Xoa bóp bàn chân chữa nhiều bệnh hiệu quả
Do đại não và các cơ quan khác trong cơ thể đều có một khu phản ánh riêng trên bàn chân, nên khi tác động vào huyệt vị tương ứng với tạng phủ nào thì sẽ gây phản xạ kích thích làm hưng phấn và nâng cao năng lực hoạt động của tạng phủ đó.
Ví như ở lòng bàn chân có một huyệt rất quan trọng là huyệt dũng tuyền. Sách Tu linh yếu chỉ viết: xoa bóp huyệt dũng tuyền có thể giúp “tiêu trừ khí ẩm, củng cố chân dương và làm mạnh nguyên khí”. Các thí nghiệm của y học hiện đại đã chứng minh: xoa bóp huyệt dũng tuyền có thể làm hạ huyết áp, giảm đau đầu, hoa mắt và cải thiện giấc ngủ... Xoa bóp huyệt này giúp phòng chống chứng suy dinh dưỡng, gầy sút ở người già, tê cứng chân và phù thũng. Vì thế, trong dân gian có câu: “Trước khi ngủ ngâm rửa chân bằng nước ấm còn tốt hơn cả uống thuốc bổ”.
Mối liên quan mật thiết của bàn chân tới lục phủ ngũ tạng
Theo học thuyết kinh lạc của Đông y, ngón chân cái là đường nối thông giữa 2 đường kinh can và tỳ. Xoa bóp ngón chân cái có thể làm cho gan được thoải mái, khỏe lá lách, tăng sự thèm ăn, phòng và điều trị các chứng táo bón, đau hạ sườn phải. Ngón chân út thuộc vào kinh bàng quang, xoa bóp ngón chân này có thể điều trị chứng đái dắt ở trẻ nhỏ, giúp chỉnh lại tử cung phụ nữ khi bị ngả về phía trước hoặc phía sau. Xoa bóp phần giữa ngón chân út có hiệu quả rõ rệt trong điều trị các chứng mất ngủ, rụng tóc. Xoa bóp phần đốt dài của ngón chân thứ tư có thể giúp trị liệu chứng nổi mụn nhiều ở mặt. Xoa bóp phần da và phần mặt bên trong của đoạn ngắn ngón chân út sẽ có thể làm cho lặn bớt các sắc tố ở phần mặt gây tàn nhang, nám má. Xoa bóp ngón chân thứ hai và phần đốt dài của ngón chân giữa có thể giúp tăng cường chức năng của các tuyến nội tiết...
Day bấm huyệt túc lâm khấp giúp hạ huyết áp, dưỡng thận, giảm đau khớp.
Cách day bấm huyệt ở bàn chân nâng cao sức khỏe
Tư thế ngồi, chân trái đặt lên trên đầu gối chân phải, tay trái giữ bàn chân, tay phải áp sát vào gan bàn chân xoa và xát theo chiều dọc cho bàn chân sẽ nóng dần lên là đạt yêu cầu. Sau đó dùng ngón tay cái và ngón trỏ bóp nhẹ các ngón chân, bóp dần xuống đến gót khoảng 5 phút. Dùng ngón tay trỏ day ấn vào huyệt dũng tuyền; để đầu ngón tay cái vuông góc với gan bàn chân, ấn vào thấy tức là được, day nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ, sau đó đổi chân, cũng làm như vậy.
Tiếp theo, chân trái co lại, gấp đầu gối, bàn chân để áp bằng trên ghế. Dùng lòng bàn tay phải áp lên mu bàn chân, tay trái xoa dọc lên khớp cổ chân 30 lần. Sau đó dùng ngón tay cái và trỏ (hai tay) bóp nhẹ các ngón day vào kẽ ngón chân 5 phút, ấn dọc lên mu chân theo từng ngón, vỗ nhẹ lên mu chân.
Dùng ngón cái ấn huyệt giải khê, huyệt thái xung, huyệt túc lâm khấp; ấn khoảng 1 phút cho mỗi huyệt, sau đó đổi chân, cũng làm như vậy.
Thời gian xoa bóp khoảng 20 phút/lần. Ngày 2 lần.
Công dụng: Thúc đẩy, lưu thông khí huyết, cải thiện trao đổi chất, hạ huyết áp, bổ thận, giúp xương khớp mềm dẻo, tăng cường sức đề kháng, nâng cao sức khỏe.
Huyệt dũng tuyền: Bạn co bàn chân và các ngón chân lại. Dưới bàn chân có một điểm lõm xuống, cách trước gan bàn chân. Vị trí lõm đó chính là huyệt dũng tuyền.
Huyệt giải khê: chỗ lõm trên nếp gấp trước khớp cổ chân, giữa 2 gân cơ cẳng chân trước và gân cơ duỗi dài ngón chân cái.
Huyệt thái xung: sờ dọc đốt xương bàn chân, góc tạo nên bởi đầu xương của ngón chân 1 và ngón chân 2 chính là huyệt này.
Huyệt túc lâm khấp: Chỗ lõm phía trước khớp xương bàn - ngón chân thứ 4 - 5.
BS. Thanh Hà
Tin nổi bật
- Bài tập tốt cho người bạch tạng
01/07/2024 - 09:57:44
- Biện pháp khắc phục chứng buồn ngủ ban ngày
28/06/2024 - 10:03:55
- Đi bộ có thể giúp giảm đau lưng?
27/06/2024 - 09:42:43
- 5 bài tập giúp tăng sức mạnh trí não
26/06/2024 - 14:51:43
- Quất hồng bì vào mùa, cách sử dụng đúng có lợi cho sức khỏe
24/06/2024 - 10:51:23
- Bài tập giảm triệu chứng cho người bệnh áp xe hậu môn
20/06/2024 - 10:16:19