Một số bệnh nhân, thân nhân có con em mắc bệnh tan máu bẩm sinh phản ứng vì bệnh viện đổi thuốc biệt dược gốc của Thụy Sĩ sang thuốc sản xuất theo công thức.
Tuần qua, một số bệnh nhân (BN) và thân nhân có con em đang mắc căn bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia, hay còn gọi là bệnh thiếu máu) đã họp nhau và gặp lãnh đạo Bệnh viện (BV) Truyền máu huyết học TP.HCM phản ánh việc không đồng ý BV thay thế từ thuốc biệt dược gốc của Thụy Sĩ sang thuốc generic (thuốc sản xuất theo công thức) do VN sản xuất. Lý do, BN và thân nhân cho rằng thuốc VN sản xuất có quá nhiều tác dụng phụ nên không yên tâm.
Ông N.V.H (ngụ Q.Gò Vấp) phản ánh con ông bị căn bệnh trên đã 20 năm, đã truyền máu và uống thuốc thải sắt ngần ấy thời gian. 3 năm qua BV cấp cho con ông thuốc Exjade 250 mg (do Hãng Novartis, Thụy Sĩ sản xuất); bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả 100%; con ông uống cơ thể rất tốt. Hai tuần qua, BV Truyền máu huyết học TP.HCM thông báo thuốc Exjade đã hết và được thay thế bằng thuốc Duritex 500 mg do một công ty đăng ký và sản xuất tại VN.
“Tôi đọc thấy thuốc VN có tác dụng phụ. Nếu uống không hợp thì có thể bị ói ra máu phải đi cấp cứu, nếu không xử lý được sẽ tử vong. Thuốc chống chỉ định cho người tim, gan có sắt nhưng những BN truyền máu thì BN nào tim gan không có sắt? Như vậy làm sao tôi dám cho con uống”, ông H. đặt vấn đề.
Anh Đ.Q.Đ (ngụ Q.10) có con bị bệnh thiếu máu 10 năm cũng bày tỏ sự nghi ngờ thuốc mới nên chưa dám nhận cho con uống.
Còn chị T. (ngụ Đồng Nai) có 2 con bị bệnh, cho biết hiện chị còn gần 200 viên thuốc Exjade nên chưa vội nhận thuốc khác cho con uống. Khi nào con uống hết thuốc Exjade thì chị tính tiếp.
Cũng theo người nhà của những bệnh nhân nói trên, thuốc Exjade được BHYT thanh toán 80% hoặc 100% theo quy định. Có trường hợp 3 năm qua BHYT thanh toán riêng tiền thuốc Exjade là gần 1,5 tỉ đồng.
Bác sĩ khuyên “yên tâm điều trị”
Một số bệnh nhân cho rằng thuốc Duritex (VN) quá nhiều tác dụng phụ nhưng bệnh viện khẳng định thuốc Duritex và thuốc ngoại nhập Exjade tác dụng phụ như nhau
Bác sĩ (BS) CKII Phù Chí Dũng, Giám đốc BV Truyền máu huyết học TP.HCM, giải thích 2 loại thuốc Exjade và Duritex đều là thuốc thải sắt có cùng hoạt chất là Deferasirox thường được chỉ định cho BN bị quá tải sắt do truyền máu thường xuyên. Cả hai loại thuốc trên đều được Cục Quản lý dược cấp phép lưu hành tại VN. Vì là thuốc ngoại nhập nên Exjade có giá thành cao hơn Duritex. Ngoài hiệu quả thải sắt thì các thuốc thải sắt nói chung (không phải riêng nhóm Deferasirox) đều có thể có các tác dụng không mong muốn kèm theo. Tuy nhiên không phải BN nào cũng bị tác dụng không mong muốn và một số BN có thể dung nạp với các tác dụng phụ này sau khi dùng thuốc một thời gian ngắn.
