Tự ý dùng kháng sinh, người bệnh đang "lót đường" cho vi khuẩn kháng thuốc
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tình trạng đề kháng kháng sinh (ĐKKS) đang gia tăng rộng rãi ở các nước; trong đó, Việt Nam thuộc nhóm các nước có tỷ lệ ĐKKS cao nhất thế giới.
Dự kiến, đến năm 2050, ĐKKS sẽ gây ra 10 triệu ca tử vong hằng năm; đồng nghĩa, cứ 3 giây sẽ có 1 người tử vong do các vi khuẩn kháng thuốc. Hiện, trên thế giới đã xuất hiện các vi khuẩn kháng hầu hết kháng sinh, còn gọi là vi khuẩn siêu kháng thuốc.
Trong khi đó, tốc độ nghiên cứu và bào chế thuốc kháng sinh thế hệ mới lại không theo kịp so với mức độ gia tăng của vi khuẩn kháng thuốc. Cụ thể, trong hơn 5 năm (từ 1983 đến 1987), chỉ có 18 loại kháng sinh được Cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ cấp giấy chứng nhận sử dụng; và từ năm 2008 đến nay, không có thêm loại kháng sinh mới nào được tìm ra.
Và, trong số các loại bệnh có nguyên nhân chính bắt nguồn từ tình trạng ĐKKS của tác nhân gây bệnh, các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp mắc phải tại cộng đồng (CA-RTIs) ở nước ta có chiều hướng tăng mạnh cũng như diễn biến ngày càng phức tạp thời gian gần đây.
CA-RTIs là nhóm bệnh lý phổ biến ở cả trẻ em và người lớn, với những bệnh thường gặp như nhiễm khuẩn hô hấp trên (viêm tai giữa, viêm mũi họng, viêm xoang) hay nhiễm trùng hô hấp dưới, đặc biệt là viêm phổi - một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hiện nay.
Do đó, để góp phần nâng cao nhận thức về sử dụng kháng sinh hợp lý, đẩy lùi ĐKKS, Hội Hô hấp, Hội Tai Mũi Họng Nhi, Hội Vi sinh Lâm sàng TP. Hồ Chí Minh, cùng GSK đã tổ chức chuỗi hoạt động hưởng ứng tuần lễ "Thế giới Nhận thức về ĐKKS".
Theo đó, chuỗi sự kiện diễn ra xuyên suốt xoay quanh nhiều chủ đề như: ĐKKS – thách thức và giải pháp, điều trị nhiễm khuẩn tai mũi họng theo y học chứng cứ, tiếp cận và hiểu biết các tác nhân vi sinh phổ biến, hướng dẫn điều trị nhiễm khuẩn hô hấp trên ở trẻ em, những rào cản trong thực hành lâm sàng cũng như việc sử dụng kháng sinh hợp lý và an toàn.
Tại chuỗi sự kiện, các chuyên gia đã thảo luận về những chiến lược chống lại tình trạng ĐKKS; trong đó, quan trọng nhất là sự thống nhất, hợp tác giữa bệnh nhân và nhân viên y tế trong lựa chọn, điều trị bằng kháng sinh cũng như việc tuyệt đối không cho người khác dùng chung kháng sinh hoặc tận dụng kháng sinh còn thừa.
Nguyên nhân là vì, Việt Nam hiện còn thiếu các dữ liệu giám sát ĐKKS tại cộng đồng giúp định hướng dùng kháng sinh đúng, dẫn tới tình trạng sử dụng kháng sinh chưa hợp lý, lạm dụng kháng sinh thế hệ mới và kháng sinh phổ rộng làm tăng ĐKKS.
Về phía bệnh nhân, việc sử dụng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ còn hạn chế; người bệnh thường tự ý ngưng thuốc khi giảm triệu chứng, do đó vi khuẩn không được diệt trừ hoàn toàn, tạo điều kiện cho vi khuẩn đề kháng với thuốc.
"Việc sử dụng kháng sinh đúng cách, hợp lý phụ thuộc phần lớn vào việc tìm ra tác nhân gây bệnh, từ đó mới quyết định có cần thiết sử dụng kháng sinh hay không", TS.BS Phạm Hùng Vân - Chủ tịch Hội Vi sinh Lâm sàng TP. Hồ Chí Minh cho biết.
Còn PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Nhi TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Muốn khỏi bệnh, bệnh nhân cần tuân thủ theo chỉ dẫn kê đơn của bác sĩ và cần hoàn tất liệu trình điều trị kháng sinh. Không có lối tắt nào để nhanh hết bệnh và kháng sinh cần được sử dụng đúng loại, đúng liều và đủ thời gian".
Theo Ý Nhi/doanhnhansaigon.vn
Tin nổi bật
- Các cách điều trị tăng sắc tố
02/07/2024 - 10:11:53
- 7 chất bổ sung nên tránh nếu bị huyết áp cao và tăng đường máu
01/07/2024 - 10:19:16
- Nguy cơ cắt cụt chân do không tuân thủ điều trị đái tháo đường
27/06/2024 - 09:51:57
- Một ngày, uống bao nhiêu vitamin E?
24/06/2024 - 10:54:09
- Các dạng đau nửa đầu và biện pháp điều trị
17/06/2024 - 10:39:17
- Suy dinh dưỡng dùng thuốc gì?
14/06/2024 - 09:56:02