Thuốc nào trị chứng chuột rút?
Tôi rất hay bị chuột rút, mỗi lần bị như vậy là tôi bị đau liền mấy ngày sau đó. Tôi có thể dùng thuốc nào để ứng phó với tình trạng này?
Mai Phương (Cần Thơ)
Chuột rút là tình trạng co cứng các bắp cơ cấp tính, liên tục và ngoài ý muốn chủ quan, gây nên các cơn đau dữ dội, mất khả năng cử động. Không chỉ gây đau, chuột rút còn có thể đe dọa đến sự an toàn của tính mạng trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn như khi đang bơi lội, đang điều khiển các phương tiện giao thông, điều khiển máy móc... Thời gian bị co cứng cơ thường chỉ thoáng qua vài giây, tuy nhiên cũng có khi kéo dài đến nửa tiếng, thậm chí một tiếng. Bắp chân là vị trí co cơ thường gặp nhất. Ngoài ra, cũng có thể gặp ở những vị trí khác trên cơ thể như tay và bụng.
Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng này như: Sự căng cơ quá mức; ngồi lâu một tư thế mà không vận động; do mất nước dẫn đến rối loạn về điện giải, đặc biệt là mất kali, canxi và magie; khi mang thai (nhất là từ tháng thứ 6 trở lên); bệnh tiểu đường; do dùng một số thuốc (thuốc lợi tiểu), sử dụng đồ uống có cồn; rối loạn chức năng thần kinh thực vật; cơ bắp phải làm việc nhiều...
Khi bị chuột rút, việc đầu tiên cần làm là phải ngay lập tức ngừng hoạt động và kéo duỗi cơ 15 - 20 giây cho đến khi cơ giãn hoàn toàn. Sau đó, không nên vận động lại ngay mà cần nghỉ ngơi khoảng 1 giờ để cơ bắp và hệ thần kinh trung ương đủ hồi phục.
Nếu thỉnh thoảng bạn mới bị chuột rút thì không đáng ngại. Nhưng nếu bạn thường xuyên bị chuột rút, hoặc bị chuột rút gây đau đớn, thì cần đi khám bệnh, xét nghiệm để được chẩn đoán và điều trị đúng bệnh gây ra chuột rút. Tùy theo từng nguyên nhân bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị thích hợp như bổ sung khoáng chất bị thiếu như: kali, canxi, magie; dùng thuốc giảm đau như paracetamol, thuốc giảm đau kháng viêm NSAID như ibuprofen, naproxen sodium hoặc thuốc giãn cơ (khi cần thiết)... Cần lưu ý, người bệnh không nên tự ý mua dùng các thuốc này, chỉ sử dụng khi có sự khám bệnh và kê đơn của bác sĩ.
Để phòng chuột rút, nên tập thể dục đều đặn, thường xuyên làm lưu thông khí huyết, vận động nhẹ nhàng các cơ nhất là buổi tối trước khi đi ngủ, uống đủ nước.
DS. Trần Thị An
Tin nổi bật
- Các cách điều trị tăng sắc tố
02/07/2024 - 10:11:53
- 7 chất bổ sung nên tránh nếu bị huyết áp cao và tăng đường máu
01/07/2024 - 10:19:16
- Nguy cơ cắt cụt chân do không tuân thủ điều trị đái tháo đường
27/06/2024 - 09:51:57
- Một ngày, uống bao nhiêu vitamin E?
24/06/2024 - 10:54:09
- Các dạng đau nửa đầu và biện pháp điều trị
17/06/2024 - 10:39:17
- Suy dinh dưỡng dùng thuốc gì?
14/06/2024 - 09:56:02