Các bài thuốc từ lá tre
Cây tre có tên khác là tre gai, tre nhà, được sử dụng làm thuốc trong dân gian và Đông y từ rất lâu đời.
Bộ phận dùng là lá tre (trúc diệp). Lá tre chứa chlorophyll, cholin, betain, men ureae, men proteslitic, diastatic, emulsin.
Theo Đông y, lá tre (trúc diệp) vị ngọt nhạt, hơi cay, tính lạnh; vào kinh tâm và phế. Trúc diệp có tác dụng thanh nhiệt, giải cảm, giải độc, hay được dùng trong các trường hợp mụn nhọt viêm tấy mưng mủ và sốt nóng trong các dịch sốt huyết. Liều dùng và cách dùng: 6-10g khô, 30-60g tươi; bằng cách nấu, sắc, hãm. Sau đây là một số đơn thuốc và thực đơn chữa bệnh có trúc diệp.
Lá tre là vị thuốc tốt trị viêm đường tiết niệu.
Chữa cảm sốt:
Bài 1: lá tre 30g, thạch cao 12g, mạch môn 8g, gạo tẻ 7g, bán hạ 4g, nhân sâm 2g, cam thảo 2g. Sắc uống. Chữa cảm sốt, miệng khô khát.
Bài 2: lá tre 16g, kim ngân hoa 16g, cam thảo đất 12g, kinh giới 8g, bạc hà 8g. Sắc uống. Chữa cảm sốt hay cảm cúm sốt cao.
Chữa co giật trẻ em: lá tre 16g, sinh địa 12g, mạch môn 12g, câu đằng 12g, lá vông 12g, chi tử 10g, cương tằm 8g, bạc hà 8g. Sắc uống.
Chữa sởi thời kỳ đang mọc: lá tre 20g, sài đất 16g, kim ngân hoa 16g, mạch môn 12g, sa sâm 12g, cát căn 12g, cam thảo đất 12g. Sắc uống.
Chữa thủy đậu: lá tre 8g, liên kiều 8g, cát cánh 4g, đạm đậu sị 4g, bạc hà 3g, chi tử 3g, cam thảo 3g, hành tăm 2 củ. Sắc uống.
Chữa loét miệng: lá tre 16g, thạch cao 20g, sinh địa 16g, cam thảo Nam 16g, chút chít 12g, huyền sâm 12g, ngọc trúc 12g, mộc thông 8g. Sắc uống.
Chữa viêm cầu thận cấp tính: lá tre 16g, bồ công anh 20g, bạch mao căn 20g, sinh địa 12g, mộc thông 12g, hoàng bá 12g, hoàng cầm 12g, cam thảo 4g. Sắc uống.
Chữa viêm bàng quang cấp tính: lá tre 16g, sinh địa 12g, mộc thông 12g, hoàng cầm 12g, cam thảo 6g, đăng tâm thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang.
Chữa đái ra dưỡng chấp: lá tre 20g, kim tiền thảo 20g, mía dò 20g, giá đỗ xanh 16g, tỳ giải 16g, ý dĩ 12g, hoạt thạch 10g. Sắc uống.
Món ăn cho người bị sốt siêu vi, sốt xuất huyết, mụn nhọt sưng tấy gây sốt: Dùng bài cháo trúc diệp thạch cao đậu xanh: trúc diệp 12g, thạch cao sống 30g, đại hoàng 8g, gạo tẻ 50g, đậu xanh 60g. Trúc diệp và các dược liệu nấu lấy nước, để riêng. Gạo và đậu xanh vo sạch nấu cháo, khi cháo chín cho nước thuốc, đường trắng vừa đủ, đun khuấy đều. Ăn 2 lần trong ngày (sáng và tối).
TS. Nguyễn Đức Quang
Tin nổi bật
- Bài tập tốt cho người bạch tạng
01/07/2024 - 09:57:44
- Biện pháp khắc phục chứng buồn ngủ ban ngày
28/06/2024 - 10:03:55
- Đi bộ có thể giúp giảm đau lưng?
27/06/2024 - 09:42:43
- 5 bài tập giúp tăng sức mạnh trí não
26/06/2024 - 14:51:43
- Quất hồng bì vào mùa, cách sử dụng đúng có lợi cho sức khỏe
24/06/2024 - 10:51:23
- Bài tập giảm triệu chứng cho người bệnh áp xe hậu môn
20/06/2024 - 10:16:19