3 bài thuốc chữa đau dạ dày do vị hư hàn
Người bị chứng đau dạ dày do vị hư hàn thường đau lâm râm vùng thượng vị, ăn uống lạnh hay đau tăng. Nhiều chứng liên quan ở đường tiêu hóa như đầy bụng, nôn mửa, sa dạ dày, đau bụng đi ngoài, rối loạn tiêu hóa...
Nguyên nhân: Phần nhiều vốn dương khí hư mà hay ăn sống lạnh, ăn uống không điều độ.
Phép trị: Chủ yếu ôn bổ tỳ vị khu hàn….
Người bệnh nên ăn uống bổ ấm, tránh vị lạnh chua đắng quá.
Đau dạ dày có rất nhiều triệu chứng đi kèm.
Dưới đây là 3 bài thuốc quý chữa chứng đau dạ dày do vị hư hàn:
1. Bài 'Lý trung hoàn gia giảm'
- Dùng trong trường hợp: Đau dạ dày do vị hư hàn với biểu hiện hay lạnh bụng, đầy bụng, nôn mửa, bụng đau.
-Thành phần bài thuốc gồm: Nhân sâm 12g, bạch truật 12g, can khương 12g, chích thảo 12g, đại táo 12g.
- Cách dùng: Sắc uống hoặc làm hoàn uống. Nếu sắc ngày 1 thang, chia làm 2 – 3 lần, uống khi thuốc còn ấm. Làm hoàn bằng hạt ngô đồng, mỗi lần 10-15 viên/lần, 2 lần 1 ngày.
- Công dụng: Ôn trung khu hàn (làm ấm tỳ vị, đuổi hàn tà ra ngoài), bổ khí kiện tỳ vị… trị tỳ vị hư hàn, hay lạnh bụng, đầy bụng, nôn mửa, bụng đau. Khi tỳ vị hư được ôn bổ, giúp tỳ sinh huyết vận hóa tốt, hàn thấp trệ tự tiêu, như vậy tỳ vị sinh huyết hóa thấp tốt, chứng đau do vị hàn tự khỏi, ăn ngon, tiêu hóa tốt, người khỏe.
Nhân sâm trong bài Lý trung hoàn gia giảm trị đau dạ dày.
Phương giải:
- Can khương ôn trung khu hàn, hồi phục tỳ dương.
- Bạch truật kiện tỳ táo thấp, chỉ hãn.
- Nhân sâm đại bổ nguyên khí, ích huyết, sinh tân.
- Chích thảo bổ tỳ, hòa trung, hòa dược.
Gia giảm:
- Nếu lạnh (hàn) nhiều, gia phụ tử 4-6g là bài "Phụ tử lý trung".
- Nếu đi ngoài có phân nhầy "kiết lị", gia hoàng liên, hương phụ, để lý khí hóa trệ.
- Nếu đi ngoài ra máu, gia a giao, ngải diệp
- 2. Bài 'Bổ trung ích khí'
-
- Dùng trong trường hợp: Vị hư hàn kèm biểu hiện hay tiêu lỏng, mệt, sa nội tạng dạ dày
- Thành phần bài thuốc gồm: Hoàng kỳ 18g, nhân sâm 14g, bạch truật 12g, phục linh 14g, thăng ma 12g, sài hồ 12g, đương quy 14g, trần bì 10g, sinh khương 12g.
Sắc hoặc làm hoàn uống. Nếu sắc ngày 1 thang, chia làm 2 – 3 lần, uống khi thuốc còn ấm. Làm hoàn bằng hạt ngô đồng, mỗi lần 10-15 viên/lần, 2 lần 1 ngày.
- Tác dụng: Bổ trung ích khí, kiện tỳ, hóa hàn thấp thăng dương… dùng trị các chứng tỳ phế khí hư, rối loạn tiêu hóa kéo dài, khí hư hạ hãm, sa dạ dày, phủ tạng, sinh dục, trực tràng, sa dạ con, trĩ, thoát vị bẹn hoặc sụp mi, phụ nữ có thai phù chân, khí hư bị cảm mạo, mệt mỏi, ra mồ hôi nhiều, và các chứng liên quan dương khí hư.
- Kiêng kỵ: Chứng nóng sốt do nhiệt tà nhiệt lỵ mới nhiễm, chứng âm hư nội nhiệt ra nhiều mồ hôi, chứng âm hư đau đầu, mất ngủ, tăng huyết áp không nên dùng.
Hoàng kỳ trong bài Bổ trung ích khí.
3. Bài 'Bát vị hoàn gia giảm'
- Dùng trong trường hợp: Vị hư hàn với biểu hiện hay đau bụng, đi cầu lỏng sáng sớm (ngũ canh tả), với các triệu chứng sợ lạnh, chân tay lạnh, thắt lưng đau… (mệnh môn hỏa suy).
- Thành phần bài thuốc gồm: Thục địa 20g, sơn dược 18g, sơn thù 14g, phục linh 18g, trạch tả 10g, nhục quế 8g, phụ tử 6g.
- Tác dụng: Ôn bổ mệnh môn hỏa… trị các chứng mệnh môn hỏa suy, thận hỏa không đủ không sinh được thổ (khí để sinh hóa vạn vật phát triển), mà dẫn đến tỳ vị hư hàn, hư yếu, khí kém, "như nồi cơm thiếu củi lửa, cơm không thể chín nhừ".
Tỳ vị là gốc hậu thiên vận hóa thức ăn tạo huyết, thận gốc tiên thiên nơi phát hỏa làm ấm toàn thân. Khi thận hỏa được ôn ấm là tỳ vị được ôn ấm, giúp tỳ khu hàn hóa thấp sinh huyết, từ đó chứng dạ dày do vị hư hàn cũng tự khỏi, đau bụng, chướng bụng, tiêu chảy cũng giảm.
- Kiêng kỵ: Không dùng cho người âm hư nội nhiệt, tăng huyết áp, phụ nữ có thai.
Tin nổi bật
- Bài tập tốt cho người bạch tạng
01/07/2024 - 09:57:44
- Biện pháp khắc phục chứng buồn ngủ ban ngày
28/06/2024 - 10:03:55
- Đi bộ có thể giúp giảm đau lưng?
27/06/2024 - 09:42:43
- 5 bài tập giúp tăng sức mạnh trí não
26/06/2024 - 14:51:43
- Quất hồng bì vào mùa, cách sử dụng đúng có lợi cho sức khỏe
24/06/2024 - 10:51:23
- Bài tập giảm triệu chứng cho người bệnh áp xe hậu môn
20/06/2024 - 10:16:19