Nhiễm trùng đột phá Omicron ở người đã tiêm vaccine COVID-19 có thể tạo miễn dịch với các biến thể của SARS-CoV-2?
Một nghiên cứu ở Nam Phi cho thấy, những người đã tiêm vaccine COVID-19 và sau đó nhiễm biến thể Omicron được bảo vệ tốt hơn khỏi biến thể Delta và Beta…
Vào cuối năm 2021, các nhà khoa học đã báo cáo một biến thể mới của SARS-CoV-2, sẽ trở thành biến thể đáng quan tâm (VOC) thứ năm, theo tuyên bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Biến thể có tên Omicrom (B.1.1.529) đã gây ra làn sóng thứ 4 của Coronavirus ở Nam Phi và nhanh chóng trở thành chủng virus thống trị toàn cầu.
Mặc dù vẫn còn nhiều điều chưa biết, nhưng thực tế cho thấy, biến thể Omicron lây lan nhanh hơn so với các biến thể trước đó. Nó có vẻ ít gây ra bệnh nặng hơn ở hầu hết mọi người, nhưng khoảng 500.000 người trên toàn cầu đã tử vong do COVID-19 kể từ tháng 11 năm ngoái, khi Omicron xuất hiện.
Các nhà khoa học từ Nam Phi đã tiến hành một nghiên cứu xác định rằng, việc được tiêm vaccine chống lại COVID-19 và sau đó bị nhiễm trùng "đột phá" từ biến thể Omicron làm tăng khả năng bảo vệ chống lại các biến thể SARS-CoV-2 khác.
Nhóm các nhà khoa học hy vọng rằng kết quả nghiên cứu của họ có thể có ý nghĩa trong việc tạo ra thế hệ tiếp theo của vaccine COVID-19 dựa trên Omicron.
1. Kiểm tra phản ứng miễn dịch với biến thể Delta và Beta
Các nhà nghiên cứu Nam Phi đã sử dụng các mẫu máu của 7 cư dân Nam Phi đã được tiêm chủng và 20 người chưa được tiêm chủng, những người trước đó đã nhiễm COVID-19 trong đợt đại dịch Omicron. Trong số 7 người đã được tiêm chủng, có 2 người đã tiêm vaccine Johnson&Johnson và 5 người đã tiêm vaccine Pfizer.
Các nhà khoa học đã kiểm tra các mẫu máu để xem liệu việc tiếp xúc với biến thể Omicron có tạo ra kháng thể kích hoạt các phản ứng miễn dịch nhất định chống lại các biến thể Beta và Delta hay không. Đây được gọi là phản ứng dịch thể, nơi các tế bào nhất định trong phần huyết tương của máu học cách tạo ra kháng thể chống lại một kháng nguyên cụ thể. Kháng nguyên là một phân tử hoặc chất lạ khiến chúng tạo ra phản ứng miễn dịch.
GS Penny L. Moore, nhà virus học tại Đại học Witwatersrand ở Johannesburg (Nam Phi), tác giả nghiên cứu cho biết, chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu phản ứng miễn dịch đối với nhiễm trùng Omicron ở cả những người chưa từng bị nhiễm và đã được tiêm chủng, thấy rằng Omicron kích hoạt các phản ứng với chính nó tốt hơn so với các biến thể khác.
Trong quá trình nghiên cứu, nhóm các nhà khoa học nhận thấy những người được tiêm chủng đã có phản ứng dịch thể "được tăng cường đáng kể" chống lại các VOC khác. Đối với những người chưa được tiêm phòng, phản ứng dịch thể đối với các VOC khác trong các mẫu đó thấp hơn đáng kể.
2. Ảnh hưởng đến sự phát triển vaccine trong tương lai
Các nhà nghiên cứu cho biết, phản ứng dịch thể thấp hơn đối với VOC của những người không được tiêm chủng sau khi nhiễm Omicron có thể khiến họ dễ bị tái nhiễm với các biến thể cũ hơn.
Giáo sư Moore hy vọng rằng nghiên cứu của họ sẽ có tác động đến chiến lược phát triển vaccine mới cho Omicron, cũng như các biến thể trong tương lai. Dữ liệu cũng cho thấy vaccine đang được thiết kế dựa trên trình tự của Omicron có thể không nhất thiết phải vượt trội hơn so với các vaccine hiện tại.
Khi các biến thể đáng quan tâm tiếp tục xuất hiện trên toàn cầu, hiểu biết nhiều hơn về hiệu quả và khả năng bảo vệ của vaccine là cần thiết để duy trì các nguyên tắc về an toàn cho bệnh nhân, giảm tỷ lệ tử vong và cải thiện kết quả của bệnh nhân.
Đối với các bước tiếp theo của nghiên cứu này, GS Moore cho biết, nhóm của mình có kế hoạch tiếp tục cố gắng tìm hiểu phản ứng miễn dịch đối với Omicron khác với phản ứng được kích hoạt bởi các biến thể khác của SARS-CoV-2, vì điều này có ý nghĩa quan trọng đối với việc thiết kế vaccine.
Các nghiên cứu dịch tễ học trên diện rộng cũng hữu ích để đánh giá tác động lâu dài đối với bệnh nhân được tiêm chủng so với không được tiêm chủng, tương ứng với các biến thể cần quan tâm về vị trí địa lý, khả năng tiếp cận vaccine, kinh tế xã hội và sức khỏe cộng đồng để phát triển một cái nhìn tổng thể tốt hơn.
Tin nổi bật
- Các cách điều trị tăng sắc tố
02/07/2024 - 10:11:53
- 7 chất bổ sung nên tránh nếu bị huyết áp cao và tăng đường máu
01/07/2024 - 10:19:16
- Nguy cơ cắt cụt chân do không tuân thủ điều trị đái tháo đường
27/06/2024 - 09:51:57
- Một ngày, uống bao nhiêu vitamin E?
24/06/2024 - 10:54:09
- Các dạng đau nửa đầu và biện pháp điều trị
17/06/2024 - 10:39:17
- Suy dinh dưỡng dùng thuốc gì?
14/06/2024 - 09:56:02