6 loại thuốc khiến cơ thể dễ mất nước
Một số loại thuốc có thể trực tiếp hoặc gián tiếp khiến cơ thể chúng ta bị mất nước, nếu tình trạng nghiêm trọng, thậm chí có thể phải nhập viện.
Có nhiều nguyên nhân khiến cơ thể bị mất nước trong đó có việc sử dụng một số loại thuốc điều trị bệnh... Vì vậy, nếu người bệnh đang phải dùng bất kỳ loại thuốc nào trong số này, điều quan trọng là cần theo dõi các dấu hiệu khi cơ thể bị mất nước.
Thuốc nhuận tràng
Hầu hết những người bị táo bón được bác sĩ kê cho thuốc nhuận tràng, hay còn gọi là thuốc xổ. Thuốc xổ là loại thuốc quen thuộc nhưng không phải vì thế mà chúng ta sử dụng tùy tiện. Thuốc xổ (thuốc nhuận tràng) chứa các chất giúp tăng nhu động ruột, thúc đẩy cơ thể thải phân, làm mềm phân nên có tác dụng giảm táo bón tạm thời. Tuy nhiên, bằng cách tăng tốc độ đi tiêu, thuốc nhuận tràng có thể khiến cơ thể bạn thải ra quá nhiều nước, dẫn đến mất nước. Đó là lý do tại sao lạm dụng thuốc nhuận tràng là nguy hiểm.
Thuốc lợi tiểu
Thuốc lợi tiểu có tác dụng làm tăng sự đào thải muối và nước ở thận, làm giảm lượng nước trong hệ thống tuần hoàn cũng như nước ở các khoảng gian bào. Có nhiều loại thuốc lợi tiểu khác nhau. Thuốc lợi tiểu được sử dụng phối hợp với các nhóm thuốc khác trong điều trị tăng huyết áp. Thuốc lợi tiểu làm tăng đào thải nước tiểu, làm giảm lượng nước trong cơ thể qua đó làm hạ huyết áp. Và một trong những tác dụng phụ phổ biến của thuốc là làm cơ thể bị mất nước. Do đó, khi sử dụng thuốc, người bệnh cần uống nước đầy đủ và tuân thủ theo đúng liệu trình sử dụng thuốc do bác sĩ chuyên khoa chỉ định, nếu gặp phải tác dụng phụ này cần phải thông báo ngay.
Một số thuốc trị bệnh có thể gây mất nước.
Thuốc điều trị đái tháo đường
Metformin có hiệu quả trong việc điều trị đái tháo đường type 2. Thuốc làm giảm nồng độ glucose trong máu khi đói và sau bữa ăn và làm tăng việc sử dụng glucose ở tế bào và giảm sự hấp thu glucose ở ruột... Tuy nhiên tác dụng phụ của thuốc có thể gây tiêu chảy, khiến cơ thể mất nước. Tác dụng phụ này liên quan tới liều lượng, đặc biệt ở người phải sử dụng thuốc liều cao và thường xảy ra vào lúc bắt đầu điều trị nhưng thường là nhất thời. Có thể tránh các tác dụng phụ của thuốc bằng cách uống metformin vào các bữa ăn, tăng liều dần từng bước và nên uống bổ sung từng ngụm nước nhỏ.
Thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực
Lithium được sử dụng để điều trị các cơn hưng cảm do trầm cảm. Thuốc ngăn ngừa hoặc làm giảm cường độ của các cơn hưng cảm. Ngoài ra, lithium cũng có thể được sử dụng cho các mục đích khác theo chỉ định của bác sĩ. Nhưng việc uống thuốc cũng có thể khiến cơ thể người bệnh dễ bị mất nước, đặc biệt nếu bị nôn mửa hoặc tiêu chảy. Khi ở ngoài trời với ánh gắt, vận động cường độ mạnh cũng sẽ khiến người bệnh đổ mồ hôi nhiều hơn bình thường. Tình trạng mất nước có thể làm tăng một số tác dụng phụ của lithium. Do đó, người bệnh cần uống nhiều nước mỗi ngày để giữ cho cơ thể khỏi bị mất nước khi đang uống lithium. Hãy trao đổi với bác sĩ nếu bị đổ mồ hôi quá mức, bị sốt, ói mửa hoặc tiêu chảy nhiều hơn một vài giờ.
Thuốc hóa trị ung thư
Thuốc hóa trị thường được sử dụng để điều trị ung thư và những loại thuốc này đi kèm với một loạt các tác dụng phụ, bao gồm buồn nôn và nôn dẫn đến cơ thể bị mất nước. Tác dụng phụ tuỳ thuộc vào từng loại hoá chất và liều thuốc sử dụng. Vì vậy, tùy vào từng phác đồ điều trị hóa chất gây nôn, buồn nôn mạnh, vừa và yếu khác nhau; tùy từng cơ địa mỗi bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định cho các thuốc điều trị chống nôn khác nhau. Song song với việc điều trị chống nôn, bác sĩ sẽ dùng thêm các dung dịch nuôi dưỡng và bồi phụ nước điện giải cho người bệnh. Người bệnh cũng cần phải cố gắng và chịu khó uống nước hoa quả, dung dịch oresol và cố gắng ăn uống để đảm bảo sức khỏe khi cơ thể bị mất nước
Thuốc điều trị vẩy nến mảng bám
Apremilast (Otezla) là một viên thuốc giúp cải thiện bệnh vẩy nến từ trung bình đến nặng bằng cách nhắm mục tiêu vào một loại enzyme cụ thể làm giảm viêm. Một trong những tác dụng phụ phổ biến nhất của thuốc là tiêu chảy, có thể dẫn đến cơ thể bị mất nước, thậm chí có thể nghiêm trọng đến mức phải nhập viện. Theo nghiên cứu của nhà sản xuất thuốc, có đến 17% bệnh nhân báo cáo bị tiêu chảy khi sử dụng thuốc. Tuy nhiên, tiêu chảy sẽ biến mất trong 2 tuần đầu tiên. Vì vậy, hãy hỏi bác sĩ của bạn về tác dụng phụ này, để có giải pháp bù nước tốt nhất cho cơ thể.
DS. Vũ Thùy Dương
Tin nổi bật
- Các cách điều trị tăng sắc tố
02/07/2024 - 10:11:53
- 7 chất bổ sung nên tránh nếu bị huyết áp cao và tăng đường máu
01/07/2024 - 10:19:16
- Nguy cơ cắt cụt chân do không tuân thủ điều trị đái tháo đường
27/06/2024 - 09:51:57
- Một ngày, uống bao nhiêu vitamin E?
24/06/2024 - 10:54:09
- Các dạng đau nửa đầu và biện pháp điều trị
17/06/2024 - 10:39:17
- Suy dinh dưỡng dùng thuốc gì?
14/06/2024 - 09:56:02