Biện pháp chữa stress bằng Đông y
Stress là căn bệnh khá phổ biến trong cuộc sống hiện đại, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 hiện nay. Nếu không kiểm soát, điều trị tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, công việc và hạnh phúc gia đình của người bệnh.
1. Biểu hiện của stress
Người mới bị stress thường có biểu hiện:
- Căng thẳng, mệt mỏi, yếu sức
- Lo lắng, trống ngực
- Mất ngủ, ngủ ít hay mê
- Tập trung kém, trí nhớ giảm
- Kích thích, buồn bã, dễ nổi cáu
- Tim đập nhanh, thở gấp…
Các biểu hiện này sẽ qua mau nếu stress được giải tỏa kịp thời.
Người bị stress ở mức độ nặng, trong thời gian dài có những biểu hiện sau:
- Mất niềm tin vào cuộc sống, tinh thần luôn mệt mỏi, chán chường, có thể dẫn đến trầm cảm.
- Các rối loạn kèm theo: Rối loạn giấc ngủ, tức ngực, tăng huyết áp, đau đầu, đau dạ dày…
- Đối với phụ nữ mang thai có thể gây suy thai, trẻ sinh ra chậm phát triển.
2. Nguyên nhân gây stress
Y học hiện đại giải thích stress là một trạng thái căng thẳng thần kinh, do sự tăng sinh quá mức hormone cortisol trong cơ thể. Ở trạng thái bình thường đây là một hormone tốt do tuyến thượng thận sinh ra, nó kích thích gan chuyển hóa chất béo thành glucose cung cấp năng lượng cho cơ thể. Hormone này giúp điều chỉnh huyết áp, hỗ trợ hình thành ký ức mới và đóng vai trò tiêu hóa, quản lý cách cơ thể sử dụng protein, chất béo và carbohydrate (carbs) chiết xuất từ thực phẩm và được cơ thể sử dụng để phản ứng lại stress và các trường hợp nguy hiểm.
Bình thường nồng độ cortisol sẽ tăng và giảm theo nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể, vào đêm khuya nồng độ của nó là thấp nhất. Tuy nhiên việc căng thẳng kéo dài đã làm cho nồng cortisol lúc nào cũng cao. Lượng cortisol dư thừa sẽ gây viêm. Các tế bào miễn dịch trở nên giảm nhạy cảm với các hiệu ứng hormone, điều này có liên quan đến một số bệnh như đái tháo đường, Alzheimer và ung thư…
Một hậu quả đáng tiếc khác của căng thẳng mạn tính là tăng cân. Mặc dù tăng cân có liên quan đến tốc độ trao đổi chất, thiếu tập thể dục và các yếu tố khác nhưng cortisol là một nguyên nhân không kém phần quan trọng vì cortisol làm tăng sự thèm ăn của bạn.
Y học cổ truyền thì quan niệm về stress có hơi khác, xếp các hội chứng stress thuộc phạm trù thất miên, kiện vong, đầu thống, chính xung, kinh quý…
Y học cổ truyền không nghiên cứu bệnh tật dưới góc độ hormone hay vi sinh học, mà dựa vào âm-dương, khí huyết, tạng phủ, kinh lạc để nghiên cứu và dựa trên tứ chẩn quy nạp ra bát cương, bát pháp để đề ra phương pháp chữa bệnh.
Về nguyên nhân, y học cổ truyền cho rằng do Can khí uất kết, lâu ngày khí uất hóa hỏa, gây ra các chứng như hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, dễ cáu gắt, nổi nóng… Can mộc khắc Tỳ thổ, kết hợp với suy nghĩ nhiều hại Tỳ, Tỳ hư gây suy nhược, ăn uống kém. Tỳ hư cũng dẫn đến Tâm hư, mà Tâm chủ thần minh, Tâm hư dẫn đến các chứng bệnh mất ngủ, lo âu, dễ trầm cảm… Nói chung các tạng phủ đều có liên quan với nhau theo quan hệ ngũ hành sinh khắc.
Stress là một trạng thái căng thẳng thần kinh.
