Món ăn thuốc cho người viêm phế quản khi giá lạnh
Lạnh giá làm suy giảm sức đề kháng, tạo cơ hội cho các bệnh, nhất là bệnh hô hấp như cảm lạnh, viêm phế quản phổi, hen phế quản,... bùng phát. Xin giới thiệu một số món ăn thuốc tăng sức đề kháng, hỗ trợ điều trị viêm phế quản ở người cao tuổi trong thời tiết lạnh.
Món ăn thuốc cho người viêm phế quản cấp
Cháo lá sơn trà: lá sơn trà 15g, gạo 100g, đường phèn vừa đủ. Lá sơn trà gói trong túi vải, cho vào nồi, đổ 200ml nước đun sôi còn 100ml, bỏ bã lấy nước, cho gạo vo sạch vào, thêm nước vừa đủ nấu cháo. Ăn nóng vào buổi sáng và tối, ăn 4-5 ngày là một liệu trình.
Cháo chao đậu: chao đậu loãng 20g, kinh giới 5g, ma hoàng 2g, sắn dây 25g, dành dành núi 3g, thạch cao nóng 80g, gừng tươi 3 lát, gạo tẻ 100g, hành lá vừa đủ. Cho chao đậu và các vị thuốc, gừng vào nồi, đổ nước vừa đủ đun sôi 10 phút là được, bỏ bã lấy nước, cho gạo đã đãi sạch vào nấu cháo, cháo chín cho hành. Chia ăn 2-3 lần trong ngày.
Cháo lê: quả lê 500g, nhân ý dĩ 100g, đường phèn 100g. Nhân ý dĩ rửa sạch ngâm nước vớt ra để ráo; lê bỏ hạt cắt quân cờ. Tất cả cho vào nồi với 1 lít nước nấu cháo. Chia ăn 2 lần trong ngày.
Cháo nếp hành: hành hoa 3 đoạn khúc dài khoảng 3cm, gừng tươi 3 lát, gạo nếp 60g, giấm ăn 5g. Cho gạo nếp đã đãi sạch vào nồi cùng gừng hành, đổ nước vừa đủ nấu cháo. Cháo chín cho giấm ăn vào trộn đều là được. Chia ăn 2 lần trong ngày.
Cháo bách hợp: gạo nếp 100g, bách hợp 30g, hạnh nhân ngọt 30g. Tất cả rửa sạch cho vào nồi, đổ nước vừa đủ nấu cháo ăn.
Cháo gạo nếp phổi bò: phổi bò 150g rửa sạch, gạo nếp 100g vo sạch cho vào nồi, đổ nước vừa đủ nấu cháo, thêm nước gừng và gia vị, ăn trong ngày.
Chim sẻ hầm phổi lợn: chim sẻ 2 con, phổi lợn 1 cái. Chim sẻ làm sạch lông, bỏ nội tạng rửa sạch cho vào nồi cùng phổi lợn, đổ nước vừa đủ đun sôi, hầm chín. Ngày ăn 1 lần.
Canh hạt sen đậu phụ: hạt sen 30g bỏ tâm rửa sạch cùng 150g đậu phụ, thêm nước vừa đủ nấu chín ăn.
Gà hầm sa sâm: gà 1 con nhỏ làm sạch bỏ nội tạng, cho 30g sa sâm vào bụng gà, thêm nước vừa đủ ninh nhừ. Ăn cả cái và nước.
Lê hầm bối mẫu: lê xanh 1 quả, bối mẫu 9g. Lê cắt miếng nhỏ, bối mẫu nghiền nhỏ, cho đường phèn vừa đủ vào cùng nấu chín. Ngày ăn 1 thang.
Tỏi 1 củ bỏ vỏ, đường trắng vừa đủ đem hấp hoặc chưng cách thủy khoảng 1 giờ. Ngày ăn 2 lần sau bữa ăn. Ăn liên tục trong vài tháng.
Trời rét đậm, người cao tuổi rất dễ mắc bệnh đường hô hấp như viêm phế quản... do sức đề kháng kém.
Món ăn thuốc cho người viêm phế quản mạn tính
Cháo vỏ quýt: vỏ quýt tươi 30g, gạo tẻ 50-100g. Vỏ quýt rửa sạch cho vào nồi, đổ nước vừa đủ nấu lấy nước bỏ bã, cho gạo đã vo sạch vào nấu cháo loãng. Ngày ăn 2 lần.
Cháo tang bạch bì: tang bạch bì tươi 30g (khô 15g), gạo 50g. Tang bạch bì rửa sạch cho vào nồi, thêm 300ml nước đun còn 150ml, bỏ bã, cho gạo đã đãi sạch vào nấu cháo. Chia ăn 2 lần trong ngày.