“Riêng với hai loại thuốc này thì tác dụng phụ là gần như nhau. Về phương diện điều trị, khi BN xuất hiện phản ứng bất lợi từ thuốc nào thì nên báo với BS điều trị để điều chỉnh liều cũng như chuyển đổi phương hướng điều trị nếu cần thiết”, BS Dũng nói.
Về vấn đề vì sao đang cho BN sử dụng biệt dược gốc lại bất ngờ chuyển sang thuốc generic, theo BS Dũng, năm 2018, BV thực hiện đấu thầu cả hai thuốc trên theo kế hoạch thầu được Sở Y tế TP phê duyệt với số lượng 99.250 viên Exjade và 21.000 viên Duritex. Vì Exjade trúng thầu vào tháng 5.2018, nên được đưa vào sử dụng trước. Hiện tại, số lượng thuốc Exjade BV mua sắm theo thầu đã hết và chỉ còn lại Duritex (Duritex trúng thầu tháng 9.2018). BS Dũng cho rằng, vì thuốc Duritex xuất hiện trên thị trường sau Exjade nên BN vẫn còn chưa quen thuộc với loại thuốc này.
“Hai loại thuốc trên cùng được thanh toán BHYT và cùng có hiệu quả điều trị thải sắt, đều được cấp phép lưu hành và quan trọng hơn là Duritex có giá thành thấp hơn Exjade. Với BN Thalassemia, việc điều trị truyền máu và thải sắt gắn liền cả đời thì việc tiết kiệm chi phí điều trị là một điều hết sức ý nghĩa”, BS Dũng khẳng định.
BS Dũng cho biết thêm, từ tháng 3.2019 đến nay, BV đã chỉ định và cấp phát 2.417 viên thuốc Duritex cho 170 BN nhưng chưa thấy BN nào phản hồi về việc có tác dụng phụ.
Đại diện BHXH TP.HCM cho hay, theo quy định đấu thầu, các BV chỉ được sử dụng 30% thuốc biệt dược, còn lại là generic nhưng phải đảm bảo chuyên môn. Trong những trường hợp nặng cần sử dụng biệt dược gốc thì phải dùng biệt dược. |
Tính toán để khỏi vượt trần, vượt quỹ
Liên quan vấn đề trên, đại diện Sở Y tế TP cho rằng khi đấu thầu mua thuốc, giám đốc các BV cân đối tự chủ tài chính để mua thuốc biệt dược gốc và thuốc generic, thông thường thuốc biệt dược gốc chiếm 30%. Tuy nhiên, các BV cần phải đảm bảo chuyên môn trong những bệnh lý nặng cần phải dùng biệt dược gốc để đáp ứng điều trị. Còn thuốc generic có 3 nhóm. Hiện nay có 2 nhóm chất lượng, hiệu quả điều trị cao được sản xuất ở các nước tiên tiến, nhưng rẻ hơn, đáp ứng điều trị các bệnh lý mạn tính. Còn nhóm thuốc generic thứ 3 sản xuất trong nước đáp ứng tốt với những bệnh lý dùng kháng sinh, giảm đau, hạ sốt và hiện hầu hết BV đều sử dụng.
“Với BN tham gia BHYT, tùy theo việc chẩn đoán, BS đưa ra phác đồ và đánh giá hiệu quả từng BN cụ thể để quyết định chuyên môn dùng thuốc ra sao. Nếu BN nào cũng đòi sử dụng biệt dược gốc thì BV sẽ không đáp ứng nổi. Tuy nhiên, dù dùng thuốc gì đi nữa thì thuốc đó phải trúng thầu, đảm bảo yêu cầu điều trị. Nhưng giám đốc BV sẽ tính để khỏi vượt trần, vượt quỹ do khống chế trong việc thanh toán BHYT. Ngành y tế luôn sử dụng thuốc tốt, thuốc biệt dược cho BN”, đại diện Sở Y tế nói.
Duy Tính