3.Các phương pháp điều trị stress
3.1 Điều trị stress bằng thuốc
Trên lâm sàng mỗi người một khác, tuy cùng là stress nhưng chữa trị cũng sẽ có khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nặng nhẹ. Có người do Can, có người do Tỳ, có người do Thận nhưng có người cả Tâm, Can, Tỳ, Thận…
Nhiệm vụ của người thầy thuốc là tìm ra nguyên nhân chính gây bệnh, từ đó mà dùng thuốc phù hợp.
Bài thuốc giới thiệu ở đây là do chứng Can khí uất kết, bệnh thường do những áp lực, bức xúc trong lòng, để lâu không giải tỏa được với ai nên gây ra các triệu chứng như: Hay cáu gắt, dễ nổi nóng, đôi lúc muốn phát điên lên dù chuyện nhỏ, uất ức, hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, dễ khóc…
Phương pháp: Sơ can giải uất.
Bài thuốc tham khảo: Tiêu giao tán gia giảm.
Thành phần gồm: Sài hồ 12g, đương quy 20g, bạch thược 16g, bạch truật 16g, bạch linh 16g, cam thảo 6g, bạc hà tươi 12g, sinh khương 8g, uất kim 12g, hương phụ 12g, trần bì 6g.
Giải thích bài thuốc:
- Sài hồ sơ can giải uất là chủ dược.
- Uất kim, hương phụ, trần bì hỗ trợ sài hồ giải uất tốt hơn.
- Đương quy, bạch thược bổ huyết, dưỡng Can, làm Can được thư thái, tránh uất ức.
- Bạch truật, bạch linh, cam thảo giúp kiện tỳ ích khí, trừ thấp, bổ trung.
- Bạc hà trợ cho sài hồ để tán nhiệt, sơ can giải uất.
Đông y coi trọng chữa bệnh từ gốc và luôn hướng đến lập lại sự cân bằng Âm – dương trong cơ thể. Do đó việc lập phương của Đông y đều dựa trên biện chứng luận trị từ đó mới đưa các vị thuốc phù hợp.
3.2 Điều trị không dùng thuốc
Sức khỏe con người bao gồm sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần. Dưới áp lực của công việc, cuộc sống, gia đình và các mối quan hệ xã hội, lâu ngày nếu không được giải tỏa, kiểm soát và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến stress và nhiều bệnh nguy hiểm khác nhau, có khi từ đó dẫn đến bi kịch của cuộc đời, đó mới là điều đáng sợ của stress.
Vấn đề mấu chốt ở đây là phải biết giải tỏa những căng thẳng bên trong, phải loại bỏ được nguyên nhân gây bệnh; duy trì lối sống vận động, lạc quan, vui vẻ hàng ngày. Một điểm rất quan trọng nữa là cho dù có khỏe mạnh bình thường thì cũng nên tập thiền hàng ngày, thiền làm cho chúng ta minh mẫn khỏe mạnh, yêu đời hơn.
4 nhận thức - 8 phương pháp giải stress ai cũng cần phải nhớ
Đây là những điều nằm trong "Tứ diệu đế" và "Bát chánh đạo" của nhà Phật. Nó luôn đúng với mọi người. Nếu như ai cũng hạnh phúc, vui vẻ, giàu có, khỏe mạnh… thì không bao giờ có stress.
4 nhận thức, đó là: Nhận thức được tình trạng, nguyên nhân, cách khắc phục và quan trọng là phải có phương pháp đúng.
8 phương pháp đó là:
- Nhận thức đúng: Biết cái nào nên làm, cái nào nên tránh.
- Nhận thức sự vật đúng bản chất, không cường điệu quá.
- Suy nghĩ đúng đắn, xét đoán sáng suốt, không mê lầm.
- Ngôn ngữ đúng đắn: Nói những lời lẽ chân thật, êm ái, chính đáng, hiền hòa đưa đến xây dựng niềm tin, đoàn kết hòa hợp, thương yêu và lợi ích, những lời hợp với Chân, Thiện, Mỹ. Tránh ác khẩu, lừa dối, phỉ báng...
