Căn bệnh đường mật do thói quen ăn uống khiến hàng nghìn người Việt mắc phải
Tỷ lệ người dân mắc sỏi mật rất cao. Đáng chú ý, các ca bệnh đến khám liên quan tới sỏi mật hầu hết ở giai đoạn muộn.
Tại Bệnh viện Việt Đức, mỗi năm, khoa Phẫu thuật Gan Mật khám cho hơn 3.000 người bệnh có các bệnh lý về gan mật, thực hiện gần 1.600 ca phẫu thuật về bệnh lý này. Điều đáng nói là hơn 1.000 ca trong số này liên quan đến sỏi mật.
Theo các bác sĩ, tỷ lệ người dân mắc sỏi mật rất cao, 90% các bệnh lý về sỏi đường mật trong và ngoài gan có liên quan bệnh lý về tụy và gan. Đáng chú ý, các ca bệnh đến khám tại Bệnh viện Việt Đức liên quan tới bệnh lý sỏi mật hầu hết ở giai đoạn muộn.
Vì đâu sỏi mật xuất hiện?
Bệnh sỏi mật là một bệnh về đường tiêu hóa do sự hình thành sỏi trong túi mật gây ra. Đây là một bệnh lý thường gặp, có khoảng 20% dân số trên thế giới từng mắc phải.
TS Đỗ Tuấn Anh - Trưởng khoa Phẫu thuật Gan mật, Bệnh viện Việt Đức - cho biết: Sỏi mật xuất hiện do chuyển hoá, đầu tiên sỏi ở trong lòng túi mật sau đó di chuyển vào ống mật chủ. Vì lý do nào đó không thể di chuyển tiếp sẽ tạo thành sỏi đường mật ngoài gan hoặc trong gan.
Các bác sĩ khoa Phẫu thuật Gan mật, Bệnh viện Việt Đức thăm khám, tư vấn cho người bệnh. Ảnh: CTXH
Nguy cơ tái phát sỏi trong những trường hợp này cao là do có can thiệp vào đường mật thì không thể tránh khỏi nhiễm trùng. Mỗi một lần nhiễm trùng thành đường mật sẽ không còn nhẵn khiến cho mật lưu thông không tốt sẽ gây ra sỏi.
Ở Việt Nam, sỏi mật chủ yếu gặp ở đường mật chính, trong đó sỏi trong gan chiếm tỉ lệ 20-56%. Có khoảng 20% dân số sẽ phát triển sỏi mật trong cuộc đời của mình, trong số đó có 20-30% phát triển thành các triệu chứng bệnh.
Triệu chứng điển hình của sỏi mật là gì?
Theo TS Đỗ Tuấn Anh, ở mỗi người, biểu hiện của sỏi mật không giống nhau nhưng một số triệu chứng điển hình của sỏi mật phải kể đến là:
- Đau hạ sườn phải: Cơn đau thường xảy ra ở hạ sườn bên phải hoặc vùng thượng vị lan lên vai phải và ra sau lưng. Tính chất đau thường âm ỉ hoặc dữ dội tùy theo vị trí sỏi xuất hiện.
- Sốt, ớn lạnh: Người bệnh sỏi mật có thể bị sốt, cảm lạnh do nhiễm trùng đường mật hoặc viêm túi mật. Người bệnh thường sốt cao trên 38 độ C kèm cảm giác rét run, vã mồ hôi nhiều sau khi cơn sốt hạ xuống.
- Rối loạn tiêu hóa: Một số bệnh nhân sỏi mật gặp triệu chứng sợ đồ dầu mỡ, ợ chua, đầy bụng, ăn không tiêu… Những triệu chứng này dễ nhầm sang một số bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, đau dạ dày nên nhiều người áp dụng cách điều trị không phù hợp.
- Vàng da: Tùy vào tiến triển của sỏi mật mà mức độ vàng da của người bệnh khác nhau. Triệu chứng này thường kèm theo hiện tượng ngứa nhiều. Tuy nhiên, khi có những triệu chứng đau kéo dài ở vùng mạn sườn phải: đau âm ỉ hoặc đau dữ dội lan ra sau lưng hoặc vùng thượng vị; sốt cao, vàng da, nước tiểu vàng… thì cũng là lúc bệnh sỏi mật gây biến chứng nặng.
Phòng bệnh sỏi mật phải làm gì?
Tỷ lệ bệnh sỏi mật vẫn còn rất cao tại Việt Nam. Đây là bệnh mắc phải do thói quen ăn kém vệ sinh, ăn thức ăn sống có nhiễm trùng. Tỷ lệ người dân ở nông thôn mắc bệnh sỏi đường mật còn nhiều do tình trạng nhiễm ký sinh trùng.
Trong khi đó, xu hướng gia tăng các bệnh lý sỏi túi mật ở người dân sống tại thành thị giống như một số nước phát triển do cuộc sống hiện đại mọi người thường ăn thức ăn đường phố, đồ ăn nhanh không đảm bảo vệ sinh nên tăng các ca bệnh mắc sỏi mật…
Cùng đó, việc mắc bệnh về chuyển hoá cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Nếu tình trạng viêm đường mật tái diễn nhiều lần, kéo dài… bệnh có thể tiến triển thành ung thư đường mật.
Để phòng bệnh sỏi mật, bác sĩ Đỗ Tuấn Anh khuyến cáo người dân nên ăn chín, uống sôi, tẩy giun định kỳ 6 tháng -1 năm. Khi phát hiện sỏi mật, polyp túi mật và bất thường cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám sớm.
Tin nổi bật
- Các cách điều trị tăng sắc tố
02/07/2024 - 10:11:53
- 7 chất bổ sung nên tránh nếu bị huyết áp cao và tăng đường máu
01/07/2024 - 10:19:16
- Nguy cơ cắt cụt chân do không tuân thủ điều trị đái tháo đường
27/06/2024 - 09:51:57
- Một ngày, uống bao nhiêu vitamin E?
24/06/2024 - 10:54:09
- Các dạng đau nửa đầu và biện pháp điều trị
17/06/2024 - 10:39:17
- Suy dinh dưỡng dùng thuốc gì?
14/06/2024 - 09:56:02