chỗ theo điều kiện sẵn có và nhanh chóng gọi cấp cứu 115 để đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
M.Thanh - D.Hải
Tin nổi bật
- Các cách điều trị tăng sắc tố
02/07/2024 - 10:11:53
- 7 chất bổ sung nên tránh nếu bị huyết áp cao và tăng đường máu
01/07/2024 - 10:19:16
- Nguy cơ cắt cụt chân do không tuân thủ điều trị đái tháo đường
27/06/2024 - 09:51:57
- Một ngày, uống bao nhiêu vitamin E?
24/06/2024 - 10:54:09
- Các dạng đau nửa đầu và biện pháp điều trị
17/06/2024 - 10:39:17
- Suy dinh dưỡng dùng thuốc gì?
14/06/2024 - 09:56:02