Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương được thành lập ngày 8/3/2004 theo quyết định số 31/2004/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tiền thân của Viện là Viện Huyết học - Truyền máu thuộc Bệnh viện Bạch Mai được thành lập ngày 31/12/1984 theo quyết định số 1531/BYT - QÐ của Bộ Y tế trên cơ sở là khoa Huyết học - Truyền máu và Khoa Lâm sàng bệnh máu (C5) thuộc Bệnh viện Bạch Mai.
- Viện đã được Bộ Y tế phê duyệt chức năng, nhiệm vụ tại Quyết định số 1261/QĐ-BYT, ngày 09 tháng 4 năm 2004 của Bộ Trưởng Bộ Y tế ban hành Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.
Chức năng
Viện là tuyến cao nhất trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh, phòng bệnh về chuyên khoa huyết học và tổ chức công tác truyền máu; nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ khoa học kỹ thuật; đào tạo, đào tạo bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực y tế; chỉ đạo tuyến và hợp tác quốc tế về lĩnh vực chuyên khoa huyết học và truyền máu; tổ chức các dịch vụ y tế khác phù hợp với khả năng của Viện theo quy định của pháp luật.
Nhiệm vụ
1. Tham mưu trình cấp có thẩm quyền đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác tổ chức, chỉ đạo, quản lý, chuyên môn về lĩnh vực huyết học, truyền máu và tế bào gốc.
2. Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển từng giai đoạn và kế hoạch hoạt động hằng năm của Viện trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện.
3. Công tác khám bệnh, chữa bệnh:
a, Tổ chức cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, tư vấn phòng bệnh về lĩnh vực huyết học và truyền máu theo đúng phạm vi chuyên môn trong giấy phép hoạt động của Viện và quy chuẩn chuyên môn, quy chuẩn kỹ thuật; nghiên cứu, áp dụng, mở rộng quy mô, phạm vi hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo đúng quy định của pháp luật để phục vụ nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân;
b, Tiếp nhận các đối tượng khi có nhu cầu khám bệnh, cấp cứu, tư vấn sức khỏe; điều trị nội trú, ngoại trú các trường hợp bệnh nhân thuộc chuyên khoa huyết học, theo dõi quản lý bệnh nhân theo đúng quy định;
c, Phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức khám bệnh, chữa bệnh dịch vụ và nhân đạo theo quy định của pháp luật;
d, Phục hồi chức năng sau điều trị và phục hồi chức năng tại cộng đồng.
4. Công tác phòng bệnh:
a, Xây dựng kế hoạch, chiến lược và tổ chức phòng chống bệnh bẩm sinh di truyền, đặc biệt là bệnh Thalassemia (Bệnh lý thiếu máu tan máu bẩm sinh di truyền) và bệnh Hemophilia (Bệnh ưa chảy máu) đang làm tổn hại lớn lao đến sức khỏe của nhân dân;
b, Phối hợp cùng với các cơ quan trong và ngoài ngành y tế thực hiện công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cho nhân dân để phòng chống bệnh dịch, bệnh lây truyền qua đường máu, tai nạn thương tích, tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt; vận động nhân dân khám sức khỏe định kỳ phát hiện sớm để điều trị đề phòng thiếu máu, thiếu sắt nói riêng và các bệnh máu nói chung;
c, Thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền.
5. Công tác truyền máu và tế bào gốc:
a, Xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động nhằm có nguồn máu, các sản phẩm máu, tế bào gốc an toàn bảo đảm cho nhu cầu cấp cứu, điều trị bệnh nhân, chăm sóc sức khỏe nhân dân và nhu cầu dự trữ cho thảm họa, an ninh, quốc phòng;
b, Phối hợp với Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các cơ quan, tổ chức có liên quan vận động nhân dân tình nguyện hiến máu, hiến các thành phần máu, hiến tế bào gốc;
c, Tổ chức khám tuyển chọn, tiếp nhận, xét nghiệm sàng lọc, điều chế để có nguồn máu, các sản phẩm máu và tế bào gốc an toàn;
d, Tổ chức bảo quản, phân phối máu, các sản phẩm máu và tế bào gốc kịp thời cho nhu cầu cấp cứu, điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân và dự trữ cho thảm họa, an ninh, quốc phòng.
