Các thuốc có thể gây khô mắt
Thuốc dẫn đến khô mắt bằng cách làm giảm số lượng nước mắt hoặc làm thay đổi sự kết hợp của các thành phần trong nước mắt, bao gồm:
Thuốc trị mụn
Việc sử dụng thuốc isotretinoin để trị mụn trứng cá nặng (gây ra mụn nang sâu và đau) sẽ giúp loại bỏ mụn trứng cá bằng cách giảm lượng dầu do các tuyến nhất định tạo ra. Nhưng một số tuyến trong số đó nằm trong mí mắt của bạn, dẫn đến nước mắt của bạn ít dầu hơn.
Thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị Parkinson và thuốc ngủ
Các thuốc này có đặc điểm chung là giúp ngăn chặn một số tín hiệu giữa các tế bào thần kinh. Điều đó rất hữu ích trong điều trị bệnh trầm cảm hoặc bệnh Parkinson, nhưng thuốc cũng có thể ngăn chặn các tín hiệu giúp cho mắt tiết nhiều nước mắt hơn.
Tuy nhiên, không phải tất cả các loại thuốc chống trầm cảm đều hoạt động theo cách này. Thuốc chống trầm cảm 3 vòng thì có, nhưng SSRI (thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc trên Serotonin) thì không hoạt động theo cách này. Mặc dù vậy, SSRIs cũng có thể gây khô mắt.
Một số thuốc có thể gây khô mắt.
Thuốc kháng histamine
Nếu bạn bị dị ứng với những thứ như phấn hoa, lông thú cưng hoặc nấm mốc, thuốc kháng histamine có thể giống như một cứu cánh. Thuốc ngăn chặn phản ứng của cơ thể với các tác nhân gây dị ứng và ngăn ngừa các triệu chứng phổ biến như ngứa, hắt hơi, chảy nước mắt và chảy nước mũi. Nhưng thuốc kháng histamin cũng có thể khiến mắt tiết ít nước mắt hơn. Điều đó có thể dẫn đến khô, kích ứng mắt.
Thuốc ngừa thai và các nội tiết tố khác
Hormone (được sử dụng trong thuốc tránh thai và liệu pháp thay thế hormone cho thời kỳ mãn kinh) cũng có thể gây khô mắt. Những phụ nữ chỉ dùng estrogen có nguy cơ bị khô mắt cao hơn nhiều so với những phụ nữ dùng cả estrogen và progesterone.
Mặc dù không chắc chắn chính xác lý do tại sao các hormone dẫn đến khô mắt, nhưng các nhà khoa học cho hay, có thể thuốc ảnh hưởng đến lượng nước đi vào nước mắt.
Thuốc huyết áp
Thuốc chẹn beta, một loại thuốc huyết áp phổ biến, có thể ngăn chặn phản ứng của cơ thể với hormone adrenaline. Điều đó giúp ích cho huyết áp của bạn vì nó làm chậm nhịp tim, sau đó làm giảm lực mà máu dồn vào động mạch.
Một trong những tác dụng phụ là cơ thể tạo ra ít hơn một trong những loại protein đi vào nước mắt. Điều đó dẫn đến ít nước mắt và khô mắt. Thuốc chẹn beta cũng có thể làm giảm áp suất bình thường trong mắt, ảnh hưởng đến lượng nước mắt.
Thuốc lợi tiểu là một loại thuốc khác được sử dụng trong điều trị huyết áp. Thuốc giúp cơ thể loại bỏ muối và nước, cũng có thể ảnh hưởng đến lượng nước mắt.
Các loại thuốc huyết áp khác, như thuốc ức chế ACE và thuốc chẹn alpha, thường không ảnh hưởng đến mắt.
Thuốc thông mũi
Việc sử dụng thuốc thông mũi có thể giúp giảm nghẹt mũi trong cảm lạnh, cúm hoặc dị ứng. Thuốc thông mũi giúp giảm sưng trong các mạch máu mũi, giúp mũi thông thoáng, dễ thở. Tuy nhiên, giống như thuốc kháng histamine, chúng cũng có thể khiến tiết ít nước mắt hơn.
Thuốc giảm đau
Mặc dù không thường xuyên xảy ra, nhưng ngay cả những loại thuốc giảm đau thông thường như thuốc chống viêm không steroid (ibuprofen), cũng có thể gây khô mắt. Aspirin thông thường không có tác dụng này, nhưng hãy nói chuyện với bác sĩ về những gì có thể tốt nhất cho bạn.
Các chuyên gia khuyên, không được ngừng dùng thuốc ngay lập tức. Bởi việc ngừng dùng thuốc có thể có những tác động có hại. Khi thấy có hiện tượng khô mắt, nên báo cho bác sĩ để được tư vấn về cách dùng: Thay đổi liều lượng thuốc. Một số thuốc ít gây khô mắt hơn nếu dùng với lượng thấp hơn; chuyển sang một loại thuốc khác không gây khô mắt. Nếu tình trạng khô mắt do thuốc khiến việc đeo kính áp tròng trở nên khó khăn hơn, thì một loại thấu kính khác có thể giúp giảm đau. Dùng nước mắt nhân tạo để giữ ẩm cho mắt.
DS. Thảo Đan
Tin nổi bật
- Các cách điều trị tăng sắc tố
02/07/2024 - 10:11:53
- 7 chất bổ sung nên tránh nếu bị huyết áp cao và tăng đường máu
01/07/2024 - 10:19:16
- Nguy cơ cắt cụt chân do không tuân thủ điều trị đái tháo đường
27/06/2024 - 09:51:57
- Một ngày, uống bao nhiêu vitamin E?
24/06/2024 - 10:54:09
- Các dạng đau nửa đầu và biện pháp điều trị
17/06/2024 - 10:39:17
- Suy dinh dưỡng dùng thuốc gì?
14/06/2024 - 09:56:02