Sử quân tử - Vị thuốc kiện tỳ, trừ giun sán
Sử quân tử còn có tên khác: cây quả giun, quả nấc, sứ quân tử. Sử quân tử là nhân hạt chín già khô của cây sử quân tử (Quisqualis indica L.), thuộc họ bàng (Combretaceae).
Sử quân tử chứa dầu béo (21-22%), có tác dụng tẩy giun. Ngoài ra còn có chất gôm, chất hữu cơ, chất đường, acid hữu cơ... Theo Đông y, sử quân tử vị ngọt, tính ôn; vào kinh tỳ và vị. Có tác dụng trị giun sán, kiện tỳ. Chữa chứng cam trẻ em, khỏe tỳ vị, khỏi chứng tả lỵ, lở ngứa..., chữa đau nhức răng. Ngày dùng 4-16g. Khi dùng, bóc bỏ lớp vỏ già, vỏ lụa, lấy nhân hạt. Kinh nghiệm dân gian dùng chữa giun đũa với liều 3-5 nhân hạt với trẻ em; 10 nhân hạt với người lớn, tối đa không quá 20g.
Sử quân tử tác dụng trị giun sán, kiện tỳ, là vị thuốc tốt cho trẻ em bị giun, gầy còm, kém ăn, ăn không tiêu,…
Sử quân tử được dùng trị các chứng bệnh:
Trị giun, tiêu tích: Dùng trị giun đũa gây đau bụng, giun kim ngứa hậu môn.
Bài 1: sử quân tử nhục sao vàng. Người lớn mỗi lần 10-20 hạt; trẻ em mỗi tuổi 1,5 hạt nhưng không quá 20 hạt. Ăn trước khi đi ngủ, mỗi ngày 1 lần, ăn liền trong 3 ngày. Sau khi ăn 2-3 giờ, nên uống 1 liều thuốc tẩy. Trị giun đũa ở ruột.
Bài 2: sử quân tử 12g, hạt cau 12g, chỉ xác 12g, vỏ xoan 12g, ô mai 4g, quảng mộc hương 8g. Sắc uống. Trị giun chui ống mật gây bụng trên đau thắt.
Bài 3: sử quân tử nhục 8g, đại hoàng 8g, hoàng cầm 8g, vỏ lựu 16g, hạt cau 16g, cam thảo 4g. Các vị nghiền chung thành bột mịn, mỗi lần uống 12g, trẻ em uống giảm liều. Trị giun kim, ngứa hậu môn, đại tiện táo.
Kiện tỳ, trị cam: Dùng cho trẻ tỳ hư, cam tích.
Bài 1- Bột sử quân tử: sử quân tử 12g, kha tử 12g, trần bì 6g, hậu phác 8g, cam thảo 4g. Sắc uống. Trị trẻ em cam tích, đau bụng, tiêu chảy, không chịu ăn sữa.
Bài 2- Hoàn phì nhi: sử quân tử 20g, mầm mạch 10g, nhục đậu khấu 10g, hồ hoàng liên 20g, thần khúc 20g, mộc hương 4g, binh lang 10g. Các vị nghiền chung thành bột mịn, làm hoàn, mỗi lần uống 4g, ngày uống 2 lần. Trẻ dưới 1 tuổi giảm bớt liều, chiêu với nước đun sôi còn ấm. Trị trẻ em tỳ hư cam tích.
Bài 3 - Bột cam tích: sử quân tử (sao vàng) 2 phần, cốc nha (mầm lúa) 1 phần. Các vị sấy khô, tán bột (có thể thêm đường đóng thành bánh). Ngày uống 1-2 thìa cà phê bột thuốc (nên hòa với nước cháo hay mật ong). Dùng cho trẻ em nhiễm giun, gầy còm, kém ăn, ăn không tiêu, vàng da, miệng hay chảy nước dãi. Nếu có hiện tượng nấc thì giảm bớt liều lượng.
Kiêng kỵ: Thuốc này nên loại bỏ vỏ lụa và 2 đầu nhọn; uống nhiều hoặc uống cùng với nước chè sẽ gây nấc, váng đầu, nôn và buồn nôn, do đó kiêng uống nước chè.
TS. Nguyễn Đức Quang
Tin nổi bật
- Bài tập tốt cho người bạch tạng
01/07/2024 - 09:57:44
- Biện pháp khắc phục chứng buồn ngủ ban ngày
28/06/2024 - 10:03:55
- Đi bộ có thể giúp giảm đau lưng?
27/06/2024 - 09:42:43
- 5 bài tập giúp tăng sức mạnh trí não
26/06/2024 - 14:51:43
- Quất hồng bì vào mùa, cách sử dụng đúng có lợi cho sức khỏe
24/06/2024 - 10:51:23
- Bài tập giảm triệu chứng cho người bệnh áp xe hậu môn
20/06/2024 - 10:16:19