Cháo đình lịch tử (hạt đay): hạt đay 10g loại bỏ tạp chất, sao nhỏ lửa có mùi thơm là được, cho vào nồi, đổ nước vừa đủ, đun sôi kỹ, lọc bỏ bã, cho gạo đã vo sạch vào, thêm nước nấu cháo. Chia ăn ngày 2 lần.
Cháo xa tiền tử (hạt mã đề): hạt mã đề 15g bọc trong túi vải cho vào nồi, đổ 300ml nước sắc còn 150ml, bỏ túi thuốc, cho 50g gạo đã vo sạch vào, thêm 400ml nước, nấu cháo. Ăn nóng ngày 2 lần.
Cháo tứ nhân: bạch quả nhân, cam hạnh nhân đều 25g; hạch đào nhân, lạc nhân đều 50g; trứng gà 1 quả. 4 loại hạt nghiền nhỏ, mỗi lần dùng lấy 20g, cho 1 quả trứng gà vào nấu chín ăn buổi sáng hàng ngày.
Canh cá diếc hạnh nhân: cá diếc 1 con đánh vảy bỏ mang ruột, rửa sạch cùng với 9g hạnh nhân ngọt và đường đỏ, cho vào nồi, đổ nước vừa đủ nấu chín nhừ. Ăn cá uống canh, ăn trong ngày.
Canh bách hợp: bách hợp 100g rửa sạch cho vào nồi cùng với đường trắng 50g, nước vừa đủ đun khoảng 60 phút là được. Ăn trong ngày.
Canh phổi lợn lá chanh: phổi lợn 200g rửa sạch, lá chanh 15g. Cả hai cho vào nồi, đổ nước vừa đủ nấu chín, cho gia vị. Ăn, uống trong ngày.
Món ăn cho cả người viêm phế quản cấp và mạn tính
Củ cải đỏ 300g rửa sạch thái lát cho vào bát, đổ 50g đường mạch nha vào để 1 đêm, lấy nước củ cải tiết ra, uống nhiều lần trong ngày, mỗi ngày 1 thang.
Củ cải 250g, ngó sen tươi 250g, lê 2 quả rửa sạch. Tất cả xay nhỏ vắt lấy nước, cho mật ong vào khuấy đều, chia uống trong ngày.
Nước củ cải 100ml, đường mạch nha 5g. Hai thứ trộn đều, đun sôi, chia uống ấm 2 lần trong ngày.
Nước táo cam thảo: táo ngọt 8 quả, cam thảo tươi 6g. Tất cả rửa sạch cho vào nồi, thêm nước 800ml, đun nhỏ lửa còn 400ml, vớt bỏ bã. Ăn táo uống nước.
Nước phật thủ mật ong: Phật thủ 30g, thêm nước vừa đủ đun sôi chắt lấy 200ml nước, hòa 20ml mật ong uống thay nước trà trong ngày.
Nước hạnh đào: Hạnh đào 50g đốt tồn tính, nghiền nhỏ, cho đường trắng vào, pha nước sôi uống trước khi đi ngủ, uống trong 7 ngày liền.
Nước lê đường phèn: Lê tươi 1 quả rửa sạch thái nhỏ, cho đường phèn vào nấu lấy nước đặc. Mỗi lần dùng 1 thìa canh hòa với nước ấm, uống ngày 2 lần.
Tụy lợn 500g cắt bỏ màng mỡ, rửa sạch, bóp nát, sấy khô ở nhiệt độ 60 độ C, cho glycerin vào trộn đều, cho tiếp tinh bột vừa đủ làm viên khoảng 5g, hong khô. Sáng và tối mỗi lần uống 2 viên, trưa uống 1 viên. Uống nửa tháng là 1 đợt điều trị.
Hải đới 500g, gừng 40g, đường đỏ đủ dùng, cho vào 1 lít nước sắc còn 450ml. Mỗi lần uống 15ml, ngày 3 lần. Uống liền 10 ngày là 1 đợt điều trị.
Tỏi 250g bóc vỏ giã nát, cho 90g đường đỏ và 250g giấm vào ngâm 1 tuần. Mỗi lần uống 1 thìa canh, ngày 3 lần.
Lương y Đình Thuấn
Tin nổi bật
- Bài tập tốt cho người bạch tạng
01/07/2024 - 09:57:44
- Biện pháp khắc phục chứng buồn ngủ ban ngày
28/06/2024 - 10:03:55
- Đi bộ có thể giúp giảm đau lưng?
27/06/2024 - 09:42:43
- 5 bài tập giúp tăng sức mạnh trí não
26/06/2024 - 14:51:43
- Quất hồng bì vào mùa, cách sử dụng đúng có lợi cho sức khỏe
24/06/2024 - 10:51:23
- Bài tập giảm triệu chứng cho người bệnh áp xe hậu môn
20/06/2024 - 10:16:19