Thuốc kháng sinh mới thiếu hụt trầm trọng không thể kiềm chế sự lây lan của vi khuẩn
Theo cảnh báo của WHO, tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các loại thuốc kháng sinh mới đe dọa những nỗ lực kiềm chế sự lây lan của vi khuẩn kháng thuốc.
Hãng tin AFP cho biết, mới đây WHO đã công bố hai báo cáo mới, tiết lộ hiện đang có rất ít kháng sinh mới có hiệu quả đang lưu hành trên thị trường. Điều này có nghĩa là thế giới đang mất dần các lựa chọn trong cuộc chiến chống siêu vi khuẩn.
"Các sáng kiến đang tập trung chống lại sự kháng thuốc, tuy nhiên chúng tôi cũng cần các quốc gia và ngành công nghiệp dược góp sức và góp quỹ bền vững để tạo ra các loại thuốc mới" - tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc WHO, cho biết.
"Thế giới chưa bao giờ đối mặt với mối đe dọa (siêu vi khuẩn) kháng kháng sinh như bây giờ và đang cần giải pháp cấp bách” - ông Ghebreyesus nhấn mạnh.
WHO cảnh báo, thuốc kháng sinh đang bị thiếu trầm trọng. Ảnh minh họa
Kháng kháng sinh (kháng thuốc) xảy ra khi vi khuẩn trở nên có sức đề kháng mạnh hoặc hoàn toàn kháng được các loại thuốc hiện có để trị nó, khiến cho những vết thương nhỏ và những nhiễm trùng phổ biến cũng có thể gây chết người.
Theo số liệu ước tính của Liên minh châu Âu (EU), khoảng 33.000 người tại châu Âu chết mỗi năm vì những vi khuẩn kháng kháng sinh trong khi số liệu từ Liên Hiệp Quốc chỉ ra con số này vào khoảng 35.000 người.
"Chúng ta đang chứng kiến chuyện này ngày một lan rộng ra trong khi đang cạn kiệt nguồn thuốc kháng sinh có hiệu quả trong việc trị những con vi khuẩn kháng thuốc này. Đây là một trong những mối đe dọa sức khỏe lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt" - ông Peter Beyer của WHO nói.
Thuốc kháng sinh được phát minh vào những năm 1920. Thuốc kháng sinh đã cứu hàng chục triệu mạng sống bằng cách đánh bại các căn bệnh do vi khuẩn gây ra như viêm phổi, lao phổi và viêm màng não.
Tuy nhiên, trải qua nhiều thập kỷ, vi khuẩn bắt đầu tiến hóa và học cách để chống lại các loại thuốc này và trở thành "siêu vi khuẩn" kháng thuốc kháng sinh.
Để chống lại sức đề kháng của vi khuẩn với những loại thuốc kháng sinh đã biết, con người cần đến những loại kháng sinh mới. Tuy nhiên, đối với các công ty dược, việc phát triển các loại thuốc mới rất phức tạp, tốn kém và không thu nhiều lợi nhuận.
Theo các báo cáo của WHO, hiện có khoảng 60 loại thuốc mới đang được phát triển nhưng chỉ "có 2 loại thuốc trị được loại vi khuẩn kháng kháng sinh nguy hiểm nhất hiện nay". Các loại khác đều đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng.
Liên quan tới tình hình cạn kiệt thuốc kháng sinh, trước đó tờ The New York Times (Mỹ) cho biết, nguyên nhân của việc cạn kiệt thuốc kháng sinh là do tương lai tài chính u ám của một số công ty nghiên cứu kháng sinh đang khiến các nhà đầu tư tránh xa và đe dọa sự phát triển của các loại thuốc cấp cứu mới vào thời điểm cấp thiết như lúc này.
"Đây là một cuộc khủng hoảng cần được cảnh báo với mọi người" - TS Helen Boucher, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Tufts (Mỹ) và là thành viên Hội đồng Tư vấn của tổng thống về chống vi khuẩn kháng kháng sinh, cho hay. Vấn đề ở đây là các công ty đầu tư hàng tỉ USD để phát triển các loại thuốc mà vẫn chưa có cách bán được chúng.
Trong khi đó, hầu hết các loại thuốc kháng sinh được kê đơn chỉ trong vài ngày hoặc vài tuần nên nhiều bệnh viện không sẵn lòng trả giá cao cho các liệu pháp mới. Bế tắc chính trị trong Quốc hội Mỹ cũng cản trở các nỗ lực giải quyết vấn đề này.
Theo báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ được công bố hồi tháng trước, các bệnh nhiễm trùng kháng thuốc đã giết chết 35.000 người ở Mỹ mỗi năm và gây bệnh tật cho khoảng 2,8 triệu người. Nếu không có các liệu pháp mới, Liên Hiệp Quốc ước tính số ca tử vong trên toàn cầu có thể lên tới 10 triệu người vào năm 2050.
An Dương (T/h)
Tin nổi bật
- Các cách điều trị tăng sắc tố
02/07/2024 - 10:11:53
- 7 chất bổ sung nên tránh nếu bị huyết áp cao và tăng đường máu
01/07/2024 - 10:19:16
- Nguy cơ cắt cụt chân do không tuân thủ điều trị đái tháo đường
27/06/2024 - 09:51:57
- Một ngày, uống bao nhiêu vitamin E?
24/06/2024 - 10:54:09
- Các dạng đau nửa đầu và biện pháp điều trị
17/06/2024 - 10:39:17
- Suy dinh dưỡng dùng thuốc gì?
14/06/2024 - 09:56:02