Trường hợp nào không nên sử dụng thuốc tránh thai?
Người bệnh tiểu đường
Trên thị trường, hiện có rất nhiều nhãn hiệu thuốc tránh thai khác nhau, nhưng nhìn chung được chia thành 2 loại là: thuốc tránh thai kết hợp chứa các hormone estrogen và progestin (loại này hiếm khi làm thay đổi mức đường huyết) và loại thứ 2 chỉ chứa progestin (cũng không gây ra những thay đổi trong việc kiểm soát đường huyết).
Tuy nhiên, thuốc tránh thai có thể gián tiếp khiến bệnh tiểu đường gặp biến chứng. Nói cách khác, một số tác dụng phụ của thuốc có thể làm tăng nguy cơ biến chứng tiểu đường. Mặt khác, thuốc trị tiểu đường là chất cảm ứng enzym gan nên có thể làm giảm hiệu quả của viên uống tránh thai.
Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo, chỉ nên sử dụng thuốc tránh thai ở phụ nữ dưới 35 tuổi, không hút thuốc, có thể trạng khỏe mạnh và không có biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường. Người bệnh tiểu đường nên tìm kiếm các hình thức tránh thai khác.
Thuốc tránh thai là an toàn nhưng một số đối tượng không nên sử dụng.
Người bệnh tăng huyết áp
Nhiều bằng chứng cho thấy, có mối liên quan giữa tăng huyết áp với thuốc tránh thai. Các viên thuốc tránh thai hỗn hợp estrogen và progesteron có khuynh hướng làm tăng huyết áp, trung bình tăng là 5/3mmHg, và có khoảng 1% những trường hợp dùng thuốc có tăng huyết áp nặng.
Cho đến nay, cơ chế gây tăng huyết áp do thuốc tránh thai chưa rõ và không dự báo được. Hơn nữa, huyết áp có thể tăng nhiều tháng hoặc nhiều năm sau khi dùng liều thuốc tránh thai uống đầu tiên. Hơn nữa, estrogen hay COC (thuốc tránh thai khẩn cấp dạng phối hợp) có liên quan đến việc làm tăng nồng độ các yếu tố đông máu II, VII, X, XII, VIII và fibrinogen. Giống như các hormon lipophilic khác, nó làm tăng nồng độ các yếu tố đông máu trong huyết tương bằng cách tác động tăng phiên mã gene tổng hợp protein. Chính vì thế những người bị tăng huyết áp, đau nửa đầu, tiền sử huyết khối... cần thận trọng hoặc chống chỉ định đối với thuốc tránh thai khẩn cấp phối hợp COC do tăng tạo huyết khối.
Người mắc bệnh lý về gan, mật, thận cấp, mạn tính
Tất cả các thuốc ngừa thai bằng nội tiết đều chuyển hóa qua gan và nên tránh dùng trong những trường hợp chức năng gan bị suy giảm do bệnh lý gan cấp tính hay mạn tính. Do thuốc bị phân hóa ở gan sau đó bài tiết qua thận, làm tăng gánh nặng cho gan và thận, từ đó gây tổn thương nghiêm trọng đến quá trình bài tiết các chất cặn bã ra khỏi cơ thể. Lâu dần, bệnh viêm gan, viêm thận ngày càng nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra, các bằng chứng gần đây cho thấy các thuốc ngừa thai liều thấp không làm tăng nguy cơ mắc sỏi mật. Tuy nhiên, những phụ nữ đã từng bị ứ đọng đường mật khi đang sử dụng thuốc ngừa thai thì không nên dùng lại nữa. Những phụ nữ bị ứ đường mật trong thời kỳ mang thai (vàng da tự phát, tái phát của thai nghén) có thể bị vàng da nếu họ uống thuốc ngừa thai, hơn nữa thuốc ngừa thai khẩn cấp nên được sử dụng thận trọng ở những phụ nữ này.
Một số bệnh lý khác
Mặc dù estrogen có bản chất xuất phát từ hormon của người, nhưng nó lại gây nhiều tác dụng phụ có hại, đặc biệt làm tăng nguy cơ gây ung thư vú, ung thư cổ tử cung và ung thư gan ở phụ nữ dùng nó lâu dài.
Để phòng tránh nguy cơ ung thư vú, phụ nữ nên tham vấn ý kiến bác sĩ sản phụ khoa trước khi có kế hoạch phòng tránh thai hợp lý cho bản thân. Ngoài ra, nếu mắc các bệnh lý sau cũng không nên dùng thuốc tránh thai: bệnh huyết khối (cục máu đông); tiền sử đột quỵ hoặc đau tim; bệnh động mạch vành; chảy máu âm đạo không rõ nguyên nhân; phụ nữ đã mang thai hoặc nghi ngờ có thai; bệnh Lupus; người mắc chứng đau nửa đầu...
DS. Nguyễn Thanh Hòa
Tin nổi bật
- Các cách điều trị tăng sắc tố
02/07/2024 - 10:11:53
- 7 chất bổ sung nên tránh nếu bị huyết áp cao và tăng đường máu
01/07/2024 - 10:19:16
- Nguy cơ cắt cụt chân do không tuân thủ điều trị đái tháo đường
27/06/2024 - 09:51:57
- Một ngày, uống bao nhiêu vitamin E?
24/06/2024 - 10:54:09
- Các dạng đau nửa đầu và biện pháp điều trị
17/06/2024 - 10:39:17
- Suy dinh dưỡng dùng thuốc gì?
14/06/2024 - 09:56:02