6. Công tác nghiên cứu khoa học:
a, Tổ chức triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, ứng dụng những tiến bộ khoa học và công nghệ để phục vụ việc khám bệnh, chữa bệnh, phòng bệnh, phục hồi chức năng;
b, Tham gia đăng ký tuyển chọn và tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật;
c, Tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ; nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh; Tham gia nghiên cứu những vấn đề liên quan đến sức khỏe của người dân tại địa phương và trong cả nước; thực hiện dịch vụ khoa học công nghệ theo quy định của pháp luật;
d, Đăng ký và được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật;
e, Thực hiện các chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học với các tổ chức các nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật;
7. Đào tạo, đào tạo bồi dưỡng nhân lực y tế:
a, Là cơ sở để đào tạo và tham gia đào tạo thực hành nhân lực y tế về lĩnh vực huyết học và truyền máu: đào tạo sau đại học, đại học, cao đẳng, trung cấp và các hình thức đào tạo khác khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép;
b, Tổ chức đào tạo, đào tạo bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới cho bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên y và các đối tượng khác có nhu cầu về lĩnh vực chuyên khoa huyết học, truyền máu và tế bào gốc;
c, Phối hợp với các cơ sở đào tạo nhân lực y tế khác để đào tạo cán bộ chuyên khoa huyết học, truyền máu và tế bào gốc;
d, Chủ trì hoặc phối hợp tham gia biên soạn, in ấn, phát hành tài liệu đào tạo chuyên khoa huyết học, truyền máu và tế bào gốc.
8. Công tác chỉ đạo tuyến:
a, Chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát, kiểm tra, đánh giá hoạt động quản lý chất lượng việc thực hiện các quy định, tiêu chuẩn chuyên môn của các cơ sở y tế trong toàn quốc về lĩnh vực huyết học, truyền máu; tham gia các đoàn đánh giá chất lượng hoạt động chuyên ngành huyết học, truyền máu theo phối hợp liên ngành do các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan khác tổ chức;
b, Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện hoạt động nội kiểm xét nghiệm nhằm kiểm soát chất lượng xét nghiệm trong lĩnh vực huyết học, truyền máu trong khu vực được phân công;
c, Thực hiện các chương trình ngoại kiểm đánh giá chất lượng các phòng xét nghiệm chuyên khoa trên toàn quốc; thực hiện các chương trình so sánh, đánh giá liên phòng xét nghiệm ở các cơ sở y tế trong lĩnh vực huyết học, truyền máu;
d, Thực hiện việc chỉ đạo tuyến, chuyển giao, hỗ trợ các kỹ thuật chuyên môn và theo dõi, giám sát các hoạt động chuyên khoa ở các cơ sở y tế được Bộ Y tế phân công;
đ, Chủ động phối hợp và tham gia với các cơ sở y tế tổ chức triển khai các chương trình, dự án y tế liên quan;
e, Chủ động phối hợp xây dựng kế hoạch, tổ chức và bảo đảm hiệu quả hoạt động chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật đáp ứng nhu cầu và hỗ trợ về lĩnh vực chuyên khoa cho các cơ sở y tế và các tổ chức, đơn vị, cá nhân có nhu cầu;
g, Hướng dẫn an toàn truyền máu lâm sàng gồm: Sử dụng hợp lý máu và các sản phẩm máu, lập kế hoạch nhu cầu sử dụng máu của bệnh viện, theo dõi giám sát công tác an toàn truyền máu, cảnh cáo nguy cơ truyền máu.
9. Hợp tác quốc tế:
a, Xây dựng kế hoạch và chủ động hợp tác với các nước trên thế giới để học tập, trao đổi kinh nghiệm, nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ, xây dựng các dự án đầu tư liên doanh, liên kết, huy động các nguồn lực nhằm phát triển về khoa học và quản lý trong lĩnh vực huyết học và truyền máu theo đúng các quy định của pháp luật;
b, Xây dựng kế hoạch, tổ chức và quản lý đoàn ra, đoàn vào theo chương trình hợp tác quốc tế của Viện; cử cán bộ, viên chức, học viên đi học tập, nghiên cứu, công tác ở nước ngoài; hợp tác trao đổi và tiếp nhận giảng viên, học viên là người nước ngoài đến nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm và học tập tại Viện theo quy định của pháp luật;
c, Tổ chức các hội nghị, hội thảo, các lớp học quốc tế về các lĩnh vực thuộc phạm vi của Viện quản lý theo quy định của pháp luật.
10. Quản lý đơn vị:
a, Quản lý toàn bộ hoạt động của Viện theo đúng các quy định của pháp luật;
b, Quản lý và sử dụng có hiệu quả cá nguồn lực của đơn vị bao gồm: Nguồn nhân lực, tài chính, tài sản và chương trình khoa học công nghệ của Viện theo quy định hiện hành của pháp luật;
c, Thực hiện tự chủ về tổ chức và tài chính theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ Y tế.
11.Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.