Đề xuất mua dự trữ thuốc hiếm, chấp nhận hủy bỏ
Bộ Y tế đề xuất cho phép cơ sở khám chữa bệnh mua sắm, dự trữ một số thuốc chống độc, phòng ngộ độc, chấp nhận hủy bỏ khi không có bệnh nhân dẫn đến thuốc hết hạn.
Sáng 24/3, ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Cục trưởng Quản lý Dược, cho biết thông tin này tại cuộc họp báo, thêm rằng Bộ Y tế đang xây dựng Danh mục thuốc thiếu, nguy cơ thiếu để chủ động đảm bảo nguồn cung các thuốc này, trong bối cảnh gần đây thiếu thuốc giải độc botulinum.
Đề xuất trên là một trong nhiều cơ chế cho thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung, được Bộ Y tế trình Chính phủ phê duyệt. Bộ cũng đề xuất cho phép cơ chế đặc thù về tài chính như bố trí, phân bổ nguồn ngân sách nhà nước để các cơ sở khám chữa bệnh chủ động dự trù thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung. Khuyến khích các doanh nghiệp dược trong nước sản xuất thuốc hiếm để chủ động nguồn cung.
Bộ Y tế cũng đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc trong danh mục hiếm dù chưa có giấy đăng ký lưu hành, chưa đáp ứng đủ nhu cầu điều trị của cơ sở khám chữa bệnh; cho phép chuyển nhượng thuốc này giữa các cơ sở khám chữa bệnh. Quy trình phê duyệt, thẩm định cũng được ưu tiên, nhanh, chấp nhận hồ sơ kể cả khi dữ liệu chưa hoàn chỉnh theo quy định.
Hiện 214 loại thuốc phòng, chẩn đoán, điều trị bệnh hiếm gặp và 229 thuốc không sẵn có, được Bộ Y tế đưa vào Danh mục thuốc hiếm, thuốc không sẵn có.
Theo ông Dũng, việc mua sắm thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm được thực hiện bởi các cơ sở khám chữa bệnh theo quy định về mua sắm, đấu thầu thuốc. Về cơ bản, nguồn cung tổng thể thuốc hiếm là không thiếu, chỉ thiếu ở một số cơ sở y tế bởi khó khăn trong dự trù, xác định nhu cầu do phụ thuộc vào tình hình bệnh tật phát sinh của từng năm. Thời gian thực hiện mua sắm đấu thầu kéo dài dẫn đến thiếu tính kịp thời. Ngoài ra, một số thuốc hiếm được cơ sở y tế mua về không sử dụng hết do không có đủ bệnh nhân, phải hủy bỏ khi thuốc hết hạn.
Thuốc giải độc tố botulinum (BAT - Botulism Antitoxin Heptavalent), giá 8.000 USD/lọ, rất hiếm ở Việt Nam. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Thực tế này cũng được lãnh đạo các bệnh viện phản ánh, gây bị động trong điều trị bệnh nhân khi có nhu cầu. Ví dụ, thời gian qua, nhiều loại thuốc giải độc, chống độc rất thiếu ở Việt Nam. Đây là những thuốc thường ít khi bệnh nhân sử dụng, giá rất đắt nên các bệnh viện không dự trữ hoặc cần Bộ Y tế phê duyệt mua sắm. Điều này dẫn đến khi bệnh nhân có nhu cầu thì không có thuốc dùng, chậm trễ điều trị.
Đơn cử như vụ hàng chục người ngộ độc botulinum do ăn pate chay năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải tài trợ khẩn cấp 10 lọ thuốc giải độc từ Thụy Sĩ về Việt Nam cứu chữa bệnh nhân. Mới nhất là vụ 10 bệnh nhân ở Quảng Nam ngộ độc sau ăn cá muối chua, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy mang 5 lọ thuốc giải độc cuối cùng của cả nước đến hỗ trợ điều trị.
Ngày 23/3, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức đề xuất lập quỹ dự trữ thuốc hiếm do Bộ Y tế quản lý, nhằm dễ dàng điều phối đến các địa phương khi cần. "Các bệnh viện tránh việc mua thuốc lưu trữ nhưng không cần dùng đến, về lâu dài thuốc hết hạn phải tiêu hủy lại bị quy vào tội lãng phí", bác sĩ Thức nói.
Tại họp báo hồi tháng 10/2022, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết Bộ Y tế đang nghiên cứu, đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù về dự trữ một số loại thuốc hiếm, thuốc cần thiết cho điều trị bệnh hiếm gặp.
Bộ cũng đẩy mạnh cấp phép quản lý giá thuốc, trang thiết bị y tế, nhất là đối với thuốc hiếm. Đồng thời hoàn thiện thể chế về quản lý trang thiết bị y tế; khuyến khích doanh nghiệp dược trong nước sản xuất mặt hàng thuốc hiếm để chủ động nguồn cung.
Tin nổi bật
- Các cách điều trị tăng sắc tố
02/07/2024 - 10:11:53
- 7 chất bổ sung nên tránh nếu bị huyết áp cao và tăng đường máu
01/07/2024 - 10:19:16
- Nguy cơ cắt cụt chân do không tuân thủ điều trị đái tháo đường
27/06/2024 - 09:51:57
- Một ngày, uống bao nhiêu vitamin E?
24/06/2024 - 10:54:09
- Các dạng đau nửa đầu và biện pháp điều trị
17/06/2024 - 10:39:17
- Suy dinh dưỡng dùng thuốc gì?
14/06/2024 - 09:56:02