- Hành vi đúng đắn, làm việc chân chính, vừa lợi cho mình và lợi cho người. Đời sống đúng đắn, lành mạnh, trong sạch
- Luôn nỗ lực phấn đấu, rèn luyện và hoàn thiện bản thân, kiềm chế tốt cảm xúc.
- Luôn tập trung tư tưởng, không được làm tâm thức rối loạn, giữ được tâm của bạn yên tĩnh, bình an, nhất là trước các cám dỗ.
- Phải biết tự kiểm điểm bản thân và từ đó hoàn thiện hơn.
Còn đối với nhà Y thì các tình chí đều có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của chúng ta:
- Cáu giận hại Can
- Buồn lo hại Phế
- Suy nghĩ hại Tỳ
- Vui quá hại Tâm
- Sợ hại Thận.
Có người do stress dẫn đến lúc nào cũng hay cáu gắt, nổi nóng, hỏa xung không kiềm chế được dẫn đến tai biến mà thiệt mạng. Do đó, hãy rèn luyện những điều trên như việc chúng ta tập thể dục, rèn luyện hàng ngày, hàng tháng, hàng năm, từ trẻ đến già, có như vậy cuộc sống của chúng ta sẽ luôn tràn ngập hạnh phúc, stress sẽ biến mất.
* Phương pháp thiền 5 phút mỗi ngày
-Điều đầu tiên hãy tìm một không gian yên tĩnh, bạn có thể thiền bất cứ thời gian nào trong ngày, có thể thiền trong tư thế nằm hoặc ngồi.
-Tiếp đến, hãy tạo tâm lý thật thoải mái, quên đi mọi công việc lo toan, cứ như kiểu bạn đang trong kỳ nghỉ du lịch, không vướng bận, lo âu.
-Hít thật sâu, dẫn khí lên não, thở ra từ từ, thật tự nhiên, đừng đếm, hãy quan sát vào hơi thở và hãy thả lỏng toàn bộ cơ thể nhất là các cơ mặt. Nếu bộ phận nào trên cơ thể bạn thấy vẫn đang còn căng thẳng, hay chú ý đến nó và thả lỏng. Nếu có ý nghĩ nào đó xuất hiện thì quay lại chú tâm vào hơi thở và lại thả lỏng tiếp. Cứ như vậy lặp lại.
Hãy coi nó như là bài tập thể dục tâm thần hàng ngày của bạn, đừng quá máy móc lo sợ mình dẫn khí không đúng. Điều cốt yếu là phải rèn cho cơ thể biết thư giãn và tâm ý đồng nhất, không bị nhiễu loạn, chính sự nhiễu loạn làm chúng ta mất rất nhiều năng lượng.
Mỗi ngày bạn chỉ cần tập thiền 5 phút, nếu bạn tập chăm chỉ hàng ngày, bạn sẽ thấy cuộc đời của bạn sẽ thay đổi theo hướng tích cực hơn rất nhiều.
* Day bấm huyệt
Day huyệt Thái Xung hàng ngày, nhất là đối với chị em phụ nữ lại càng tốt. Vì đây là huyệt nguyên, là nơi khí của Can tập trung nhiều nhất. Khi ta day, massage vào huyệt đó sẽ làm cho Can khí được bình hòa, khí huyết lưu thông, từ đó làm cho cơ thể dễ chịu hơn.
Cách bấm: Lấy ngón tay cái hoặc trỏ day vào ngược kim đồng hồ khoảng 5 giây, thấy tê tê thì thả lỏng ra nghỉ 5 giây, rồi tiếp tục như vậy khoảng 1 phút là được.
Tin nổi bật
- Bài tập tốt cho người bạch tạng
01/07/2024 - 09:57:44
- Biện pháp khắc phục chứng buồn ngủ ban ngày
28/06/2024 - 10:03:55
- Đi bộ có thể giúp giảm đau lưng?
27/06/2024 - 09:42:43
- 5 bài tập giúp tăng sức mạnh trí não
26/06/2024 - 14:51:43
- Quất hồng bì vào mùa, cách sử dụng đúng có lợi cho sức khỏe
24/06/2024 - 10:51:23
- Bài tập giảm triệu chứng cho người bệnh áp xe hậu môn
20/06/2024 - 10:16:19