Lưu ý khi dùng thuốc trị cảm cúm
Khi bị cảm cúm sẽ có các triệu chứng khó chịu như: đau đầu, sốt, ho, nghẹt mũi... Cảm cúm thường do virus nên không có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ có thuốc điều trị triệu chứng.
Việc sử dụng thuốc điều trị triệu chứng giúp bệnh nhân dễ chịu nên rất dễ lạm dụng. Do đó, khi nào nên dùng thuốc và cần lưu ý những gì là điều mà bạn cần phải biết.
Thuốc giảm đau, hạ sốt
Mệt mỏi, đau người, đau đầu và sốt... là dấu hiệu đặc trưng của cảm cúm. Khi các triệu chứng này trở nên khó chịu, sốt cao trên 38,50C thì nên dùng thuốc giảm đau, hạ sốt. Các thuốc thông dụng là paracetamol, ibuprofen... Các thuốc này nói chung đều an toàn để giảm đau, hạ sốt và hiệu quả cho những cơn đau nhức nhẹ và vừa.
Tuy nhiên, trước khi dùng, cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và chú ý đến liều lượng trên nhãn thuốc. Do paracetamol xuất hiện khá nhiều trong các sản phẩm thuốc điều trị cúm nên nguy cơ sử dụng cùng lúc vài loại thuốc có chứa paracetamol là rất cao. Việc dùng paracetamol hơn lượng được khuyến cáo có thể dẫn đến những vấn đề ảnh hưởng cho gan, làm tăng men gan.
Đối với ibuprofen, nếu lạm dụng có thể tăng nguy cơ xuất huyết dạ dày. Thuốc nên được uống sau ăn để giảm tối đa ảnh hưởng của thuốc lên dạ dày. Cần đọc kỹ thành phần của thuốc để đảm bảo không dùng các thuốc có cùng thành phần hoạt tính. Đối với người đã có tiền sử xuất huyết đường tiêu hóa thì không nên dùng ibuprofen.Thuốc cảm cúm có thể gây một số bất lợi, người dùng cần thận trọng.
Các thuốc chống nghẹt mũi
Khi bạn bị ngạt mũi, bạn nghĩ ngay đến một biện pháp để giúp bạn có thể hít thở một cách dễ dàng hơn. Một số loại thuốc có tác dụng co mạch, giúp thông mũi và giảm lượng chất nhày có trong mũi và khiến bạn dễ thở hơn. Chẳng hạn như nước muối sinh lý, thuốc chống dị ứng hoặc thuốc điều trị nghẹt mũi.
Nước muối sinh lý giúp vệ sinh mũi và làm giảm sự ngạt mũi. Chúng đặc biệt tốt cho trẻ nhỏ bởi vì nó giúp làm sạch chất nhày trong mũi mà không có tác dụng phụ. Trước khi sử dụng các thuốc khác, cần dùng nước muối sinh lý để vệ sinh sạch mũi. Nhỏ vài giọt vào hốc mũi (hoặc xịt dạng phun sương), sau đó cúi xuống và xì sạch dịch mũi. Thực hiện như vậy vài lần vào các buổi sáng, chiều, tối có tác dụng làm sạch mũi, làm loãng dịch tiết trong mũi và chống khô mũi. Các dịch tiết và bụi bẩn sẽ được tống ra khỏi mũi thông qua việc xì mũi, hắt hơi hoặc hút rửa mũi. Tuy nhiên, nên lưu ý vấn đề giữ vệ sinh các chai, lọ xịt nhỏ mũi, nhất là phần tiếp xúc với mũi để tránh nhiễm khuẩn ngược dòng vào chai lọ, khi đó, lần dùng tiếp theo vô tình đưa vi khuẩn này vào mũi khiến bệnh dai dẳng, kéo dài. Tốt nhất không nên dùng chung lọ xịt, nhỏ mũi.
Kháng histamin: Thuốc xịt mũi chống dị ứng như chlorpheniramin, promethazin, loratadine... là các kháng histamin H1 điển hình giúp giảm dịch tiết sẽ giảm chảy nước mũi và hắt hơi - triệu chứng thường xảy ra khi bị cảm cúm. Nhưng nhược điểm của thuốc là gây buồn ngủ (như chlorpheniramin, promethazin). Vì vậy, khi dùng thuốc, người bệnh cần tránh làm việc đòi hỏi sự tập trung, tỉnh táo như lái xe, làm việc trên cao... và không uống rượu khi đang dùng thuốc.
Thuốc co mạch: Thuốc điều trị nghẹt mũi thường được dùng là naphazolin, xylometazolin, oxymetazolin... Khi nhỏ thuốc vào niêm mạc mũi, các thuốc này có tác dụng làm co mạch tại chỗ, do đó giảm lưu lượng máu qua mũi giúp giảm sưng và sung huyết làm cho mũi hết ngạt và dễ thở tạm thời. Thuốc dùng tại chỗ có tác dụng nhanh, duy trì trong nhiều giờ. Hạn chế của thuốc này là không dùng kéo dài và không được dùng nhiều lần trong ngày (mỗi ngày chỉ nên nhỏ từ 2-3 lần và trong vòng 7 ngày) vì nếu dùng kéo dài sẽ gây tác dụng ngược, làm mũi bị nghẹt nhiều hơn. Thuốc cũng không nên dùng cho người bị tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, mạch nhanh, người bị viêm mũi mạn tính.
Điều trị ho
Ho là một trong những triệu chứng của cảm cúm. Thực tế, những thuốc ho không kê đơn không thể điều trị ho liên quan đến bệnh cúm nhưng chúng có thể làm dịu đi những cơn ho, giúp bạn dễ chịu hơn. Trước hết, bạn có thể uống trà mật ong ấm cũng có tác dụng làm dịu đi những cơn ho. Khi họng ngứa và rát, người bệnh có thể nhỏ từng giọt dung dịch mật ong và chanh cũng rất có hiệu nghiệm, nhưng cũng không nên lạm dụng dùng quá nhiều. Phương pháp này không dùng cho trẻ dưới 3 tuổi vì có nguy cơ sặc gây nghẹt thở.
Nếu cơn ho vẫn tiếp tục làm phiền, ảnh hưởng đến sinh hoạt hoặc gây mất ngủ thì thuốc ho không kê đơn như dextromethorphan hoặc guaifenesin có thể giúp bạn. Nếu vẫn không có dấu hiệu giảm ho hoặc ho liên tục trong nhiều tuần, gây khó thở hay bị sốt 5 ngày, bạn cần đến gặp bác sĩ để tìm nguyên nhân gây ho và có hướng điều trị thích hợp.
DS. Trần Văn Hưng
Tin nổi bật
- Các cách điều trị tăng sắc tố
02/07/2024 - 10:11:53
- 7 chất bổ sung nên tránh nếu bị huyết áp cao và tăng đường máu
01/07/2024 - 10:19:16
- Nguy cơ cắt cụt chân do không tuân thủ điều trị đái tháo đường
27/06/2024 - 09:51:57
- Một ngày, uống bao nhiêu vitamin E?
24/06/2024 - 10:54:09
- Các dạng đau nửa đầu và biện pháp điều trị
17/06/2024 - 10:39:17
- Suy dinh dưỡng dùng thuốc gì?
14/06/2024 - 09:56:02