Phèn chua sát khuẩn, giải độc
Phèn chua có tên khoa học là alumen, sulfat alumino potassicus, đó là loại muối có tinh thể to nhỏ không đều...
Phèn chua có tên khoa học là alumen, sulfat alumino potassicus, đó là loại muối có tinh thể to nhỏ không đều, không màu hoặc trắng, cũng có thể trong hay hơi đục. Phèn chua tan trong nước, không tan trong cồn, khi nung nóng lên sẽ xốp nhẹ gọi là khô phàn hay phàn phi. Phèn chua không gây độc hại, nếu sử dụng phèn chua với liều lượng theo công thức pha chế thông thường thì ngoài tác dụng làm trong nước, phèn chua còn được dùng làm thuốc, cả trong Đông y và Tây y.
Phèn chua phi trị hôi nách.
Theo Đông y, phèn chua có vị chua, tính hàn, không độc, vào kinh tỳ, có tác dụng táo thấp, giải độc, sát khuẩn, làm hết ngứa, dưới dạng khô phàn làm thuốc thu liễm, cầm máu, dùng chữa nóng trong, chế luyện làm thuốc chữa đau răng, đau mắt, lỵ, cầm máu tại chỗ hoặc khi ho ra máu và xuất huyết. Sau đây là kinh nghiệm dùng phèn chua chữa bệnh rất đơn giản, dễ làm để bạn đọc tham khảo và áp dụng:
Chữa hắc lào: phèn chua phi 4 phần, hàn the nung 1 phần. Hai vị tán nhỏ, rây mịn, trộn lẫn cho vào lọ đậy kín, dùng dần. Rửa sạch nơi bị hắc lào, chấm nước lá trầu không, sau đó rắc thuốc bột trên lên bề mặt nơi bị tổn thương, ngày hai lần cho đến khi khỏi hẳn.
Chữa hôi nách
Phèn chua phi, tán nhỏ, rây mịn cho vào lọ nút kín, dùng dần. Tắm hoặc rửa nách thật sạch bằng xà phòng. Sau khi nách khô dùng bột mịn này xoa đều lên vùng nách.
Hoặc: lấy khoảng 50g phèn chua đã bị giã nhỏ cho vào nồi nung. Sau đó, nung đều cho đến khi cạn nước, trở thành phèn xốp. Cuối cùng, lấy phèn xốp chà đều lên vùng bị hôi nách.
Vì hôi nách là bệnh do tuyến mồ hôi nên không thể khỏi hẳn được, phải bôi thuốc thường xuyên sau mỗi lần tắm rửa. Nếu bôi đều đặn, sẽ không khi nào có mùi.
Chữa rắn cắn, giải độc: Phèn chua phi, cam thảo 2 vị bằng nhau, tán nhỏ, mỗi lần uống 3 - 6g, ngày uống 2 - 3 lần. Tuy nhiên cần đưa bệnh nhân đi bệnh viện điều trị càng sớm càng tốt.
Chữa viêm dạ dày, ruột cấp, mạn tính: Phèn chua phi: 100g, tán nhỏ, rây mịn, cho vào lọ nút kín, dùng dần. Ngày uống 0,5 - 1g chia làm nhiều lần.
Chữa chốc đầu:
Thuốc bôi ngoài: Phèn chua phi: 4 phần, hàn the nung: 1 phần.
Hai vị tán nhỏ rây mịn, trộn lẫn, cho vào lọ đậy kín, dùng dần. Gội đầu bằng nước tro bếp, sau đó lau khô. Lấy một nắm lá trầu không thêm một dúm muối, giã nát, bọc vào miếng vải sạch, chấm lên nơi đầu bị chốc cho bong hết vẩy và rửa hết mủ bên trong da đầu, sau đó rắc bột nói trên lên vùng tổn thương, ngày 2 - 3 lần, nếu để có mủ phía trong, rắc bột phía ngoài sẽ không có tác dụng.
Kết hợp với bài thuốc uống trong: Huyền sâm 12g, kim ngân hoa 8g, sâm đại hành 8g, hạ khô thảo 8g, ké đầu ngựa 10g, thổ phục linh 12g, nhân trần 10g, mạch môn 8g, cam thảo 8g.
Tất cả cho vào ấm đất với 3 bát nước, sắc còn một bát, chia 2 lần uống trong ngày.
BS. Nguyễn Đức Kiệt
Tin nổi bật
- Bài tập tốt cho người bạch tạng
01/07/2024 - 09:57:44
- Biện pháp khắc phục chứng buồn ngủ ban ngày
28/06/2024 - 10:03:55
- Đi bộ có thể giúp giảm đau lưng?
27/06/2024 - 09:42:43
- 5 bài tập giúp tăng sức mạnh trí não
26/06/2024 - 14:51:43
- Quất hồng bì vào mùa, cách sử dụng đúng có lợi cho sức khỏe
24/06/2024 - 10:51:23
- Bài tập giảm triệu chứng cho người bệnh áp xe hậu môn
20/06/2024 - 10:16:19